Địa phương tạo "sức ép", nhà đầu tư được "gỡ vướng"

“Nhiều địa phương đã có sáng kiến cải tiến tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư (NĐT). Các địa phương khác hoàn toàn có thể  áp dụng những mô hình đó,  vấn đề là có muốn hay không…”, ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói.

“Nhiều địa phương đã có sáng kiến cải tiến tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư (NĐT). Các địa phương khác hoàn toàn có thể  áp dụng những mô hình đó,  vấn đề là có muốn hay không…”, ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại buổi tọa đàm công bố phát hành cuốn “Cải cách quy trình và thủ tục hành chính (TTHC) về đầu tư, đất đai và xây dựng: Sổ tay tham khảo về cải cách hành chính dành cho địa phương” do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cùng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và VCCI tổ chức hôm qua.

Phát huy "một cửa liên thông"

Thay vì phải đến các Sở, ban ngành, NĐT đến Ninh Thuận chỉ cần đến Văn phòng phát triển kinh tế Ninh Thuận (EDO). Đây là đầu mối phối kết hợp các Sở ban ngành của địa phương và đích thân Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng ban chỉ đạo, Phó Chủ tịch tỉnh là Phó Ban chỉ đạo.

Những thủ tục đơn giản như: Đăng ký kê khai thuế, cấp mã số thuế, trích lục sơ đồ vị trí, giới thiệu địa điểm đầu tư… sẽ do các cán bộ có kinh nghiệm giải quyết ngay tại EDO. Theo ông Trương Xuân Vỹ, Giám đốc EDO, thông qua quy trình “một cửa liên thông” tại EDO, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính giảm từ 30- 50% so với quy định.

Tương tự ở Bắc Ninh, thực hiện cơ chế “1 cửa liên thông” đã giảm thời gian gia nhập thị trưởng từ bình quân 30 ngày (cá biệt có trường hợp 30 ngày) cho 3 thủ tục: Đăng ký kinh doanh, khắc dấu, mã số thuế xuống còn tối đa 7 ngày; giảm số lần đi lại của công dân trong thành lập DN từ 13 lần xuống 3 lần. Thậm chí tại Tiền Giang, Long An, lãnh đạo tỉnh trực tiếp đi thăm, tiếp xúc DN. Hay như ở Bình Dương lại rất coi trong công tác “hậu mãi”.

“Một DN ra đời thì hàng loạt vấn đề đi theo, là mô trường, là an ninh, trật tự, giáo dục, giao thông, điện nước… Ưu tiên của chúng tôi là sau 5 ngày nhận được giấy phép là gì?. Cái chính là sau đăng ký kinh doanh, DN có hoạt động được thuận lợi hay không?”, lãnh đạo địa phương này cho biết.

Không có sức ép địa phương, khó cải cách

“Lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng rất phức tạp, không chỉ NĐT mà cả cơ quan nhà nước đôi khi cũng lúng túng khi tổ chức thực hiện những thủ tục trong lĩnh vực này. Thực tế nhiều địa phương đã có những sáng kiến cải tiến nhằm thống nhất và tạo thuận lợi cho NĐT trong việc thực hiện các thủ tục liên quan trong khuôn khổ pháp luật hiện hành…”, ông Huỳnh phát biểu.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong việc đưa chính sách và quy định pháp luật vào cuộc sống. “Quyết tâm, sự năng động và sáng tạo trong thực hiện cải cách nhằm tạo thuận lợi cho DN, người dân đã tạo sự ra khác biệt trong phát triển kinh tế giữa các địa phương…”, ông Cung khẳng định. 

Còn Phó Giám đốc Sở KHĐT Bắc Ninh, ông Nguyễn Phương Bắc thì quả quyết: “Nếu như chỉ vì sức ép từ trên xuống hay gợi ý của các nhà tư vấn mà không xuất phát từ sức ép ở địa phương mình thì cũng rất khó để cải cách...”.

Thanh Lan

Đọc thêm