Phụ nữ bị hiếp dâm là lỗi của… chính họ
Định kiến giới có nhiều mức độ thể hiện khác nhau, từ việc phân chia công việc ở gia đình tới tham gia thị trường lao động thường không được tôn trọng hoặc phụ nữ ít được nắm giữ cương vị lãnh đạo, hạn chế tiếp cận với giáo dục và đáng buồn hơn cả là bị bóc lột tình dục (hiếp dâm hay buôn bán người vì mục đích mại dâm).
Một nghiên cứu đa quốc gia về xử lý của cảnh sát và các cơ quan tố tụng với các vụ bạo hành tình dục do Liên Hợp quốc hỗ trợ cho biết, một đồn thổi khá phổ biến là một số phụ nữ bị hiếp dâm là lỗi của chính họ.
Theo đó, người ta trách cứ phụ nữ là nguyên do gây ra bạo hành tình dục như việc làm gái mại dâm, việc ăn mặc khêu gợi, tối nào cũng đi chơi với đàn ông. Những đồn thổi đã ảnh hưởng tới thái độ của những người thực thi tố tụng hình sự, có thể làm tăng khả năng nạn nhân trở thành nạn nhân thứ cấp lần nữa.
Nêu thực tế gây hại của định kiến giới đối với thực thi công lý, một nam chuyên gia giám định ở Việt Nam kể rằng, ở địa phương, công an có thể chuyển vụ việc tới cơ quan giám định pháp y, song một số chuyên gia giám định không tự tin để giám định nạn nhân trong vụ hiếp dâm do họ không có đủ kỹ năng về giám định lĩnh vực này. Chuyên gia giám định sẽ nhờ y tá sản khoa hỗ trợ.
Vì vậy, việc nhìn thấy một hàng gồm bốn người, trong đó người phụ nữ hoặc bé gái thường cố gắng dùng khăn và mũ che mặt, đi sau chuyên gia giám định nam và y tá, cuối cùng là cảnh sát ôm một đống giấy tờ trên tay, thì bất kỳ ai cũng biết ngay trong hàng có nạn nhân của một vụ cưỡng hiếp.
“Hãy tưởng tượng, nạn nhân đã quá đau khổ vì bị cưỡng hiếp, song cách đối xử thế này ở bệnh viện còn làm khổ cô ấy gấp hàng ngàn lần nữa” – vị chuyên gia chia sẻ.
Xóa bỏ định kiến giới để thực thi công lý
Tham dự Hội thảo “Định kiến giới và tiếp cận công lý của phụ nữ” do Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua 1/4 trong khuôn khổ Chương trình Đối tác tư pháp nhằm góp phần hoàn thiện hai bộ luật lớn, TS. Đào Lệ Thu (Trường Đại học Luật Hà Nội) mạnh mẽ chỉ ra định kiến giới không chỉ ăn sâu vào văn hóa Việt Nam mà còn tồn tại trong một số quy định của pháp luật.
Điển hình là trong Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành không quy định quấy rối tình dục trong những trường hợp nghiêm trọng là tội phạm, dường như đồng tình với định kiến cho rằng phụ nữ được sinh ra để cho đàn ông trêu ghẹo, hoặc để mua vui cho đàn ông, thậm chí là công cụ tình dục của đàn ông.
Hay đối với quy định về các tội xâm hại tình dục, BLHS chưa thể hiện rõ vấn đề xâm hại tình dục trong quan hệ hôn nhân, xuất phát từ quan niệm đây là vấn đề bạo lực gia đình chứ không phải là tội phạm hình sự.
Tương tự, quy định việc khởi tố theo yêu cầu của người bị hại tại Bộ luật Tố tụng Hình sự đặt trong bối cảnh định kiến giới còn nặng nề ở Việt Nam sẽ là một cản trở đối với những phụ nữ trong việc yêu cầu khởi tố đối với những người thân (thường là chồng) của họ.
Ngoài ra, Bộ luật này quy định việc công khai bản án và không quy định việc buộc phải giữ bí mật danh tính của nạn nhân trong trường hợp của các tội xâm hại tình dục sẽ làm cho người bị hại ngần ngại khi quyết định có tố giác hành vi phạm tội hoặc yêu cầu khởi tố, vì họ bị áp lực rất lớn bởi quan niệm cổ hủ về sự toàn vẹn danh dự, nhân phẩm của phụ nữ ở Việt Nam.
Nhằm khắc phục hạn chế trên, một đại diện đến từ Viện Xã hội học khuyến nghị sửa đổi định nghĩa về tội hiếp dâm và cưỡng dâm trong BLHS để bao gồm một cách rõ ràng rằng điều khoản áp dụng “không phụ thuộc vào bản chất của các mối quan hệ” giữa thủ phạm và nạn nhân.
Cùng với đó, cần sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự theo hướng đảm bảo trách nhiệm khởi tố liên quan đến bạo lực gia đình không được đặt vào các nạn nhân.
Ở cấp độ cao hơn, Luật sư về nhân quyền tại Philippines Evalyn G.Ursua kêu gọi trách nhiệm của quốc gia trong xóa bỏ các định kiến giới nhằm thực thi công lý. Đây là một nguyên tắc phổ biến trong tất cả các hiệp ước quốc tế về nhân quyền, nổi bật là Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) mà Việt Nam là một quốc gia thành viên.
CEDAW quy định nghĩa vụ cụ thể của các quốc gia tham gia nhằm xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, bất kể phân biệt trong luật, chính sách hay thực tế và bất kể do Nhà nước hay đối tượng phi nhà nước gây ra./.