“Dệt” kỳ tích mới từ niềm tin vào chính mình và tương lai của đất nước

(PLVN) - Hôm nay (8/2), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đến thăm Bộ Công Thương và Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhân dịp đầu Xuân mới Nhâm Dần.
Chủ tịch Quốc hội đến thăm Bộ Công Thương.
Chủ tịch Quốc hội đến thăm Bộ Công Thương.

Ngành Công Thương phải có “mãnh lực” vươn lên

Sau khi nghe Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo một số kết quả nổi bật của ngành trong năm 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiệt liệt biểu dương những thành tích ấn tượng và đóng góp quan trọng của ngành đối với đất nước.

Có thể nói năm 2021 là năm vượt khó đi lên. Ngành Công Thương đã đóng góp vô cùng lớn cho nền kinh tế đất nước. Ngay trong những ngày đầu năm 2022, hàng hoá, nông sản lưu thông qua các cửa khẩu đã tiếp tục gia tăng. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 năm nay theo số liệu của các ngành chức năng đã có những tiến triển khá tốt, hứa hẹn một năm chúng ta sẽ bù lại những thiệt hại của năm 2021 và lấy lại đà tăng trưởng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, năm 2022 tiếp tục là năm nhiều thử thách cam go, nhất là trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó, Bộ Công Thương và toàn ngành cần tập trung triển khai sớm các chương trình, kế hoạch, đề án nhằm tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, để đạt được các mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định có vai trò hết sức quan trọng của thể chế, chính sách pháp luật. Xây dựng pháp luật, tổ chức thực thi pháp luật phải kiến tạo sự phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế.

Ngành Công Thương cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong mọi quyết sách; chú trọng công tác xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục những khó khăn, giải quyết dứt điểm những tồn tại để bước vào năm mới với một tâm thế mới.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ngành Công Thương phải có “mãnh lực” vươn lên.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ngành Công Thương phải có “mãnh lực” vươn lên.

Ngành Công Thương phải có “mãnh lực” vươn lên, toàn ngành nỗ lực hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn, đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao nhiệm vụ “năm sau phải tốt hơn năm trước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và tin tưởng ngành Công Thương sẽ gặt hái được những kết quả tốt hơn trong năm 2022 với khí thế của “mãnh hổ”.

Quyết tâm nâng giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may Việt Nam

Trao đổi với lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam tại trụ sở chính và trò chuyện trực tuyến với các cán bộ, công nhân ưu tú đại diện cho hơn 150 nghìn người lao động của Tập đoàn tại gần 70 điểm cầu ở 31 tỉnh, thành phố trong cả nước, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi tới toàn thể cán bộ, người lao động những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất.

Biểu dương những thành tựu năm 2021 trong bối cảnh khắc nghiệt do tác động của đại dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ngành Dệt may, trong đó có Tập đoàn Dệt may Việt Nam “đã làm nên những điều kỳ diệu. Càng trong khó khăn, thử thách thì càng có sức bật mạnh mẽ.

Thành công của ngành Dệt may và Tập đoàn Dệt may Việt Nam là minh chứng hết sức sinh động cho sức sống mãnh liệt và tinh thần linh hoạt, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh ngày càng gay gắt”.

Năm 2022, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục cố gắng, nỗ lực vượt bậc và thực chất hơn nữa. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tập đoàn Dệt may Việt Nam phải chủ động thích ứng với sự thay đổi của dòng vốn đầu tư toàn cầu và chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu; nắm bắt các cơ hội, các xu hướng thay đổi trong chuỗi cung ứng quốc gia cũng như mối quan hệ trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.

Cùng với thị trường xuất khẩu, phải chú trọng hơn nữa thị trường nội địa, với quy mô 100 triệu dân. Do đó, Tập đoàn cần chú trọng các dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước, có chất lượng tốt, giá thành hợp lý, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp, người nghèo tiếp cận được sản phẩm.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tập đoàn Dệt may Việt Nam chú trọng các dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tập đoàn Dệt may Việt Nam chú trọng các dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu xây dựng thương hiệu thời trang Việt Nam, từ thị trường nội địa hướng ra thị trường quốc tế. Dệt may Việt Nam không thể cứ gia công mãi mà phải phát triển ngành công nghiệp thời trang.

Để làm được điều đó, ngay từ những ngày đầu năm 2022, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tập đoàn sớm xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội và Chương trình phòng, chống dịch COVID19 giai đoạn 2022 – 2023 của Chính phủ bảo đảm thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Tiếp tục rà soát, phủ kín vaccine cho người lao động của Tập đoàn, động viên gia đình người lao động tiêm chủng vaccine để hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm chéo.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý Tập đoàn cần tiếp tục củng cố, xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ. Tăng cường công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong việc tập hợp, đoàn kết và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, các bộ ngành quyết liệt triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, giúp các doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất; tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp…

Đọc thêm