Điện Biên quyết tâm thực hiện “trận đánh lớn” trên mặt trận số

(PLVN) - Sáng nay (6/5), tỉnh Điện Biên đã phát động Chiến dịch “Điện Biên Phủ - Hành trình phủ AI” và phong trào “Bình dân học vụ số” với mục tiêu phổ cập AI, ứng dụng công nghệ, kỹ năng số cho người dân trong thời đại số.

Tham dự sự kiện này có các đồng chí Trần Quốc Cường, UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Điện Biên; Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lò Văn Phương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện các tổ chức STEAM for Vietnam, Đại học Bách khoa Hà Nội, các doanh nghiệp viễn thông…

Phát động Chiến dịch “Điện Biên Phủ - Hành trình phủ AI”

Phát biểu tại sự kiện này, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô nhấn mạnh: Trong không khí thiêng liêng của những ngày kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu, UBND tỉnh tổ chức sự kiện “Ngày hội AI” của tỉnh Điện Biên, đồng thời phát động hai chương trình quan trọng: “Chiến dịch Điện Biên Phủ – Hành trình phủ AI” và Phong trào “Bình dân học vụ số”.

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đang nỗ lực thực hiện mạnh mẽ Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm của tỉnh Điện Biên một tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn – trong việc chủ động hòa mình vào xu thế toàn cầu, khai thác các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), như một động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội bền vững và toàn diện.

Đây không chỉ là dịp để tôn vinh quá khứ hào hùng, mà còn là bước khởi đầu cho một hành trình mới, hành trình kiến tạo tương lai bằng tri thức, công nghệ và khát vọng vươn lên.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô phát biểu tại sự kiện

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, nhận thức sâu sắc về vai trò của công nghệ trong thời đại số, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Điện Biên đã xác định rõ: Trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu, mà chính là đòn bẩy chiến lược, là động lực then chốt trong tiến trình phát triển nhanh, bền vững và toàn diện của tỉnh. Để cụ thể hóa định hướng này, Ban Chỉ đạo phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời bảo đảm sát hợp với điều kiện thực tiễn, nhu cầu và lợi thế đặc thù của địa phương.

Ngày hội AI” góp phần khơi dậy đam mê công nghệ, thúc đẩy tinh thần học tập và sáng tạo trong thế hệ trẻ – những chủ nhân tương lai của Điện Biên, những người sẽ góp phần định hình vị thế tỉnh nhà trong kỷ nguyên số.

Chia sẻ với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Vũ Anh Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Điện Biên cho biết: Điện Biên là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức “Ngày hội AI”. Đây cũng là dấu mốc quan trọng, kỷ niệm hành trình đặc biệt: Tỉnh Điện Biên trở thành tỉnh đầu tiên cả nước hoàn thành phổ cập AI cho 100% giáo viên toàn tỉnh.

Trong khuôn khổ sự kiện có các hoạt động như: Tổng kết khóa tập huấn “Ứng dụng AI thế hệ mới” cho giáo viên, công bố kết quả đào tạo và vinh danh các sản phẩm AI xuất sắc; phát động Chiến dịch “Điện Biên Phủ - Hành trình Phủ AI” và Phong trào “Bình dân học vụ số”; Trưng bày sản phẩm GenAI tiêu biểu của 5 giáo viên xuất sắc nhất; Tổng kết khóa tập huấn “Ứng dụng AI thế hệ mới” và vinh danh dự án xuất sắc.

Trong khuôn khổ Ngày hội, Sở KH&CN tỉnh cũng khai trương Thư viện Công nghệ STEAM Hub tại Trường PTDTNT tỉnh; Tổ chức Giải đấu giao hữu Robotics “Chiến dịch 715” với sự tham gia của các đội thi là học sinh cấp 2, cấp 3; Trạm thực hành trải nghiệm các ứng dụng AI và công nghệ mới tại gian hàng của STEAM for Vietnam, Đại học Bách Khoa Hà Nội và các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp viễn thông...

“Tại chính nơi từng làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", hôm nay, chúng ta tiếp tục thực hiện một “trận đánh lớn” của thời đại công nghệ số. Chiến dịch “Điện Biên Phủ – Hành trình phủ AI” hướng đến mục tiêu đưa AI đến gần hơn với Nhân dân, từng tổ chức, doanh nghiệp, thôn bản, phòng học và từng lĩnh vực đời sống. Chúng ta không chỉ hướng đến việc làm chủ công nghệ, mà quan trọng hơn, ứng dụng công nghệ để giải quyết những bài toán thực tiễn, từ nông nghiệp thông minh, giáo dục linh hoạt, du lịch số, đến y tế từ xa và hành chính hiện đại” – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô nói.

