Điện ảnh Việt: Kinh phí 'khủng' có làm nên thành công?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm qua, điện ảnh Việt chứng kiến cuộc “tiến công” của hàng loạt bộ phim được đầu tư hoành tráng. Đây là một dấu hiệu phát triển của công nghiệp điện ảnh trong nước. Tuy nhiên, kinh phí khủng có làm nên sự thành công và bứt phá của nền điện ảnh hay không thì lại là chuyện khác.
“Dòng máu anh hùng” là bộ phim đầu tư kinh phí “khủng” mở màn cho điện ảnh Việt. (Ảnh: NSX)
“Dòng máu anh hùng” là bộ phim đầu tư kinh phí “khủng” mở màn cho điện ảnh Việt. (Ảnh: NSX)

Cuộc đua triệu đô qua các năm

Nếu nói đến bộ phim dám đầu tư kinh phí khủng đầu tiên của Việt Nam, có lẽ phải kể đến bộ phim “Dòng máu anh hùng” do Charlie Nguyễn làm đạo diễn. Ở thời điểm ấy (năm 2007), bộ phim có kinh phí gần 1,5 triệu USD, tức xấp xỉ 27 tỉ đồng, là một con số ngất ngưởng đối với phim Việt vốn chỉ nằm ở một vài tỉ. “Dòng máu anh hùng” tuy không thắng ở doanh thu phòng vé và chỉ thu hồi chưa đến 1/2 so với số vốn bỏ ra, thế nhưng là bước “mở đường” cho điện ảnh kinh phí lớn. Những pha hành động đẹp mắt của “Dòng máu anh hùng” có lẽ trở thành một chuẩn mực của phim điện ảnh Việt mà đến nay người yêu điện ảnh vẫn nhắc đến.

Sau “Dòng máu anh hùng”, từ một vài tỉ, phim Việt đã đi dần đến con số hàng chục tỉ kinh phí. Một loạt phim Việt sau đó đã cán các mốc 15, 20 triệu như: “Hương Ga”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Em là bà nội của anh”... Thành công phòng vé của ba bộ phim này, trong đó có “Hương Ga” đạt 75 tỉ, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” gần 80 tỉ và “Em là bà nội của anh” được remake theo phiên bản Hàn đạt doanh thu kỉ lục “trăm tỉ” đầu tiên của phim Việt đã là một động lực lớn để các nhà làm phim “dám nghĩ dám làm”.

Tiếp sau đó, người ta thấy hàng loạt dự án điện ảnh đình đám ra đời với kinh phí lớn trên 20 tỉ như: Trạng Quỳnh, Song Lang, Hai Phượng, Trại hoa đỏ, Người bất tử, Bẫy ngọt ngào, Bố già, Kẻ thứ ba, Trạng Tí: Phiêu lưu ký...

Đi cùng với xu thế “kinh phí khủng”, serie phim “Lật mặt” của nhà sản xuất Lý Hải đã tăng dần kinh phí đầu tư theo từng năm. Phim “Lật mặt” 1 (năm 2015) có kinh phí chỉ 10 tỉ đồng; “Lật Mặt 2: Phim trường” (năm 2016) đã tăng lên mức 12 tỉ đồng; Lật mặt 3: Ba chàng khuyết (năm 2018) và “Lật mặt 4: Nhà có khách” (năm 2019) đã là 17 tỉ đồng; “Lật mặt 5: 48H” (năm 2021) 43 tỉ đồng và đến “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” dù nhà sản xuất không công bố cụ thể, nhưng có thể đoán được mức kinh phí phải tăng rất nhiều so với các phần trước.

Và dường như đây là những bài toán đúng của Lý Hải, khi mà phim của anh qua các phần đều có mức tăng đáng kể về doanh thu: Phần một - 72 tỷ đồng, phần hai - 80 tỷ đồng, phần ba - 85 tỷ đồng, phần bốn - 120 tỷ đồng, phần năm - 150 tỷ đồng, phần 6 của bộ phim đã đạt gần 300 tỉ đồng, giúp Lý Hải trở thành nhà sản xuất phim Việt thứ hai (sau Trấn Thành) có tổng doanh thu các dự án điện ảnh hơn 500 tỷ đồng.

