Sau một thời gian triển khai nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật (THPL), phần lớn các địa phương đều kêu khó. Khó vì đây là một công việc mới nhưng mặt khác còn bởi địa phương phải tổ chức thực hiện quá nhiều văn bản do Quốc hội, Chính phủ ban hành và những văn bản chỉ đạo của chính địa phương.
“Quá nhiều” văn bản phải tổ chức thực hiện khiến nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật “quá khó” với địa phương |
Trọng trách trên “vai” Sở Tư pháp
Theo Nghị định số 16/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 8 Nghị định số 13/2008/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV, Sở Tư pháp có nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).
Hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi tình hình THPL, Thông tư số 03/2010/TT-BTP quy định: “UBND cấp tỉnh theo dõi tình hình THPL trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình ở địa phương. Sở Tư pháp tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện công tác theo dõi tình hình THPL trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp tỉnh; giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo dõi tình hình THPL trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp ở địa phương”.
Tuy nhiên, quá trình thi hành các quy định pháp luật tại địa phương không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió” khi mà hệ thống pháp luật hiện hành có quá nhiều văn bản phải triển khai và tổ chức thực hiện. Đơn cử, trong lĩnh vực môi trường, hiện có tới 3 Luật, 7 Nghị định, 7 Thông tư, 2 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 2 Quyết định của Bộ trưởng, đấy là chưa kể các Quyết định và Kế hoạch của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở các quy định pháp luật, các quận, huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn lại ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Như vậy, có thể thấy rằng, chỉ riêng việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã đủ khiến cho địa phương “mệt nhoài”. Một vị lãnh đạo của một thành phố lớn cho biết, địa phương rất lúng túng trong việc tổ chức đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật đối với từng văn bản, từng quy định cũng như thống kê cụ thể các quy định chưa được tuân thủ trên thực tế.
Còn theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hà Nội Nguyễn Văn Vỹ: “Phạm vi theo dõi tình hình THPL rộng, cơ chế phối hợp với các cơ quan tố tụng chưa được xây dựng nên rất khó khăn cho Sở Tư pháp trong việc giúp UBND thành phố tổng hợp, đánh giá đầy đủ, toàn diện công tác THPL trên địa bàn”. Những lời tâm sự ấy quả là đáng để chia sẻ!
“Đau đầu” xử lý vi phạm pháp luật
Hàng năm, chính quyền các cấp đều chỉ đạo Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL, mà ngành Tư pháp là cơ quan thường trực, thường xuyên đổi mới các hình thức PBGDPL phù hợp với đặc điểm, đối tượng, địa bàn để đưa pháp luật thực sự đến với nhân dân. Công tác tuyên truyền, PBGDPL đã góp phần quan trọng nâng cao ý thức pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cán bộ và nhân dân, hạn chế đơn thư khiếu nại, ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương.
Có điều, việc chấp hành các quy định pháp luật chưa thực sự nghiêm chỉnh. Các vi phạm về quản lý đất đai, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, trật tự xây dựng, giao thông… vẫn phổ biến. Đơn cử, trong năm 2010, Hà Nội đã xử lý 50 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực kế hoạch – đầu tư; lập biên bản đối với gần 5.000 vụ vi phạm trật tự xây dựng, xử phạt hành chính 54 chủ đầu tư hoặc nhà thầu trong lĩnh vực xây dựng; xử phạt 687 cơ sở có hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế; xử lý trên 70 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực nông nghiệp… Tổng số tiền phạt mà Hà Nội buộc các đơn vị, cá nhân vi phạm phải nộp lên đến hàng tỷ đồng.
Nguyên nhân được chỉ ra là ngoài việc các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ nghĩ đến lợi ích của mình, lợi nhuận trong kinh doanh thì việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước chưa được tiến hành đều đặn, khi phát hiện vi phạm lại xử lý không rốt ráo. Ông Vỹ dẫn chứng: “Công an huyện Hoài Đức phát hiện và bắt giữ 1 xe chở dầu thải, đối tượng vi phạm khai nhận.
Trong công tác tham mưu, thiết lập hồ sơ xử lý trình Chủ tịch UBND huyện ra Quyết định xử lý vi phạm hành chính, cơ quan Công an cho rằng không cần thiết phải trưng cầu giám định vì đối tượng đã khai nhận, nhưng cơ quan chuyên môn của UBND tham mưu cho rằng phải có kết quả giám định xác định đó là dầu thải thì mới có căn cứ để Chủ tịch UBND ra Quyết định… dẫn đến tâm lý của cán bộ thực hiện nhiệm vụ thanh, kiểm tra đã bỏ qua vi phạm, chưa xử lý nghiêm”.
Liên quan đến nội dung đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khi còn là Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã thừa nhận đây là một nội dung rất chung chung, khó xác định và không có định lượng rõ ràng. Để đánh giá chính xác mức độ tuân thủ cần căn cứ vào các tiêu chí cụ thể song đến nay các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa đưa ra được các tiêu chí này. |