Chưa bao giờ nguôi nhớ

(PLO) - Nhiều văn nghệ sĩ và các tín đồ nhạc Trịnh cùng nhau lên Gác Trịnh để tưởng nhớ 14 năm ngày nhạc sĩ tài hoa về với “cát bụi”.
Chưa bao giờ nguôi nhớ
“Một cõi đi về”
Sáng qua 1/4, người có hẹn, người không hẹn song những người yêu mến Trịnh vẫn bước về căn gác nhỏ số 203/19 đường Nguyễn Trường Tộ để gặp nhau. Mọi người về đây, ngồi dưới hiên nơi có tán cây long não xanh mát từng là “một cõi đi về”, là “nhân chứng” cho thuở nhạc sĩ đã sống, yêu và có những sáng tác đầu tay vào những năm 60 -70 của thế kỷ trước.
Đã 2 mùa hạ trôi qua kể từ ngày 1/4/2013 khi một nhóm văn nghệ sĩ Huế lên ý tưởng khôi phục căn gác thành một “không gian văn hóa Trịnh”, cảm xúc của những người hàng ngày đều đặt chân tới hay là lần đầu đến đây vẫn vẹn nguyên. 
Ngày càng có nhiều du khách cả trong và ngoài nước biết đến, tìm về, xem Gác Trịnh là địa chỉ đỏ mỗi dịp ghé Cố đô Huế. Không ít bạn trẻ tới đây để đọc sách, học bài, nghe nhạc Trịnh, thậm chí viết cảm tưởng, tâm sự buồn vui trước cuộc sống đa âm, đa điệu với Trịnh… để rồi từ khi nào, tự nhiên thân quen căn gác này đến độ như đến thăm nhà bạn hàng ngày.
Khu nhà lưu giữ rất nhiều kỷ vật quý giá gắn với cuộc đời của ông và là hoài niệm của nhiều bạn bè cùng thời. Đó là ảnh của nữ danh ca Khánh Ly, là lá thư tình Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh, là những bức tranh vẽ chân dung Trịnh của họa sĩ Đinh Cường tặng, hay bộ áo ông thường mặc.
Đặc biệt là căn gác với bộ bàn ghế nơi ông viết nên những bản tình ca nổi tiếng đi cùng năm tháng như: Diễm xưa, Hạ trắng. 
Sáng nay, cũng chừng ấy không gian, có thể nói không rộng nhưng luôn mở cửa, trở thành “Một cõi đi về” cho tất cả những ai yêu mến ông lần tìm.
Đông đảo văn nghệ sĩ và các tín đồ nhạc Trịnh đã có mặt sớm tại gác
Đông đảo văn nghệ sĩ và các tín đồ nhạc Trịnh đã có mặt sớm tại gác 
Chia sẻ lòng yêu mến 
Có thể nói, Gác Trịnh là một nơi ấm cúng để sẻ chia niềm đam mê âm nhạc. Bởi lẽ Tạp chí Sông Hương – Gác Trịnh cùng nhóm nữ sinh Huế phối hợp tổ chức chương trình ca nhạc “Lời thiên thu gọi” kỷ niệm 14 năm ngày mất của ông không phải là chương trình duy nhất.
Trước đây, không ít chương trình của các nữ sinh Đồng Khánh, giao lưu âm nhạc cùng Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Bạch Liên với cây đàn Hạ Uy Cầm… đều thường xuyên được tổ chức tại đây vào các dịp khác nhau.  
Chương trình “Lời thiên thu gọi” có 15 ca khúc: Ở trọ, Cho tôi xin, Vết lăn trầm, Ru ta ngậm ngùi, Ca dao mẹ, Vườn xưa, Mưa hồng, Ngẫu nhiên, Để gió cuốn đi, Nối vòng tay lớn cùng màn trình diễn ảo thuật “Đóa hoa vô thường”,… do các giọng hát trẻ Khánh Hòa, Trà Giang, Hồng Nhung, Nhật Nam… thể hiện. 
Chương trình còn thu hút được sự chú ý bởi tiết mục giao lưu thổi sáo của một cô gái quốc tịch Pháp với “Đêm thấy ta là thác đổ”; “Ru đời đi nhé” và “Lời thiên thu gọi” của thầy Thích Huyền Minh cho thấy âm nhạc Trịnh Công Sơn có sức kết nối lan tỏa không biên giới.
Đặc biệt, chương trình còn có sự góp mặt của nhà nghiên cứu, thầy giáo sử học Trần Viết Ngạc, một người bạn học cùng lớp tiểu học với Trịnh Công Sơn, người đã cùng cố nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh trải qua những năm tháng khắc nghiệt trong buổi bắt đầu sự nghiệp biểu diễn cũng như đời thường. 
Ông đã đi một quãng đường xa hàng ngàn cây số từ TP.HCM để về thăm lại nơi xưa, kỷ niệm tình bạn đẹp đẽ của mình và tặng lại Gác Trịnh một bức ảnh về bức tượng Trịnh Công Sơn do ông tạc cũng như bức ảnh hiếm có chụp 2 chị em Bích Diễm và Dao Ánh ngồi bên nhau – 2 chị em chính là nguồn cảm hứng sáng tác cho Trịnh Công Sơn một thời.
Ngồi ở đây, giữa đám đông người hâm mộ, yêu mến Trịnh, tôi cứ nghe như vẳng bên tai lời mà sinh thời, Trịnh Công Sơn từng nói: “Có một nỗi buồn ở nơi này thì sẽ có một niềm vui ở chốn khác. Có một trái tim khổ nạn ở người này thì tất nhiên sẽ có một trái tim hân hoan ở kẻ khác. Chết là sự tan biến của thể xác. Nhưng sống không chỉ là sự tồn tại của thân xác. Nhiều người còn sống mà tưởng chừng như đã chết. Nhiều người chết mà vẫn còn sống trong trí nhớ mọi người. 
Trong câu chuyện đời chung, kẻ này quên thì người kia phải nhớ. Một ý tưởng chợt tắt để làm mầm chuyển hóa cho một ý tưởng khác nảy sinh. Cái mất không bao giờ mất hẳn. Cái còn không hẳn mãi là còn”.
Có lẽ, ông đã có một trái tim khổ nạn đau đáu nghĩ về thân phận con người, đau đáu nỗi niềm nên đã làm vui những trái tim hân hoan nghe nhạc ở nhiều thế hệ. Vì thế cái tên Trịnh Công Sơn sẽ mãi “còn sống trong trí nhớ mọi người”.

Đọc thêm