AI có thể thay thế giáo viên ngoại ngữ?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  ChatGPT và các công cụ AI khác đang dần thay thế hình thức học ngoại ngữ truyền thống, mang đến khả năng học tập linh hoạt 24/7. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra câu hỏi về giá trị của giáo viên trong việc tạo môi trường học tập đầy cảm hứng và kết nối sâu sắc giữa con người với con người.
AI có thể thay thế giáo viên ngoại ngữ?

Chat GPT: Gia sư ngoại ngữ 24/7

Đối với Phương Anh (21 tuổi, sinh viên năm 3 ngành Truyền thông trường ĐH Phương Đông), việc đạt điểm IELTS cần thiết không chỉ là mục tiêu cá nhân mà còn là điều kiện bắt buộc để tốt nghiệp. Lịch học dày đặc, những buổi làm đồ án kéo dài đến khuya khiến việc theo một lớp luyện thi với thời khóa biểu cố định gần như là điều không thể. Đây là lúc ChatGPT trở thành "cứu cánh", một "gia sư riêng" luôn sẵn sàng theo yêu cầu của cô.

"Có những hôm học ở trường về tới nhà đã 11 giờ đêm, mệt rã rời nhưng vẫn canh cánh nỗi lo IELTS," Phương Anh chia sẻ. "Lúc đó chẳng thể gọi điện hỏi thầy cô hay bạn bè được. Nhưng mình vẫn có thể mở ChatGPT ra, luyện nói 15-20 phút hoặc hỏi nhanh một điểm ngữ pháp còn vướng mắc. Nó luôn ở đó, kiên nhẫn và sẵn sàng.”

Với Phương Anh, Chat GPT như một gia sư IELTS có thể giải đáp thắc mắc của cô mọi lúc, mọi nơi. Ảnh: Yến Nhi

Cô chia sẻ rằng bản thân cần tập trung cải thiện kỹ năng Viết và Nói, đặc biệt là đối với các chủ đề học thuật khó. Với ChatGPT, cô cho biết mình có thể yêu cầu công cụ này đóng vai giám khảo phần Nói Part 3, đặt những câu hỏi sâu về các vấn đề như môi trường, công nghệ hay giáo dục hay tạo dàn ý chi tiết cho các dạng bài Viết Task 2, hoặc liệt kê các từ vựng học thuật nâng cao theo từng chủ đề cụ thể. Theo Phương Anh, cách học này giúp cô nhắm đúng vào những điểm yếu của bản thân, cần gì hỏi đó, và không bị lãng phí thời gian vào những phần kiến thức đã vững vàng.

Nhưng mức độ cá nhân hóa mà người dùng như Phương Anh đang khám phá còn đi xa hơn việc chỉ hỏi đáp thông thường. Nhiều người đang tự "thiết kế" những phiên bản ChatGPT chuyên biệt cho nhu cầu của mình.

Một người dùng chia sẻ kinh nghiệm tạo "gia sư tiếng Trung" riêng: bắt đầu bằng việc đưa ra một chỉ dẫn cụ thể, yêu cầu AI đảm nhận vai trò của một chuyên gia ngôn ngữ với các khả năng như liệt kê từ vựng theo chủ đề, xây dựng các câu ví dụ ngữ cảnh hoá, và đặc biệt là phân tích, làm rõ sự khác biệt giữa những cặp từ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa – một thách thức không nhỏ trong việc học bất kỳ ngôn ngữ nào.

Chatbot Gia sư Tiếng Trung trên nền tảng Chat GPT. Nguồn: Người dùng Thread Khúc Phương Thảo

Đáng chú ý hơn nữa là khả năng thích ứng ngôn ngữ đáng kinh ngạc của AI. Người dùng phản ánh rằng, trong trường hợp họ gặp khó khăn khi tiếp nhận giải thích bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ đích, họ hoàn toàn có thể yêu cầu AI chuyển sang trình bày bằng tiếng mẹ đẻ, ví dụ như tiếng Việt. Sự linh hoạt này không chỉ gỡ bỏ rào cản ngôn ngữ trung gian mà còn thể hiện một mức độ thấu hiểu và hỗ trợ người dùng rất cao, tạo điều kiện học tập thuận lợi và hiệu quả hơn, đặc biệt với những người mới bắt đầu hoặc chưa vững ngoại ngữ nền.

