Dị vật đâm qua xương sọ bệnh nhân cả năm mà không biết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dị vật là cây đinh lớn nằm ở vùng não bệnh nhân trong thời gian dài nhưng không được phát hiện và mọi sinh hoạt diễn ra bình thường.
Ảnh chụp cho thấy dị vật nằm sâu trong não bệnh nhân.
Ảnh chụp cho thấy dị vật nằm sâu trong não bệnh nhân.

Trước đó, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) tiếp nhận nam bệnh nhân 66 tuổi (trú xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, có dịch chảy ra từ vùng chẩm đầu...

Theo người nhà bệnh nhân, khoảng 1 năm trước, bệnh nhân bị vấp ngã và xuất hiện vết thương sau đầu. Nghĩ vết thương bình thường nên tự mua thuốc về điều trị tại nhà. Tuy nhiên, vết thương vẫn thường xuyên mưng mủ, nhưng khi uống thuốc thì thuyên giảm.

Thời gian gần đây, bệnh nhân gặp nhiều biểu hiện bất thường nên được đưa tới bệnh viện huyện thăm khám. Các bác sĩ phát hiện dị vật ở vùng não nên nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới.

Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ cho chụp CT để xác định rõ thương tổn để điều trị. May mắn vị trí của dị vật không gây thương tổn mạch máu quan trọng. Sau khi tiến hành các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được chỉ định mổ để lấy dị vật.

"Dị vật là cây đinh dài đâm qua xương sọ vào vùng tiểu não của bệnh nhân, rất nguy hiểm. Chúng tôi đã tiến hành loại bỏ xương quanh chỗ đinh cắm vào rồi rất cẩn thận rút ra bởi chỉ cần đinh lắc hay đâm sâu hơn thì bệnh nhân sẽ nguy kịch. Đinh đâm vào não tạo thành ổ áp xe nên phải nạo sạch. May mắn ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi và thành công", bác sĩ CKII Nguyễn Văn Mận - Trưởng Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới cho biết.

Cây đinh đâm vào não nam bệnh nhân sau khi được lấy ra.

Cây đinh đâm vào não nam bệnh nhân sau khi được lấy ra.

Cũng theo bác sĩ Mận, đây là một ca bệnh hi hữu. Cây đinh lớn nằm ở vùng não bệnh nhân trong thời gian dài nhưng không được phát hiện và mọi sinh hoạt diễn ra bình thường.

"Chỉ cần cây đinh đâm sâu vào một chút nữa sẽ đến phần cầu não, bệnh nhân có thể đã tử vong. Đây là ca bệnh khó, sợ nhất là quá trình mổ, sau phẫu thuật bệnh nhân có dấu hiệu phục hồi tốt", bác sĩ Mận cho biết thêm.

Đọc thêm