Dịch Covid-19 và quy định hạn chế tác hại của rượu bia chưa ảnh hưởng đến số thu ngân sách

(PLVN) -Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, nhìn chung số thu ngân sách nhà nước (NSNN) 2 tháng năm 2020 đạt khá so với dự toán và chưa bị ảnh hưởng rõ rệt bởi dịch Covid-19 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP về hạn chế tác hại của rượu bia. Tuy nhiên, trong tháng 3 này, những tác động này sẽ bắt đầu rõ rệt.
Nhiều ngành sản xuất có khả năng dừng sản xuất vì dịch Covid-19, ảnh hưởng đến số thu ngân sách.

Báo cáo tại cuộc họp giao ban của Tổng cục Thuế cho biết, số thu NSNN do ngành thuế thực hiện trong tháng 2 là 83.256 tỷ đồng, đạt 6,64% dự toán; luỹ kế 2 tháng năm 2020 là 248.229 tỷ đồng, đạt 19,8% dự toán. 

Để đạt được số thu ấn tượng đó, nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do tình hình kinh tế cuối năm 2019 tăng trưởng khá, các đơn vị nộp thuế  thu nhập doanh nghiệp (DN) quý IV/2019 tập trung trong tháng 1 (tăng 14,5% so với cùng kỳ). Ngoài ra, thu từ xổ số tăng khá do một số công ty nộp lợi nhuận sau thuế năm 2019 cũng trong tháng 1 (tăng 86,4% so với cùng kỳ), chưa kể các địa phương còn nộp tiền sử dụng đất và tiền thuê đất. 

Trên cơ sở số thu, có 9/18 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 17%), trong đó một số khoản thu lớn như khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài 20,8%; khu vực ngoài quốc doanh 18,4%; thuế thu nhập cá nhân 18,8%. Tuy nhiên, có 8/18 khoản thu đạt dưới 17% như khu vực DN nhà nước 16%; thuế bảo vệ môi trường 14,4%; lệ phí trước bạ 13,3%; phí, lệ phí 15,3%... Nếu so với cùng kỳ có 10/18 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng.

Cũng trong 2 tháng, cơ quan thuế đã thanh kiểm tra 3.592 cuộc, đạt 3,8% kế hoạch, bằng 96,5% so với cùng kỳ năm 2019; kiểm tra được 23.443 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, qua kiến nghị xử lý qua thanh kiểm tra đã nộp vào NSNN là 533,95 tỷ đồng, bằng 143% so với cùng kỳ. 

Tổng cục Thuế cũng đã giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2020 cho các cục thuế, với mục tiêu thu tối thiểu là 80% số tiền nợ thuế có khả năng thu tại thời điểm 31/12/2019 chuyển sang và giảm số tiền nợ thuế xuống dưới 5% số thu NSNN năm 2020.

Với việc thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ một cách tích cực, ước tính số thu nợ đọng thuế tại thời điểm 31/12/2019 trong tháng 2 đạt 5.821 tỷ đồng, bằng 14,3% nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2019, giảm 9,8% so với cùng kỳ, trong đó thu bằng biện pháp quản lý nợ là 3.891 tỷ đồng và bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 1.930 tỷ đồng.

Theo tính toán của Tổng cục Thuế, để đảm bảo nhiệm vụ thu NSNN theo yêu cầu của Bộ Tài chính trong quý I/2020 đạt 28-29% dự toán, thì trong tháng 3 ngành thuế cần thu đạt 8,5-9,5% dự toán, tương đương 106.800-119.300 tỷ đồng. 

Trước thực tế số thu NSNN tháng 3 trong những năm gần đây đều không quá 8% dự toán (năm 2016 là 6,07%; 2017 là 8%; 2018 là 7,4% và 2019 là 7,13%) và diễn biến dịch Covid-19 bắt đầu tác động mạnh mẽ, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn yêu cầu, để đạt được nhiệm vụ thu trong tháng 3, các vụ/đơn vị cần tập trung theo dõi chặt chẽ tiến độ thu NSNN, phân tích đánh giá tình hình thu của từng địa bàn để bám sát, điều hành công tác thu NSNN. Đặc biệt là đánh giá ảnh hưởng tiến độ thu theo Luật Quản lý thuế số 38 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 và tác động của dịch Covid 19 tới các ngành kinh tế, dịch vụ, nhất là những DN lớn. 

Tổng cục trưởng cũng lưu ý, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các ngành nghề phải chịu những tác động khác nhau, do đó cần điều chỉnh linh hoạt kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo hướng thực hiện trước đối với lĩnh vực ít bị ảnh hưởng và muộn hơn đối với ngành nghề chịu tác động lớn. 

Tương tự, công tác quản lý nợ cũng cần lưu ý phân loại rõ đối tượng bị ảnh hưởng, từ đó đề xuất giải pháp chính xác, tránh để các đối tượng chây ì, lợi dụng; giám sát chặt chẽ tình hình đôn đốc và cưỡng chế nợ, tiếp tục cập nhật, trình danh sách DN có số nợ đọng lớn để đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng…

Đọc thêm