Điện ảnh Việt rất cần những tác phẩm nhân văn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giữa thị trường điện ảnh rộng lớn, chủ đề ngày một phong phú, những bộ phim điện ảnh mang tinh thần nhân văn, lay động cảm xúc tích cực, mang theo giá trị “chân - thiện - mỹ” vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu, chinh phục trái tim khán giả.
Một cảnh trong phim “Một điều ước”. (Ảnh minh họa. Nguồn: Nhà sản xuất)
Một cảnh trong phim “Một điều ước”. (Ảnh minh họa. Nguồn: Nhà sản xuất)

Tình cảm gia đình luôn là chất liệu quý

Đến thời điểm này, bộ phim “Lật mặt 7: Một điều ước” của nhà sản xuất Lý Hải đã vượt mốc 300 tỉ đồng, đạt được một số “kỉ lục” trong thị trường điện ảnh. Một bộ phim thành công sẽ có nhiều yếu tố, nhưng có lẽ nổi bật nhất của “Một điều ước” vẫn là khía cạnh “chạm” đến trái tim người xem. Nội dung phim không quá mới, chuyện về một người mẹ góa, ở vậy nuôi 5 con khôn lớn nên người. Nhưng khi người mẹ gặp tai nạn cần đến sự chăm sóc của các con, thì những người con vì hoàn cảnh khác nhau đã phải đùn đẩy, rồi thống nhất mỗi người nuôi mẹ một tuần. Hành trình người mẹ đến ở với từng người con ở các vùng miền đất nước, từ Hà Nội đến Phan Rang, từ Lâm Đồng đến TP HCM là một hành trình đầy “chữa lành”. Người mẹ ấy, bằng tình thương lặng lẽ, bằng sự thấu hiểu và bao dung, đã tìm ra và “vá lành” những vết nứt trong mỗi gia đình nhỏ. Một bộ phim ấm áp, lấy đi nước mắt của biết bao khán giả. Có lẽ đó chính là lý do lớn nhất cho sự thành công của “Một điều ước”.

Trên một số diễn đàn điện ảnh, nhiều khán giả bình luận rằng, khi họ đã “chán ngán” với các “drama”, những tình huống kịch tính khiên cưỡng, mặt tối xấu xí của xã hội nhan nhản trên điện ảnh, truyền hình, phim ngắn mạng, thì những bộ phim như thế này thực sự cần thiết để xoa dịu tâm hồn, khiến người ta nhìn lại chính mình, hướng về gia đình nhiều hơn.

Thực tế cho thấy, dù có muôn vàn chủ đề nóng hổi để khai thác, thì tình cảm gia đình vẫn luôn là chất liệu dồi dào cho các nhà làm phim. Phim về gia đình, nếu làm tốt, sẽ dễ dàng “chạm” được những cảm xúc thiêng liêng, sâu kín trong mỗi khán giả, ở mọi lứa tuổi. Những bộ phim như “Bố già”, “Nhà bà Nữ”, “Hai Phượng”, “Nắng”, “Thưa mẹ con đi”, “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa”, “Khi con là nhà”, “Cha cõng con”... đều có sự thành công nhất định về doanh thu, về hiệu ứng đã cho thấy vị trí không thể thiếu của dòng phim gia đình trong thị trường điện ảnh.

Chú trọng tư duy làm phim

Thị trường điện ảnh Việt Nam những năm qua đang có dấu hiệu thừa mứa những nội dung dung tục, đem những bản năng thấp hèn hay tiếng cười dễ dãi ra để “câu view”. Không ít bộ phim mà người xem phải đỏ mặt vì tình tiết đi xa khỏi luân thường đạo lý, hoặc vì những phân cảnh phản cảm, bạo lực, không cần thiết cho giá trị của bộ phim.

Không thể phủ nhận, thị trường phim luôn cần phong phú về đề tài, khai thác nhiều khía cạnh trong đời sống. Nhưng bất kì đề tài nào thì tác phẩm điện ảnh cũng không nên bước ra ngoài việc duy trì giá trị “chân - thiện - mỹ”.

Điện ảnh Việt Nam trong những năm qua cũng chứng kiến nhiều tác phẩm hay, đa dạng về đề tài và đem lại giá trị tinh thần tích cực, thông điệp nhân văn về lòng yêu nước, giá trị văn hóa dân tộc, phẩm giá con người Việt, tình yêu thương... cho người xem, có thể kể đến các bộ phim “Dòng máu anh hùng”, “Dạ cổ hoài lang”, “Song lang”, “Tro tàn rực rỡ”, “Đêm tối rực rỡ”...

Những bộ phim mang các yếu tố “câu khách” rẻ tiền cũng hầu như không lọt được vào vòng đề cử của các liên hoan phim trong nước những năm qua. Các bộ phim sống sượng, lệch lạc hầu hết đều bị khán giả quay lưng, rời phòng vé khi ra rạp không bao lâu cũng là minh chứng cho sự lựa chọn của thị trường điện ảnh.

Lấy cái đẹp đẩy lùi cái xấu; lấy “chân - thiện - mỹ” đuổi cái phi nghĩa, thấp hèn, tăm tối… Đó luôn là dòng chảy của sáng tạo nghệ thuật và cũng luôn là dòng chảy không bao giờ thay đổi của đời sống con người. Điện ảnh, dẫu có phát triển đến đâu, sáng tạo như thế nào, cũng cần “nằm lòng” chân lý ấy.