Diễn biến bất lợi cho Cục thuế Ninh Bình trước phiên tòa phúc thẩm bảo vệ 63 tỷ đồng ngân sách

(PLO) - Bằng một quyết định không phù hợp với hồ sơ vụ án, TAND tỉnh Ninh Bình đã khiến ngân sách tỉnh này “bốc hơi” hơn 63 tỷ đồng. Đáng quan ngại là trước phiên tòa phúc thẩm lại chuẩn bị diễn ra, người bị kiện lại đón nhận tin xấu khi người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ kiện này đã bị tòa án biến thành… nhân chứng.
Sản xuất thép tại Công ty KSVC
Sản xuất thép tại Công ty KSVC

Đổi tư cách để tránh bị khiếu nại?

Báo Pháp luật Việt Nam ngày 2/8/2018 có bài “Chỉ với một quyết định, Tòa án làm “bốc hơi” hơn 63 tỷ đồng khỏi ngân sách” phản ánh vụ kiện hành chính giữa Công ty TNHH cán thép Tam Điệp và Cục Thuế tỉnh Ninh Bình có dấu hiệu của việc xét xử không khách quan. Trong đó, TAND tỉnh Ninh Bình đã ra bản án hủy bỏ quyết định truy thu hơn 63 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng trong giao dịch chuyển nhượng tài sản giữa Công ty cán thép Tam Điệp và Công ty TNHH Kyoei Việt Nam (KSVC) mà Công ty cán thép Tam Điệp phải kê khai, nộp thuế. Vụ việc đang được TAND cấp cao tại Hà Nội thụ lý, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

Sẽ không có gì đáng bàn trong vụ án này khi vụ việc chưa được Tòa án cấp phúc thẩm xét xử và quyết định cuối cùng cần đợi cấp phúc thẩm. Song, một số diễn biến “bất thường” trước phiên tòa này cho thấy việc số tiền thuế có nguy cơ không thể thu về ngân sách.

Tòa cho pháp nhân thành người làm chứng khiến đương sự phản ứng vì cho rằng việc làm này là trái pháp luật
Tòa cho pháp nhân thành người làm chứng khiến đương sự phản ứng vì cho rằng việc làm này là trái pháp luật 

Cụ thể, trong vụ án này Công ty cán thép Tam Điệp là người khởi kiện, Cục Thuế tỉnh Ninh Bình là người bị kiện và Công ty KSVC là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Theo tư cách tố tụng đã được cấp sơ thẩm, 3 đương sự trong vụ kiện này đều có quyền kháng cáo, kiến nghị xem xét lại bản án theo trình tự phúc thẩm và giám đốc thẩm nếu thấy có sai phạm trong xét xử và áp dụng pháp luật.

Trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm, bất ngờ Công ty KSVC đã bị tòa án xét xử phúc thẩm vụ án là TAND cấp cao tại Hà Nội hủy bỏ tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Thay vào đó, Công ty KSVC được xác định là “nhân chứng” của vụ kiện. Cụ thể, trong giấy triệu tập ngày 31/8/2018, TAND cấp cao đã triệu tập Công ty KSVN đến tòa với tư cách là người làm chứng.

Phản ứng trước động thái này của TAND cấp cao tại Hà Nội, đại diện cho Công ty KSVC đã có đơn khiếu nại gửi TAND cấp cao tại Hà Nội, đề nghị xem xét lại việc xác định tư cách tham gia tố tụng của Công ty. Bởi lẽ, việc xác định Công ty KSVC là người là chứng là không đúng bản chất của vụ việc và không đúng pháp luật.

Tuy nhiên, không có một văn bản giải quyết khiếu nại nào được đưa ra mà tiếp tục có một văn bản khác triệu tập Công ty KSVC tham gia phiên tòa phúc thẩm ngày 10/10/2018 vẫn với tư cách người làm chứng. Theo đại diện của Công ty KSVC, việc xác định tư cách tham gia tố tụng như trên là hoàn toàn không chưa phản ánh đúng tư cách người tham gia tố tụng của KSVC theo quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của KSVC, vi phạm nghiêm trọng về tố tụng.

Theo Luật sư Trần Việt Hùng, người làm chứng trong tố tụng phải là một thể nhân (con người), không thể là một pháp nhân (tổn chức). Do đó, việc xác định một pháp nhân là nhân chứng trong một vụ kiện là một điều phi lý. Bởi lẽ, người làm chứng là người biết sự việc bằng tri giác và lý trí, đó phải là một con người cụ thể. Do đó, việc đưa một tổ chức trở thành nhân chứng là điều “xưa nay hiếm”.

Chưa rõ việc đổi danh phận cho Công ty KSVC trong vụ án này là căn cứ vào đâu, nhưng một điều rất rõ ràng là hậu quả của nó thì ai cũng thấy. Đó là, nếu bản án phúc thẩm tiếp tục sai, Cục thuế Ninh Bình không khiếu nại thì sẽ không có ai còn quyền khiếu nại nữa vì nhân chứng thì không được khiếu nại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm. Đó là một kết cục an toàn hơn trường hợp Công ty KSVC là người có quyền lợi liên quan, được quyền khiếu nại nếu tòa xử sai.

Hồ sơ thể hiện một đằng, tòa sơ thẩm nhận định một nẻo

Trở lại nội dung của vụ án này, theo hồ sơ vụ án thì giữa Công ty cán thép Tam Điệp và Công ty KSVC đã có một giao dịch về chuyển nhượng tài sản. Theo đó, Công ty cán thép Tam Điệp của ông Đặng Lê Hoa chuyển nhượng khối tài sản có giá trị hơn 699 tỷ đồng cho Công ty KSVC. Hợp đồng chuyển nhượng tài sản này được ký kết dựa trên một thỏa thuận góp vốn thành lập liên doanh giữa ông Đặng Lê Hoa với Công ty thép Kyoei Steel Singapore (Công ty KSSC).

