Đi về hướng mùa Xuân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mùa xuân bao giờ cũng được coi là mùa đẹp nhất trong năm, là mùa của sự khởi đầu và tái sinh. Bốn mùa thay nhau bước tới, thay thế lẫn nhau, nối tiếp nhau, tượng trưng cho sự tuần hoàn của đất trời.
Đi về hướng mùa Xuân

Một năm kết thúc bằng mùa đông, khi đất trời lạnh giá, phủ lên một màu ảm đạm, cỏ cây khô héo, sức sống lụi tàn. Và rồi xuân tới. Cùng với cơn mưa phùn đầu tiên, mang theo cả một sự biến đổi lớn lao của đất trời. Làn gió nhẹ nhàng trút bỏ tấm áo lạnh giá, trở nên dịu dàng, mơn man trên da người. Những dòng nước ấm chảy trên mặt đất. Tiếng đàn chim di trú trở về ríu rít trên ngọn cây. Lộc non chồi biếc khắp cành lá, muôn hoa khoe sắc. Và lòng người cũng phơi phới, rộn ràng.

Mùa xuân, bắt đầu một vòng tuần hoàn mới cho một năm, đem đến một khởi đầu mới cho vạn vật. Chính bởi thế mà, từ Đông sang Tây, nhân loại đều mến yêu mùa xuân, đều đem những nghi thức náo nhiệt, lộng lẫy, đẹp đẽ nhất để đón mừng mùa xuân.

Sự kì diệu của tạo hoá có thể nhìn thấy rõ trong sự đổi thay từ ngày đông giá sang xuân tươi, cái chuyển biến mang vẻ đẹp của sự tái sinh. Mùa xuân tự thân chứa đựng trong mình triết lý của sự vượt thoát khổ đau, vươn đến với hạnh phúc, mang theo niềm hy vọng.

Trong những lời thuyết giảng dành cho tăng thân, thiền sư Thích Nhất Hạnh đôi lần nhắc về pháp tự đầu tiên của ngài, Phùng Xuân. Pháp tự được sư phụ ngài, Thiền sư Thanh Quý Chân Thật ban cho tại Tổ đình Từ Hiếu vào thời gian đầu sau khi thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất gia.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng kể rằng, thoạt tiên, ngài không thích pháp tự ấy, bởi nghe “nữ tính”, yếu mềm quá. Đó là khi thầy còn trẻ và chưa hiểu hết ý nghĩa của “Phùng Xuân”.

Lúc ấy, Thầy chưa biết Phùng Xuân là từ dùng để đối lại với Khô Mộc. “Khô Mộc”, hình ảnh cây khô quắt queo vì đông giá, đối ngược với “Phùng Xuân” nghĩa là khi gặp mùa xuân thì cây cối đâm chồi nảy lộc tốt tươi. Pháp tự Phùng Xuân vì vậy mang ý nghĩa sâu xa về sự kỳ vọng và tin tưởng của Hoà thượng Thanh Quý Chân Thật đối với thành tựu tu học của người học trò xuất sắc của mình, kì vọng người học trò mình không chỉ có thể “lột xác” thành một bậc tu hành đắc đạo, còn có thể đem giáo pháp chân chính giúp nhiều người chuyển hoá được khổ đau.

Năm 1966, trước khi sang nước ngoài để hoằng pháp và xây dựng cộng đồng Phật giáo dấn thân, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được đã được sư phụ, Thiền sư Thanh Quý Chân Thật trao cho bài kệ phó pháp truyền đăng, cũng với tứ “phùng xuân”:

“Nhất hướng Phùng Xuân đắc kiện hành

Hành đương vô niệm diệc vô tranh

Tâm đăng nhược chiếu kỳ nguyên thể

Diệu pháp Đông Tây khả tự thành”

Bài kệ này đã được Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch sang tiếng Việt:

“Đi gặp mùa xuân, bước kiện hành

Đi trong vô niệm với vô tranh

Đèn tâm soi chiếu vào nguyên thể

Diệu pháp Đông Tây ắt tự thành”

“Nhất hướng Phùng Xuân, đắc kiện hành” nghĩa là chỉ đi về một hướng duy nhất - hướng mùa Xuân, với một thế đi vững chãi.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, trong các bài thuyết giảng của mình, vẫn luôn đem đến một triết lý tu tập trong đời sống hàng ngày hết sức thực tế. Đó là sự chánh niệm trong mỗi bước đi, mỗi giây phút, đó là sự tu tập như thế nào để tình thương trong mỗi người luôn đầy tràn, để niềm tin trong trái tim không cạn mất. Sự tu tập và chánh niệm không chỉ làm dịu những khổ đau, mà còn phải chuyển hoá khổ đau, đem lại sự tươi mát và hạnh phúc cho người xung quanh, đó mới đúng là tu theo đúng “chánh pháp”.

“Tu tập” ở đây, không chỉ gói gọn trong ý nghĩa hành động của một tôn giáo. Tu tập, ấy chính là hành trình thực tập để chuyển hoá khổ đau thành hạnh phúc bên trong mỗi một con người thức tỉnh. Tu tập theo chánh pháp, nghĩa là một quá trình vượt qua giai đoạn “Khô mộc” để gặp mùa xuân!

“Cứ nhắm vào hướng mùa Xuân mà đi tới”, đó là lời dặn dò sư ông làng Mai để lại cho chúng đệ tử, tăng thân.

Năm 2021 kết thúc với nỗi mất mát của người dân khắp nơi trên thế giới vì sự viên tịch của vị thiền sư đã đem cả một cuộc đời tu hành chân chính để hoá giải niềm đau, hướng dẫn cho biết bao con người cách vượt thoát khổ đau để đến bến bờ hạnh phúc.

Nhưng, như triết lý mà thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nhiều lần giảng giải cho đại chúng, chết không có nghĩa là mất đi. Những giá trị sống mà thiền sư dùng suốt cuộc đời để vun đắp, phụng sự vẫn còn đó, vẫn luôn được nhắc lại hàng ngày, hàng giờ bởi hàng triệu người trên khắp quả địa cầu. Sự mất đi của một thể xác không làm biến mất đi những giá trị tinh thần đẹp đẽ.

Một năm nhiều đau thương với dịch bệnh, đau khổ, mất mát, chia ly đã kết thúc. Một mùa xuân tươi mới đang ở ngay trước mắt. Dẫu rằng khổ đau vẫn còn đó, dẫu rằng những tổn thương chưa thể lành lại một sớm một chiều. Nhưng, như triết lý mùa xuân hết sức sâu sắc mà vị thiền sư đã để lại, hãy cứ dũng cảm nhằm hướng mùa xuân mà bước tới. Chỉ cần vững tin, giữ vững niềm hy vọng, chỉ cần mở rộng trái tim, dám dấn thân, thì qua “khô mộc”, chắc chắn sẽ “phùng xuân”.

Đọc thêm