Thời gian qua, nhờ quyết tâm, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước tháo gỡ khó khăn cho cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, các cơ quan hành chính nhà nước cần phải tiếp tục cải thiện cách thức thực hiện, đổi mới phương thức phục vụ nhân dân, gia tăng sự lựa chọn cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện TTHC.
Một trong những phương thức đã được một số bộ, ngành, địa phương chủ động áp dụng là việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính. Điển hình là Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm xã hội Việt Nam… cùng một số địa phương như An Giang, Đà Nẵng, TP HCM, Đồng Nai, Nghệ An, Yên Bái…
Để có cơ sở cho việc triển khai trên phạm vi rộng, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Dự thảo Quyết định quy định việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân và không điều chỉnh việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC đối với TTHC yêu cầu tổ chức, cá nhân không được ủy quyền và phải có mặt trực tiếp để giải quyết.
Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan, trong quá trình đưa ra lấy ý kiến vào dự thảo Quyết định, vấn đề vẫn đang có quan điểm khác nhau là quy định đầu mối thực hiện dịch vụ chuyển phát hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân.
Ông Phan phân tích, trong nhiều trường hợp, mở cửa thị trường/dịch vụ cho các doanh nghiệp cùng tham gia để cạnh tranh là việc đem lại hiệu quả và lợi ích tốt hơn so với không mở cửa cho cạnh tranh. Tuy nhiên, xét về quy định hiện hành, đặc thù dịch vụ và năng lực cung ứng dịch vụ, việc mở cho cạnh tranh với dịch vụ này chưa đem lại nhiều ý nghĩa cả về mặt xã hội và kinh tế. Vì vậy, dự thảo đang quy định đầu mối được thực hiện bởi doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích.
Một số ý kiến băn khoăn cho rằng, đây là dịch vụ bưu chính phổ cập nên cần để tất cả các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính hợp pháp (khoảng 200 doanh nghiệp) được thực hiện. Tuy nhiên, đa số đại diện các bộ, ngành đồng tình với quy định của dự thảo bởi có thể coi Quyết định này khi ban hành là bước chuyển tiến tới mở rộng giao cho doanh nghiệp bưu chính có đủ năng lực.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhấn mạnh, hình thức này cho phép tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn để gửi hồ sơ, nhận kết quả giải quyết TTHC; gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích và là “kênh” chính thức, hợp pháp. Thứ trưởng cũng yêu cầu làm rõ mối quan hệ giữa doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, nhân viên bưu chính và cá nhân, tổ chức có nhu cầu, đảm bảo phù hợp, đồng bộ, thống nhất với Bộ luật Dân sự, Luật Bưu chính.