Với phong trào “Bình dân học vụ số” trên toàn tỉnh, ông Đô nhấn mạnh mục tiêu nhằm nhằm phổ cập kiến thức, kỹ năng số cho mọi người dân, để ai cũng có thể sử dụng các thiết bị thông minh, tiếp cận dịch vụ số thiết yếu và tham gia một cách an toàn, hiệu quả trên không gian mạng; Phấn đấu đến năm 2026: 100% người dân trong độ tuổi trưởng thành có kiến thức cơ bản về số hóa, có kỹ năng số phù hợp, và sẵn sàng tham gia tích cực vào xã hội số.

Để các phong trào đi vào thực chất và lan tỏa sâu rộng, tỉnh Điện Biên sẽ triển khai bài bản, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp như: Ứng dụng mạnh mẽ các nền tảng học tập trực tuyến; Tập huấn, đào tạo phân tầng theo nhóm đối tượng; Phát huy các mô hình hiệu quả như “Đại sứ số”, “Gia đình số”, “Chợ số, Nông thôn số” và đặc biệt, phát huy vai trò Tổ công nghệ số cộng đồng, bền bỉ thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người”.

100% giáo viên tỉnh Điện Biên đã được phổ cập AI

Tại sự kiện này, bà Trần Tố Uyên – Giám đốc quốc gia STEAM for Vietnam đã chia sẻ về khóa tập huấn phổ cập AI cho 14.000 giáo viên toàn tỉnh Điện Biên.

“Chúng tôi muốn minh chứng, hiệu quả của AI không bị ảnh hưởng bởi địa lý mà còn rút ngắn khoảng cách giữa vùng sâu, vùng xa. Đây là chìa khóa, là vũ khí để Điện Biên bắt kịp các địa phương khác, thậm chí vang danh trên mặt trận số” – bà Uyên nói.

Trong vòng 2 tháng qua, 200 tình nguyện viên trên khắp cả nước đã vào cuộc, tập trung vào triển khai chương trình tập huấn với mục tiêu phổ cập AI cho 100% giáo viên toàn tỉnh trước 7/5. Sau 2 tháng, giáo viên, cán bộ quản lý được tập huấn, trong đó có 1.200 cán bộ quản lý; 102 giáo viên cốt cán được tập huấn. Hiện nay, 100% (14.000 giáo viên) trong toàn tỉnh hoàn thành xong khóa học AI.

Bà Trần Tố Uyên – Giám đốc quốc gia STEAM for Vietnam

Đáng nói là, sau khóa tập huấn, hơn 35.700 dự án của giáo viên đã được hoàn thành. Trong đó, Top 5 dự án xuất sắc nhất trong hơn 35.000 dự án gửi về lại của các giáo viên ở các vùng cực kỳ khó khăn như ở Mường Nhé, Tủa Chùa, Mường Ảng.

Trong những dự án tiếp theo, STEAM for Vietnam rất mong đồng hành để làm 3 mục tiêu chính: Giáo viên không chỉ hiểu mà còn vận dụng sâu, tạo ra cộng đồng ứng dụng AI vào trong lớp học mà còn lan tỏa cho chính đồng nghiệp, hoặc trở thành những người đào tạo liên tỉnh, liên ngành.

Ngày hội AI tại tỉnh Điện Biên thu hút đông đảo thanh niên, đoàn viên, học sinh tham dự

Bày tỏ sự tin tưởng vào hành động mang tầm chiến lược của tỉnh Điện Biên, bà Uyên nói: “71 năm trước, Điện Biên có thể thành công dựa vào bản lĩnh và trí tuệ, thì giờ đây, chúng ta hoàn toàn tin tưởng Điện Biên sẽ thành công trên mặt trận số nhờ vũ khí AI. Chiến dịch “Điện Biên Phủ – Hành trình phủ AI” và Phong trào “Bình dân học vụ số” chắc chắn sẽ thành công rực rỡ, mở ra một chương mới đầy hứa hẹn cho tỉnh Điện Biên trong thời đại số” – Giám đốc quốc gia STEAM for Vietnam nhấn mạnh.

Đọc thêm