Địa phương phải “sửa sai” hơn 100 vụ việc

Hôm qua (18/10), Thanh tra Chính phủ đã họp báo về kết quả kiểm tra, rà soát, giải quyết 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài trên phạm vi toàn quốc…

Hôm qua (18/10), Thanh tra Chính phủ đã họp báo về kết quả kiểm tra, rà soát, giải quyết 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài trên phạm vi toàn quốc…

Khiếu nại tập trung lĩnh vực đất đai

Qua hơn 4 tháng triển khai Chỉ thị số 14/CT-TTg và Kế hoạch số 1130/KH-TTCP, việc kiểm tra, rà soát và giải quyết 528 vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài đã đạt được những kết quả quan trọng. Tính đến ngày 15/10, đã kiểm tra, rà soát 486/528 vụ việc. Trong đó, đã thống nhất với địa phương dự kiến chấm dứt khiếu nại hoặc chấm dứt thụ lý, giải quyết 282 vụ việc (chiếm 58%); thống nhất xin ý kiến của Thủ tướng 41 vụ việc; các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đang phối hợp giải quyết 32 vụ việc; yêu cầu địa phương giải quyết, giải quyết lại hoặc xem xét hỗ trợ cho người dân 131 vụ việc (chiếm 27%).

Phó Tổng thanh tra Nguyễn Văn Thanh nhận định, kết quả của việc thực hiện Chỉ thị 14 và Kế hoạch 1130 đã có tác động tích cực đến tình hình KNTC và giải quyết KNTC trên toàn quốc. Tuy nhiên, quá trình giải quyết cũng gặp không ít khó khăn do một số vụ việc tồn đọng phát sinh đã nhiều năm nay và pháp luật điều chỉnh vấn đề này đã có nhiều thay đổi hoặc hồ sơ, tài liệu bị thất lạc, không đủ căn cứ xem xét, giải quyết.

Một số đã được các ngành, các cấp quan tâm giải quyết đúng thẩm quyền, đúng pháp luật hiện hành nhưng vì cơ chế, chính sách chưa đảm bảo được sự hài hòa giữa các mục tiêu phát triển kinh tế với công bằng và an sinh xã hội nên người dân vẫn tiếp tục khiếu nại. Một số việc tuy đã được giải quyết đúng pháp luật, song vẫn còn khiếu nại vì nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế hoặc bị kẻ xấu kích động.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tỷ lệ những lĩnh vực “nóng” trong số 528 vụ việc, ông Thanh cho biết hiện chưa có tỷ lệ cụ thể nhưng số vụ việc tồn đọng, kéo dài tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đất đai (đa phần là bồi thường, đền bù khi thu hồi đất thực hiện dự án, khiếu kiện đòi lại đất qua các thời kỳ…) và lĩnh vực chính sách xã hội.

Đối với 131 vụ việc yêu cầu địa phương giải quyết, giải quyết lại có phải là “sửa sai” không, ông Thanh thẳng thắn khẳng định “đây là quá trình sửa sai” về áp dụng pháp luật, thẩm quyền, thể thức văn bản, cơ chế chính sách qua các thời kỳ… Có điều không phải 27% số vụ việc này hoàn toàn là sửa sai mà “có những vụ việc cấp tỉnh chưa giải quyết hết thẩm quyền, có vụ thì các bộ, ngành Trung ương yêu cầu cấp tỉnh phải có hỗ trợ tái định cư để người dân ổn định cuộc sống, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân”, ông Thanh phân tích.

Phấn đấu giải quyết xong trước ngày 31/10/2012

Từ nay đến cuối năm 2012, TTCP sẽ tiếp tục tập trung rà soát 39 vụ việc còn lại, phấn đấu hoàn thành quá trình kiểm tra, rà soát và có phương án giải quyết xong toàn bộ 528 vụ việc trước ngày 31/10/2012. Đặc biệt, sẽ chú trọng việc đảm bảo chất lượng giải quyết, cố gắng dứt điểm 40% số vụ việc đã được rà soát, trong đó ưu tiên những vụ việc khiếu nại về đất đai trọng điểm, được dư luận xã hội quan tâm theo yêu cầu tại Nghị quyết số 30 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII.

Theo quan điểm của TTCP, việc giải quyết lần này mục tiêu chính là tìm giải pháp để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, giúp “yên dân”. Vì vậy, với các vụ việc đã giải quyết đúng pháp luật, thấu tình – đạt lý hoặc người dân tự nguyện chấm dứt KNTC thì tiến hành chấm dứt bằng các thủ tục bao gồm họp liên ngành tại địa phương, tổ chức đối thoại và ra thông báo. Đối với các vụ việc yêu cầu địa phương giải quyết lại hoặc vận dụng chính sách xã hội hỗ trợ người dân, Chủ tịch UBND cấp tỉnh triển khai quá trình xem xét, giải quyết lại vụ việc hoặc hỗ trợ cho người dân đúng phương án đã thống nhất giữa Trung ương và địa phương.

Với các vụ việc cần xin ý kiến của Thủ tướng, UBND cấp tỉnh, các bộ, ngành Trung ương thống nhất phương án giải quyết xin ý kiến của Thủ tướng, sau khi có ý kiến phải nghiêm túc thực hiện theo phương án đã được phê duyệt. Đối với các vụ việc các bộ, ngành Trung ương đang phối hợp giải quyết, các bộ chủ động xem xét, giải quyết theo phương châm nội dung vụ việc liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành nào thì bộ, ngành đấy chủ trì, phối hợp chặt chẽ với TTCP và UBND cấp tỉnh nơi phát sinh vụ việc.

Đáng chú ý, song song với quá trình rà soát, giải quyết 528 vụ việc, “TTCP cùng các Bộ, ngành, địa phương cũng rà soát các vụ việc KNTC có biểu hiện phức tạp, những vụ việc tồn đọng, kéo dài mới phát sinh nhằm chủ động có phương án giải quyết để hạn chế hình thành điểm nóng gây mất trật tự trị an ở địa phương hoặc vượt cấp lên Trung ương” – ông Thanh nhấn mạnh.

Hoàng Thư

Đọc thêm