Di tích Bảo Tiền – chứng tích giữ đất của triều Nguyễn ở Nam Bộ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày 15/11, Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) tỉnh Đồng Tháp phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức Tọa đàm tư vấn “Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích Bảo Tiền”.

Di tích được xây dựng trước năm 1861

Báo cáo đề dẫn, ông Lê Minh Trung – Chủ tịch Hội KHLS tỉnh Đồng Tháp cho biết, di tích Bảo Tiền được nhà nghiên cứu Huỳnh Minh ghi chép chi tiết trong quyển Sa Đéc xưa xuất bản năm 1971. Trong sách, Huỳnh Minh suy đoán, Bảo Tiền và Bảo Hậu do vua Gia Long xây đắp. Qua thời gian, công trình bị hư hoại và có thể dưới lòng đất còn nhiều cổ vật có giá trị.

Di tích Bảo Tiền – chứng tích giữ đất của triều Nguyễn ở Nam Bộ  ảnh 1

Quang cảnh tọa đàm

Từ năm 2000 đến nay, Hội KHLS Đồng Tháp đã nhiều lần khảo sát, điền dã, thăm dò khảo cổ và đã có những đánh giá quan trọng bước đầu về di tích này. Từ đó, Hội mong muốn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu để khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của di tích.

Cụ thể như về thời điểm và mục đích xây đắp Bảo Tiền, vai trò của nó trong cuộc kháng chiến chống Pháp của triều Nguyễn. Từ đó, đề xuất UBND tỉnh về cách thức, lộ trình bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích trong tương lai.

Các nhà nghiên cứu xem mô hình phỏng dựng lại di tích Bảo Tiền.

Các nhà nghiên cứu xem mô hình phỏng dựng lại di tích Bảo Tiền.

Sau khi khảo sát và nghiên cứu tư liệu sưu tập được, các nhà nghiên cứu đều thống nhất khẳng định sự tồn tại của Bảo Tiền – chứng tích công cuộc giữ đất của triều Nguyễn ở Nam Bộ. Điều này thể hiện rõ qua bản đồ được Pháp thực hiện từ năm 1861 và công bố năm 1863. Từ đó, xác định di tích này đã tồn tại trước năm 1861 còn việc trước đó bao lâu thì cần nghiên cứu làm rõ.

PGS.TS Trần Thị Mai – Trường Đại học KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng, Bảo Tiền và Bảo Hậu và các căn cứ ngoại vi nằm trong hệ thống phòng thủ chống Pháp gắn với cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ. Từ đó, cần sớm có sự nghiên cứu công phu và bài bản vì để về lâu dài vấn đề sụp lún có thể ảnh hưởng đến việc khảo cổ.

Các nhà nghiên cứu trao đổi về di tích Bảo Tiền

Các nhà nghiên cứu trao đổi về di tích Bảo Tiền

Là người có nhiều nghiên cứu về thành cổ ở Việt Nam, TS. Lương Chánh Tòng - Trường Đại học KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) đánh giá cao về tính khoa học và nguồn tư liệu hiện có về Bảo Tiền. Đồng thời, ông khẳng định đây là nguồn tư liệu mới nghiên cứu hệ thống phòng thủ ở Nam Bộ.

Tại di tích này, tìm được 5 viên gạch khắc chữ, có kí hiệu, ông Tòng cho biết ký hiệu đó giúp xác định đây là gạch sản xuất của triều đình. Vì vậy việc xây dựng công trình này có sự tham gia của triều đình nhà Nguyễn.

