Dẹp cát tặc, doanh nghiệp lĩnh "đòn thù"?

Từ thái độ thờ ơ, thiếu kiên quyết mặc sức cho giang hồ hoành hoành khiến người dân và doanh nghiệp được cấp phép khai thác khốn đốn trong một thời gian dài của các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc khiến dư luận hoài nghi có nhóm đặc lợi “chống lưng” cho hàng loạt những sai phạm này?

[links()]Từ thái độ thờ ơ, thiếu kiên quyết mặc sức cho giang hồ hoành hoành khiến người dân và doanh nghiệp được cấp phép khai thác khốn đốn trong một thời gian dài của các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc khiến dư luận hoài nghi có nhóm đặc lợi “chống lưng” cho hàng loạt những sai phạm này?

Sau chuyên án của Bộ công an, nhiều “chốt” chống khai thác cát trái phép được dựng lên
Sau chuyên án của Bộ công an, nhiều “chốt” chống khai thác cát trái phép được dựng lên

Chuyên án 912 CT

Trước tình trạng ngày càng “nóng” trên dọc tuyến Sông Lô, đặc biệt tình trạng đơn thư của người dân và doanh nghiệp không được cơ quan chức năng địa phương xử lý, nhằm lập lại trật tự trên địa bàn, Bộ Công an đã phải lập đoàn liên ngành tổng kiểm tra trên toàn tuyến, đồng thời giao Cục C45 cùng các đơn vị nghiệp vụ xác lập chuyên án 912CT điều tra xử lý kiên quyết các vụ vi phạm hình sự xảy ra tại đây.

Theo kế hoạch, 3h sáng ngày 21/11, trinh sát của Bộ Công an đã tổ chức bí mật bắt 2 tàu cuốc vào khai thác trái phép cát sỏi tại bãi Soi Đình, phát hiện 27 đối tượng đang tham gia khai thác, thu giữ 1 khẩu súng, hàng chục dao, kiếm các đối tượng tàng trữ trên tàu.

Sau thời gian tiến hành lấy lời khai, phân loại đối tượng, Cục C45 đã triệu tập 12 đối tượng về cơ quan để đấu tranh, làm rõ. Điều tra mở rộng, tổ công tác phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra tại 1 điểm ở xã Hải Lưu phát hiện bắt giữ 2 đối tượng trong chuyên án đang cư trú trái phép là Nguyễn Tuấn Minh (đối tượng mà Cty Việt Thắng tố Cty Trường Sơn phong cho chức vụ Trưởng ban Quản lý khai thác cát sỏi tại xã Bạch Lưu để cướp mỏ), Trịnh Xuân Giang đều sinh năm 1984 thu giữ được 3 khẩu súng.

Theo CQĐT, khám xét khẩn cấp nơi ở của hai đối tượng này đã thu giữ được nhiều giấy tờ liên quan đến hoạt động khai thác cát của Cty cổ phần đầu tư Trường Sơn. Qua đấu tranh, hai đối tượng này khai nhận chúng tàng trữ trái phép vũ khí  là để phục vụ cho việc khai thác cát trái phép tại mỏ cát xã Bạch Lưu.

Kết quả bước đầu của chuyên án do Bộ Công an xác lập và đấu tranh đã gây dựng được niềm tin rất lớn cho người dân địa phương.  Chuyên án đang tiếp tục được Tổng cục Phòng chống tội phạm Bộ Công an chỉ đạo củng cố hồ sơ và tiếp tục điều tra mở rộng.

Trả đòn?

Đáng nói tình trạng khai thác ồ ạt đã xâm hại vào nguồn tài nguyên của Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương diễn ra trong một thời gian dài nhưng cả hệ thống chính trị từ cấp xã đến cấp tỉnh của tỉnh Vĩnh Phúc không có biện pháp hữu hiệu nào để dẹp bỏ, khiến nhiều người dân đặt vấn đề có nhóm đặc lợi “bảo kê” đàng sau cho hoạt động này?

Theo tài liệu thu thập của PLVN, những nghi ngờ này không phải là không có cơ sở. Mới đây sau khi một loạt đối tượng được cho là “cát tặc” bị C45 tóm gọn, một số mỏ cát bị các nhóm đối tượng trên chiếm đã được trả lại chủ cũ. Nhưng khi họ bắt tay vào hoạt động thì liên tục bị một bộ phận cán bộ và cơ quan công an địa phương “làm khó”, gây áp lực.

“Liên tiếp từ cuối giờ chiều ngày 1/12 đến 11h đêm 2/12, một số cán bộ công an tỉnh và huyện đã mời và tạm giữ cán bộ công ty chúng tôi một cách trái pháp luật. Những cán bộ này là những người trực tiếp làm đơn tố tổ chức “xã hội đen” chiếm đoạt tài sản. Việc tóm gọn những đối tượng này nhân dân rất phấn khởi chưa được lâu thì Công an địa phương lại có hành động làm khó người tố cáo. Trong khi liên tục 6 tháng trước, khi nhóm đối tượng này dùng vũ lực chiếm mỏ, là doanh nghiệp được cấp phép hợp pháp kêu cứu tới các cấp thì không ai can thiệp, thử hỏi kỷ cương pháp luật ở đâu”- Lãnh đạo Cty TNHH Việt Thắng bức xúc.

Trao đổi với PLVN, Thượng tá Nguyễn Trần Hanh, Trưởng Công an huyện Sông Lô giải thích, để đảm bảo an ninh trật tự sau chuyên án của Bộ, hiện công an tỉnh đã cử hẳn tổ công tác về cắm chốt ở đây để bảo vệ dọc tuyến sông.

“Công an ở đây là để đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp hoạt động chứ có ai làm khó cho ai đâu. Chúng tôi mời cán bộ lên làm việc vì đơn vị này liên quan đến việc bán hàng nhưng không xuất hóa đơn. Doanh nghiệp này không chấp hành nghĩa vụ thuế, thì chúng tôi phải làm rõ”- Thượng tá Hanh lý giải. Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao lại mời cán bộ công ty lên làm việc lại tiến hành vào lúc 3h sáng, đồng thời cấm sử dụng điện thoại, không thông báo cho lãnh đạo công ty thì Thượng tá Hanh giải thích qua loa và cáo bận đi họp (?!).

Đem thắc mắc với lãnh đạo UBND xã Bạch Lưu nguyên nhân tại sao tình trạng “cát tặc” không dẹp được mà phải chờ vào Bộ công an về xử lý thì tình hình mới “êm”, một Phó chủ tịch UBND xã khuyên phóng viên nên hỏi cấp cao hơn vì nó hơi tế nhị chứ cấp xã thẩm quyền có ít và đã làm hết trách nhiệm rồi.  

“Chúng tôi đã làm hết khả năng, hiệu quả mang lại chưa như ý muốn. Nhiều vụ phải cần tới cấp tỉnh, như công an tỉnh hay Bộ công an xử lý như vụ vừa rồi. Cty Việt Thắng có phản ánh việc chiếm đoạt nhưng chúng tôi là cơ quan hành chính không giải quyết việc ấy được. Đấy là việc của cơ quan bảo vệ pháp luật. Chúng tôi không có chỉ đạo cấm hay gây áp lực các đơn vị được cấp phép hoạt động khai thác hợp pháp” – Ông Dương Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Lô.

 Phi Hùng

Đọc thêm