Hợp đồng liên doanh giữa ông Đặng Lê Hoa và Công ty KSSC xác định Công ty liên doanh KSVC sẽ mua lại 2 dự án của Công ty cán thép Tam Điệp, trái ngược nhận định của Tòa án tỉnh Ninh Bình
Hợp đồng liên doanh giữa ông Đặng Lê Hoa và Công ty KSSC xác định Công ty liên doanh KSVC sẽ mua lại 2 dự án của Công ty cán thép Tam Điệp, trái ngược nhận định của Tòa án tỉnh Ninh Bình

Theo đó, Công ty cán thép Tam Điệp có 2 dự án nhà máy cán thép tại Tam Điệp và Khánh Phú (Ninh Bình). Công ty cán thép Tam Điệp chuyển nhượng 30% giá trị của 2 dự án này cho ông Đặng Lê Hoa và chuyển nhượng 70% giá trị 2 dự án cho Công ty KSVC. Như vậy, Công ty KSVC có 2 thành viên góp vốn, với tổng giá trị tài sản chính là 2 dự án mà trước đó Công ty cán thép Tam Điệp là chủ sở hữu.

Theo hồ sơ thể hiện, Công ty KSSC góp vốn bằng tiền mặt vào Công ty KSVC (chiếm 70% vốn điều lệ). Sau đó, Công ty KSVC đã sử dụng số tiền này để mua lại 70% giá trị tài sản của dự án cán thép 1 và 2 của Công ty cán thép Tam Điệp. Nội dung này đã thể hiện trong hợp đồng liên doanh giữa ông Đặng Lê Hoa và Công ty KSSC. 

Ngoài ra, hợp đồng chuyển nhượng dự án ngày 15/2/2012 giữa Công ty cán thép Tam Điệp với Công ty KSVC cũng thể hiện rất rõ các nội dung này. Trong hợp đồng xác định, việc chuyển nhượng dự án được thực hiện giữa Công ty cán thép Tam Điệp và Công ty KSVC. Chứng từ chuyển tiền ngày 19/3/2012 qua Ngân hàng Quân đội, chi nhánh Ninh Bình mà Công ty KSVC chuyển cho Công ty thép Tam Điệp cũng phản ánh đúng nội dung này.

Sau khi chuyển nhượng, hóa đơn đã được viết cho bên mua là Công ty KSVC. Tuy nhiên, ngay sau đó tờ hóa đơn này đã bị hủy để thay bằng tờ hóa đơn khác, trong đó người mua dự án là Công ty KSSC. Việc viết hóa đơn này đã không phản ánh đúng thực chất giao dịch mua bán dự án và có dấu hiệu làm “biến mất” khoản thuế giá trị gia tăng của giao dịch chuyển nhượng dự án.

Theo Tổng cục thuế, hợp đồng ngày 15/2/2012 là chuyển nhượng dự án. Do vậy, việc chuyển nhượng dự án không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Nghĩa là Công ty cán thép Tam Điệp phải nộp 10% thuế giá trị gia tăng cho giao dịch bán tài sản.

Hợp đồng chuyển nhượng dự án xác định bên mua là Công ty KSVC, Tòa xác định bên mua là doanh nghiệp nước ngoài khiến ngân sách mất luôn 63 tỷ đồng
Hợp đồng chuyển nhượng dự án xác định bên mua là Công ty KSVC, Tòa xác định bên mua là doanh nghiệp nước ngoài khiến ngân sách mất luôn 63 tỷ đồng

Với các căn cứ này, Cục thuế tỉnh Ninh Bình đã ra quyết định xử lý vi phạm đối su Công ty cán thép Tam Điệp, truy thu số tiền thuế phải nộp trong vụ việc chuyển nhượng dự án này là hơn 63 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ kiện hành chính mà Công ty cán thép Tam Điệp khởi kiện yêu cầu hủy quyết định truy thu thuế, TAND tỉnh Ninh Bình lại nhận định là Công ty cán thép Tam Điệp chuyển nhượng dự án cho Công ty KSSC (Singapore) chứ không chuyển nhượng dự án cho Công ty KSVC (Việt Nam), trái ngược với hợp đồng mà các bên đã ký kết. 

Mặc dù các tài liệu thể hiện Công ty KSVC là bên nhận chuyển nhượng, không phải là Công ty KSSC, nhưng TAND tỉnh Ninh Bình vẫn cho rằng, các tài liệu trên là không có căn cứ. Do đó Tòa “chốt” Công ty KSSC mà bên mua dự án và giao dịch này không phải chịu thuế và Tòa hủy quyết định truy thu thuế khiến cho ngân sách tỉnh Ninh Bình mất đi hơn 63 tỷ đồng.

Sự thật của vụ việc nằm ngay tại hồ sơ vụ án mà các chữ viết trong hợp đồng, chứng từ chuyển tiền và hành vi của các bên tham gia giao dịch. Song, sự thật này đã bị che dấu bởi từ ngữ trong bản án sơ thẩm  và hậu quả của nó là ngân sách bị thiệt hại. Liệu ngân sách đòi lại được hơn 63 tỷ đồng, đủ xây cả chục ngôi trường cho các xã nghèo hay sẽ ở lại túi của doanh nghiệp?

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.

Đọc thêm