Thành ở Nam Bộ vừa mang tính chất là đồn phòng thủ quân sự vừa là đơn vị quản lý hành chính. Với vị trí của Bảo Tiền hiện nay thì yếu tố quản lý hành chính rất khó xảy ra nên có thể là đồn phòng thủ quân sự. Đây là dấu tích liên quan kiến trúc của thành cổ Nam Bộ, hoàn toàn có khả năng đầu tư, nghiên cứu để khẳng định cụ thể hơn nữa giá trị của di tích.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) phát biểu tại buổi tọa đàm

GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) phát biểu tại buổi tọa đàm

Di tích thành cổ độc đáo nhất ở miền Tây Nam Bộ

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam cho rằng, tư liệu minh chứng một cách rõ ràng thành được xây dựng theo kiểu Vauban - thành tựu khoa học quân sự vĩ đại của thế giới được đưa vào Việt Nam rất sớm. “Thành Gia Định là thành Vauban đầu tiên của Việt Nam. Nhưng liệu có thể thành này có trước Thành Gia Định thì sao? Có thể, lúc đó Nguyễn Ánh biết rất rõ tác dụng của thành Vauban. Bên kia sông là đại bản doanh Hồi Oa của chúa Nguyễn Ánh với đồn tả và đồn hữu thì bên đây sông là đồn trước và đồn sau vì nó nằm cách đại bản doanh Hồi Oa không xa. Bảo Tiền và Bảo Hậu có thể là thành hỗ trợ hậu cần của đại bản doanh Hồi Oa”.

Ông Lê Minh Trung – Chủ tịch Hội KHLS Đồng Tháp khẳng định Bảo Tiền là di tích thành cổ độc đáo nhất ở miền Tây Nam Bộ.

Ông Lê Minh Trung – Chủ tịch Hội KHLS Đồng Tháp khẳng định Bảo Tiền là di tích thành cổ độc đáo nhất ở miền Tây Nam Bộ.

Theo ông Ngọc, về góc độ văn hóa, tâm linh cũng cần xem xét vì sao lại có miếu thờ vua Gia Long ở di tích này và nơi đây có nhiều địa danh gắn với vua Gia Long nhiều hơn những nơi khác. Từ đó, theo ông Ngọc có khả năng Bảo Tiền có từ thời chúa Nguyễn Ánh.

“Đồng Tháp phải có nghiên cứu hết sức căn cơ, bài bàn về tòa thành này và phải kết hợp đồng thời nhiều phương pháp và khảo cứu lại các nguồn tài liệu”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Di tích Bảo Tiền nhìn từ trên cao

Di tích Bảo Tiền nhìn từ trên cao

GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, kiểu thành Vauban là phát kiến nhân loại đặc trưng giai đoạn cận đại. Ở Việt Nam loại thành này xuất hiện từ rất sớm, trước khi hình thành triều Nguyễn. Số thành được xây dựng không nhiều.

Tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp còn dấu tích tòa thành xây dựng kiểu Vauban có giá trị rất lớn.

“Tôi rất xúc động và ấn tượng với dấu tích còn lại mặc dù bị mai một nhiều nhưng về kết cấu còn khá rõ nét. So với bản đồ cổ năm 1863 của người Pháp, hiện nay vẫn còn nhiều vị trí có thể nhìn thấy được. Giá trị của di tích này sẽ lớn hơn nhiều nếu có dự án nghiên cứu một cách tổng thể.

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Lê Quang Biểu – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Đồng Tháp cho biết, sau tọa đàm và khi có kết luận cụ thể sẽ trình UBND tỉnh xin ý kiến về việc lập hồ sơ khoa học công nhận di tích cấp tỉnh. Đồng thời xây dựng lộ trình tiếp theo để bảo tồn, phát huy giá trị của di tích này.

Các nhà nghiên cứu khảo sát tại Di tích Bảo Tiền

Các nhà nghiên cứu khảo sát tại Di tích Bảo Tiền

Sau khi lắng nghe ý kiến của các nhà nghiên cứu, ông Lê Minh Trung – Chủ tịch Hội KHLS Đồng Tháp - khẳng định Bảo Tiền là di tích thành cổ độc đáo nhất ở miền Tây Nam Bộ. Vấn đề bảo tồn và tiếp tục nghiên cứu đối với di tích này là cấp bách. Đây không phải là di sản riêng của Đồng Tháp mà là của Nam Bộ và cả nước. Hội sẽ đề xuất UBND tỉnh sớm xếp hạng di tích cấp tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình nghiên cứu, khảo sát. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh cho phép liên kết các đơn vị chuyên môn tiến hành thám sát toàn bộ khu di tích, khai quật một cách bài bản để khẳng định giá trị cụ thể của di tích.