Trấn Thành cũng là một nhà sản xuất đầu tư phim kinh phí lớn và đạt các mức doanh thu kỉ lục. Phim “Bố già” đạt 420 tỷ đồng, còn “Nhà bà Nữ” sau khi công chiếu lần lượt chạm mốc doanh thu 100, 200, 300 và 400 tỷ đồng nhanh nhất lịch sử điện ảnh, và chốt cuối với con số ấn tượng 458 tỷ đồng.

Giá trị tích cực cho khán giả và nền điện ảnh

Nhà sản xuất Lý Hải dành kinh phí lớn phục dựng làng chiếu Định Yên đã mai một trong phim “Lật mặt 6”. (Ảnh: NSX).

Nhà sản xuất Lý Hải dành kinh phí lớn phục dựng làng chiếu Định Yên đã mai một trong phim “Lật mặt 6”. (Ảnh: NSX).

Tất nhiên, các mức kinh phí đầu tư khổng lồ không chỉ đem lại doanh thu cho người làm phim. Khán giả chính là người được lợi khi được thưởng thức những sản phẩm điện ảnh được đầu tư chỉn chu, chất lượng cao, mãn nhãn. Phim dẫu có hay hay không, thành công về doanh thu hay không, nhưng nỗ lực của người làm phim những giá trị tích cực mà các bộ phim kinh phí cao đem đến cho khán giả, cho điện ảnh vẫn cần ghi nhận.

Như phim “Trại hoa đỏ” của đạo diễn Victor Vũ đầu tư nhiều cho phần bối cảnh trải dài qua 20 địa điểm trên khắp địa bàn tỉnh Lâm Đồng với những cảnh quay trong phim vừa thơ mộng, vừa kỳ bí, u ám, ẩn khuất nơi núi rừng bạt ngàn, huyền bí khiến khán giả phải xuýt xoa. Hay phim “Người bất tử” cũng của Victor Vũ đã tốn gần 1 năm để quay các cảnh đẹp khắp cả nước, trong đó có các hang động ở Quảng Bình và dành cả năm tiếp theo để làm hậu kì, cho ra những thước phim tuyệt đẹp.

Phim “Hai Phượng” với sự hỗ trợ chuyên nghiệp của ê-kíp chỉ đạo võ thuật đến từ Hollywood đã cuốn hút người xem bằng những pha đánh đấm kịch tính và những bối cảnh đặc sắc từ vùng quê sông nước miền Tây đến thế giới ngầm ở TP HCM.

Một bộ phim được khen về bối cảnh là “Lật mặt 6” của nhà sản xuất Lý Hải. Những đồng tiền của nhà sản xuất bỏ ra rất đáng giá khi mà người xem dành nhiều lời khen ngợi cho bối cảnh đẹp đặc sắc của phim. Phim gây ấn tượng khi phục dựng cả làng nghề dệt chiếu Định Yên ở huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, vốn đang mai một. Đoàn phim đã phải xây mới cả khu chợ, xây lại từng lò nhuộm, dựng lên các giá phơi chiếu, thu mua hàng nghìn chiếc chiếu hoa để bày biện khắp khu chợ và con đường dài dẫn vào làng, tái hiện lại phiên chợ làng nghề truyền thống. Sau khi quay xong, đoàn phim đã tặng lại các lò nhuộm cho người dân địa phương.

