Tết xưa, những sắc màu phồn thực như tranh
Nhớ chợ tết xưa đẹp như thơ trong “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng: “chợ tết có một sức hấp dẫn hết sức kì lạ, muốn về nhưng lại cứ muốn đi, đi để xem thiên hạ mua bán, đi để xem bao nhiêu cái ngon, cái đẹp của quê hương, đi để xem… chợ tết”.
Nhớ cái chợ tết thời ta bé tí, là chợ hoa Hàng Lược. Bởi Tết là nhất định phải có hoa. Trong tiết trời bảng lảng sương giăng, trong cái lạnh se se, lòng trẻ con ngồi sau xe đạp reo vui vì những sắc hoa đào, hoa mai rực rỡ như màu hoa trên áo mới, lòng người lớn ấm lên vì những bông thược dược cánh to và dày đượm màu mủ sắc, những bông cúc đại đóa vàng rực cả một gánh hàng hoa. Màu hoa, hương hoa ấy mà hội tụ trong căn hộ nhỏ nơi góc phố Hà Nội những ngày xuân,sẽ không chỉ phủ đầy không khí tết mà còn giúp xua tan đi bao mệt nhọc, lo toan của mẹ ta sau cả một năm dài phấn đấu vì công, vì việc, vì chồng, vì con.
Rồi chợ tết của những tháng ngày ta biết lớn biết khôn là Hội chợ Xuân, ở triển lãm Giảng Võ. Năm nào cũng được bố chở đi mua quà về quê cho ông bà, cô chú. Đi hội chợ, là được xem, được biếtsản vật bốn phương, được ngắm người ra người vào nhộn nhịp bán mua, được cảm nhận rõ từng món ăn tết, từng hương vị tết, từ cái bánh chưng nổi tiếng làng Ước Lễ, mứt tết cổ truyền Hà Nội, từ hũ rượu ngọt vùng cao Hà Giang, miếng thịt trâu Cao Bằng đượm mùi gác bếp, trái bưởi ngọt Cần Thơ…
Tết của những người con xa xứ lên thành phố làm ăn như bố mẹ ta, là mua sắm xong sẽ tạm biệt Hà Nội, cả nhà ta về quê cùng ông bà ăn tết. Về quê, những cô dâu thành phố như mẹ, không thể không theo mẹ chồng đi chợ tết. Ta lại được lẽo đẽo theo bà, theo mẹ thăm thú chợ quê. Chẳng thể nào quên cảm giác hân hoan ngắm nghía những trò, những hội còn đẫm chất dân gian xen giữa gánh gồng nơi góc chợ quê hương. Còn bà và mẹ đi chợ là để về chuẩn bị cho mâm cỗ giao thừa. Nào rau, nào củ, nào lợn, nào gà. Chợ về rồi thì cả nhà mười mấy ngườimỗi người một chân một tay náo nức chuẩn bị. Gia đình đông đủ, rôm rả tiếng cười vui, lanh canh tiếng đũa bát, rộn ràng tiếng hàng xóm qua lại hỏi thăm, chúc tụng: Nhà có con cháu về đông đủ, gia đình thật có phúc điền viên.
Ấy là những cái tết xưa, ta đi chợ để thấy tết thật gần gũi, ấm áp, thiết thân, tết cảm giác như chạm được vào tay.
Tết của thời công nghệ - “chạm, vuốt và click”
Còn mấy cái tết nay, thời mà ta đắm đuối công việc, tất tả vì những quãng đường dài ùn tắc kéo dài, cái tết lại chộn rộn trên bàn phím nhiều hơn.
Ở cái thời sử dụng điện thoại thông minh kết nối internet 24/24 rành hơn nấu một mâm cỗ tết cùng người thân, tết của ta là gì thế nhỉ?
Là lướt facebook hay hỏi “bác” Google một hồi với các dòng từ khóa: Chợ tết online, hoa tết, dịch vụ nấu cỗ tết, đặc sản tết, quà tết… tất cả những gì ta muốn mua sắm.
Ảnh minh họa |
Thời đại số giúp ta chỉ mất vài phút là đã có đủ tết ở trong nhà. Từ giỏ quà để biếu ông bà, cha mẹ hai bên nội ngoại, cây đào Hà Nội hay cành mai từ tận miền Nam, hoa quả đặc sản từ các tỉnh thành, bánh kẹo, rượu bia ngoại nhập nguồn gốc đảm bảo, và cả một mâm cỗ tết tinh tươm theo đúng “format” chuẩn Hà Nội… Chỉ sau một cú click, tất cả cứ thế nườm nượp theo các shipper đến tận cửa nhà ta đúng ngày, đúng giờ dù là đó là chiều 30 hay sáng mồng 1 tết.
Ta rảnh hơn, ta sành hơn, ta mua mọi thứ theo trào lưu và niềm tin vào nút “share” (chia sẻ) của những người bạn mà ta tin ở họ, ta chọn hàng theo comment (bình luận) của những người cùng cảnh ngộ online.
Thứ cảnh ngộ của những kẻ không có nhiều thời gian, không còn dư tâm sức (cái tâm sức đã bị vắt kiệt cho công việc và những mối quan hệ xoay quanh nó, quanh ta) để đón, để thưởng, để chơi và vui tết như xưa. Cảnh ngộ của ta là đã quen với những chiếc điện thoại thông minh, lệ thuộc nhiều vào cuộc sống số. Nhưng cũng tại ta băn khoăn nhiều trong cuộc đời thực khi lắm lúc ra chợ mà loay hoaygiữa thật và giả lẫn lộn. Kể cả cái hội chợ tết to nhất Thủ đô ta vốn thích giờ cũng khiến ta nửa tin nửa ngờ về chất lượng vì đã nhộn nhạo hơnxưa.
Ta đã hòa vào nhịp sống số, nhưng ta vẫn nhớ lắm những vị tết, hương tết, mùi tết, phong vị tết, tình thân ngày tết, những thứ mà chỉ có đi chợ tết, nấu cỗ tết, thả hồn vào không khí tết bên người thân, gia đình, ta mới thực sự ngấm, thấu, hiểu, yêu tết - một cách trọn vẹn, tròn đầy.
Hà Nội, bâng khuâng đón Tết năm Mùi!