Dịch sốt phát ban không từ ai

 Dịch sốt phát ban xuất hiện từ đầu năm và đang lan rộng ra cộng đồng trong hơn một tháng nay. Theo các chuyên gia y tế, hiện nay đã là đỉnh dịch. Tuy vậy, đa số người dân vẫn rất chủ quan trong quá trình trị bệnh.

Dịch sốt phát ban xuất hiện từ đầu năm và đang lan rộng ra cộng đồng trong hơn một tháng nay. Theo các chuyên gia y tế, hiện nay đã là đỉnh dịch. Tuy vậy, đa số người dân vẫn rất chủ quan trong quá trình trị bệnh.
Điều trị cho bệnh nhân sốt phát ban tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: HNM
Điều trị cho bệnh nhân sốt phát ban tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: HNM

Số người nhiễm bệnh tăng nhanh

Theo tin từ Viện Các bệnh Nhiệt đới quốc gia, từ đầu năm đến nay đã có hơn 1.000 ca sốt virus đến khám tại Viện, trong đó phải nhập viện điều trị (ĐT) là hơn 100 ca, riêng phụ nữ mang thai đã chiếm hơn 1/3. Độ tuổi mắc sốt phát ban năm nay rơi nhiều vào thanh niên 20-35 tuổi. Do số lượng bệnh nhân (BN) đông nên người bệnh phải nằm ghép 2-3 người/giường là chuyện bình thường. Thậm chí, vì không đủ giường bệnh, BN tràn ra hết hành lang của Viện. Người khỏe, người ốm nằm lẫn lộn nên việc khó lòng tránh khỏi lây lan ra cộng đồng.

Không chỉ ở người lớn, số trẻ em phải nhập viện do sốt phát ban cũng khá đông. Tại BV Bạch Mai, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi cho biết, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 150 bệnh nhi tới khám, thời điểm này, đa số bệnh nhi bị sốt virus và bệnh về đường hô hấp.

Bệnh viện Nhi Trung ương thì ngày nào cũng tiếp nhận 1.200-1.500 BN tới khám, trong đó nhiều nhất vẫn là bệnh nhi bị sốt phát ban...

Nhiều bệnh nhân biến chứng

ThS.Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng,  Viện Các bệnh Nhiệt đới quốc gia cho hay, nếu như trước đây sốt phát ban chủ yếu là sởi truyền thống và sốt xuất hiện thì nay chủ yếu là rubella (hay còn gọi là ru-bê-on, bệnh sởi Đức). Đây là bệnh truyền nhiễm, do virus rubella gây nên. Rubella rất nhẹ nên rất khó được phát hiện, đặc biệt ở trẻ em. Bệnh khởi phát sau 10-15 ngày kể từ lúc tiếp xúc với người bệnh. Triệu chứng thông thường là mệt mỏi, sốt nhẹ, nhức đầu, sưng hạch kéo dài 1-7 ngày.

Cũng theo TS. Lâm, chính vì nhầm lẫn và chủ quan với dịch bệnh, đa số BN đến khám và ĐT trong tình trạng đã quá nặng. Thậm chí, vì tự ĐT ở nhà, không đúng cách, nhiều BN đã bị co giật, rồi biến chứng sang não (viêm màng não).

Điển hình là trường hợp của chị M ( Nam Định). Bị sốt mấy ngày, sau đó mẩn đỏ mọc lên khắp mặt, người, chị M tưởng bị sốt do dị ứng thời tiết nên mua thuốc về uống. Uống thuốc mãi mà không hết sốt, thậm chí còn sốt cao hơn kèm theo mệt mỏi, đau đầu và buồn nôn, chị mới chịu lên BV huyện khám và ĐT. Tại đây, các BS thấy tình trạng bệnh của chị đã quá nặng lên chuyển chị lên tuyến trên. Lúc này, chị mới hay bệnh của mình đã chuyển sang giai đoạn nặng và biến chứng lên não. Hiện chị vẫn phải ĐT tích cực tại Viện và vẫn chưa qua cơn nguy kịch.

Nên phân biệt giữa sởi và rubella

ThS.Lâm cảnh báo, người dân thường có thói quen khi thấy sởi là kiêng kỵ rất kỹ, đó là một sai lầm. Đối với bệnh này, nếu không được vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là các hốc tự nhiên như mũi, mắt, miệng... sẽ gây bội nhiễm vào trong cơ thể, có thể gây các biến chứng như đau và sưng khớp, viêm não, xuất huyết giảm tiểu cầu, viêm thần kinh... Trên thế giới hiện nay vẫn chưa có thuốc ĐT đặc hiệu bệnh rubella. Vì vậy, khi bị bệnh, tốt nhất là nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và hạ nhiệt khi sốt cao. Tuyệt đối không được tự ý truyền dịch hay tiêm kháng sinh vì không có tác dụng.

Ngoài ra, BN phải biết phân biệt giữa bệnh sởi và sốt phát ban để biết cách ĐT. Cụ thể, theo BS.Lâm, bệnh sởi là tình trạng nhiễm vi rút cấp tính với sự lây truyền cao. Sau khi virus xâm nhập vào cơ thể, biểu hiện khởi đầu là sốt, viêm kết mạc, chảy nước mũi, ho và có nốt ở niêm mạc miệng. Ban đỏ xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Ban bắt đầu mọc ở mặt, sau lan ra toàn thân và kéo dài 4-7 ngày tiếp theo sẽ lặn dần rồi hết.

Với bệnh rubella, BN cũng có những đặc điểm tương tự như sởi thường, ngoài ra các nốt ban mọc toàn thân, không ngứa. Còn với sốt phát ban thông thường do vi rút thì quá trình mọc ban đỏ không theo trình tự nào, có thể sau sốt 1, 2 ngày đã mọc khắp cơ thể. Tuy nhiên, sốt phát ban do sởi lây lan mạnh do vi rút có thể lây bệnh ngay từ khi chưa xuất hiện các nốt phát ban, vì vậy rất khó để nhận biết sớm được bệnh và phòng tránh.

Khi bị sốt phát ban ở thể nhẹ, BN chỉ cần nghỉ ngơi theo dõi, bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý, ĐT bằng hạ sốt hoặc bổ sung nước..., sau vài ngày bệnh sẽ tự khỏi. Chỉ trong trong trường hợp bệnh tiến triển nặng, sốt quá cao, li bì, ảnh hưởng đến mạch huyết áp, xuất hiện các biển hiện rối loạn về tri giác (la hét, vật vã...) thì mới cần đưa BN đến các cơ sở y tế chuyên khoa để ĐT - TS.Lâm nhắc nhở.

Hùng Long

Đọc thêm