Ngoài giá trị về mặt chất lượng sản phẩm điện ảnh, thì hầu hết các bộ phim kinh phí lớn cũng đã góp phần không nhỏ cho việc quảng bá văn hóa, cảnh sắc Việt Nam, phục dựng nhiều giá trị đang bị mai một. Cạnh đó, kinh phí lớn trong làm phim cũng sẽ tạo cơ hội cho các đạo diễn, biên kịch, diễn viên tài năng để thực hiện các dự án tham vọng và phát triển sự nghiệp, góp phần thúc đẩy sự xuất hiện của các tài năng trẻ trong ngành điện ảnh. Đồng thời, giúp ngành điện ảnh Việt Nam có thể thử nghiệm và phát triển các dự án ở nhiều thể loại khác nhau, từ hành động đến cổ trang, giả tưởng... Điều này giúp tạo ra sự đa dạng hóa trong nội dung và thu hút nhiều đối tượng khán giả khác nhau.

Kinh phí khủng, nhưng cần hơn thế nữa

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, kinh phí không hoàn toàn quyết định mà chỉ nằm ở một trong những yếu tố có thể làm nên thành công của một tác phẩm điện ảnh, và mở rộng ra, là sự bứt phá của nền điện ảnh. Một tác phẩm điện ảnh hay gồm rất nhiều yếu tố. Có thể thấy, không ít tác phẩm Việt được đầu tư lớn nhưng doanh thu vẫn rất thấp như phim: “Võ sinh đại chiến” rút khỏi rạp vì doanh thu phòng vé chỉ 1,3 tỉ đồng sau 6 ngày công chiếu, trong khi vốn làm phim lên đến 24 tỉ đồng. Phim “Người cần quên phải nhớ” của đạo diễn Đức Thịnh và nhà sản xuất Charlie Nguyễn đang chiếu rạp cũng thất bại nặng nề khi chỉ thu được 1,9 tỉ đồng so với kinh phí hơn 24 tỉ đồng.

“Phim Cậu Vàng” (đạo diễn Trần Vũ Thủy) có doanh thu 2,6 tỉ đồng trong khi vốn thực hiện khoảng 1 triệu USD, “Phim 578: Phát đạn của kẻ điên” (đạo diễn Lương Đình Dũng) phim thu khoảng 3 tỷ đồng sau gần một tuần trình chiếu trong khi kinh phí ngót nghét 60 tỉ đồng. Còn có thể kể đến phim “Kẻ thứ ba” (đạo diễn Park Hee Jun, nhà sản xuất Lý Nhã Kỳ) thu được một tỷ đồng tiền vé sau 2 tuần ra rạp khi chi phí đầu tư là hơn 30 tỉ đồng.

Ở một chiều ngược lại, nhiều phim Việt dẫu kinh phí không cao nhưng doanh thu lại rất lớn, như phim “Em chưa 18” chỉ đầu tư 12 tỉ đồng nhưng lại thu về tới 171 tỉ đồng, không chỉ được khán giả trong nước yêu thích mà còn được nước ngoài mua kịch bản để làm lại. Hay như “Lật mặt 1, 2” của Lý Hải kinh phí chỉ từ 10 - 12 tỉ đồng nhưng đã thu về con số doanh thu gấp 7-8 lần.

Còn khá nhiều bộ phim khác, đầu tư không nhiều, doanh thu không phải là “khủng”, nhưng vẫn âm thầm lặng lẽ thành công theo cách của mình, đem lại nhiều giá trị nội dung - nghệ thuật, để lại dấu ấn trong lòng công chúng.

Có thể khẳng định rằng, kinh phí lớn không phải lúc nào cũng là yếu tố duy nhất bảo đảm thành công của một bộ phim. Sự thành công của một bộ phim là tổng hòa của nhiều yếu tố: Kinh phí đủ, câu chuyện hay, tài năng của đạo diễn, biên kịch, diễn viên, sự chăm sóc chi tiết, sự tiếp cận được mong muốn của khán giả...

Cũng như nền điện ảnh Việt có phát triển hay không, dựa vào nhiều yếu tố hơn là câu chuyện kinh phí, như tài năng, cái tầm và tư duy của người làm phim, như các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy và “mở cửa” cần thiết cho nền điện ảnh, tầm nhìn của nhà quản lý... Và đó là một câu chuyện dài, cần sự nỗ lực của rất nhiều bên.