Người bạn luyện nói không phán xét

Một nghịch lý phổ biến trong việc học ngoại ngữ là dù người học có thể nắm vững ngữ pháp, thuộc lòng hàng trăm từ vựng, họ vẫn "đứng hình" mỗi khi cần giao tiếp thực tế. Rào cản tâm lý, nỗi sợ mắc lỗi (language anxiety) và thiếu môi trường thực hành thường xuyên là những yếu tố chính kìm hãm sự tiến bộ.

Nghiên cứu về tâm lý học ngôn ngữ từ lâu đã chỉ ra rằng yếu tố cảm xúc và sự tự tin (hay còn gọi là "bộ lọc cảm xúc" - Affective Filter theo Stephen Krashen) ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp thu và sử dụng ngôn ngữ. Chính ở đây, các công cụ AI như ChatGPT, đặc biệt với tính năng tương tác giọng nói, đang mở ra một hướng đi mới, một "phòng thí nghiệm ngôn ngữ" an toàn và hiệu quả đến bất ngờ.

Chị Ngọc Thy (35 tuổi), một nhân viên văn phòng đã đi làm nhiều năm, là người cảm nhận rõ điều này. Mong muốn cải thiện tiếng Anh giao tiếp để phục vụ công việc, chị đã thử qua nhiều phương pháp, bao gồm cả các ứng dụng phổ biến như Duolingo. Chị nhận thấy Duolingo rất tốt để "nhồi" từ vựng và ôn cấu trúc câu cơ bản, nhưng lại thiếu hẳn yếu tố then chốt: hội thoại thực tế.

Chị Thy cho biết mình thường tận dụng những giờ nghỉ trưa để luyện tập giao tiếp với Chat GPT. Ảnh: Yến Nhi

Chị chia sẻ: "Duolingo giống như làm bài tập, còn nói chuyện cần sự tương tác, ứng biến. Nhiều lúc mình muốn diễn đạt ý phức tạp hơn mà app không hỗ trợ được." Khi chuyển sang dùng voice chat của ChatGPT, chị Thy cảm nhận sự khác biệt rõ rệt. "Điều tuyệt vời nhất là mình có thể nói một câu dài, diễn đạt ý của mình, sai cũng được, rồi yêu cầu nó sửa hoặc gợi ý cách nói khác. Nó không chấm điểm, không phán xét, cứ như một người bạn kiên nhẫn vậy," chị Thy tâm đắc.

Đây chính là điểm mấu chốt: AI cung cấp một môi trường thực hành phi phán xét, điều mà ngay cả lớp học với giáo viên hay bạn bè đôi khi cũng khó đảm bảo tuyệt đối do yếu tố tâm lý và xã hội. Sự kiên nhẫn vô hạn và khả năng tạo ra các cuộc đối thoại có chiều sâu, thay vì chỉ lặp lại câu mẫu, giúp người học như chị Thy dần gỡ bỏ được nút thắt tâm lý.

Xu hướng sử dụng AI để luyện nói không còn là cá biệt. Dữ liệu từ nhiều nền tảng EdTech lớn trên thế giới đều cho thấy sự tăng trưởng đáng kể trong việc người dùng tương tác bằng giọng nói với các chatbot ngôn ngữ. Điều này phản ánh một nhu cầu có thực: người học khao khát một môi trường thực hành an toàn, linh hoạt và hiệu quả để cải thiện kỹ năng nói. Chính sự riêng tư và tính không phán xét của AI là những yếu tố hấp dẫn hàng đầu, giúp họ dám thử nghiệm và mắc lỗi nhiều hơn – một phần quan trọng của quá trình học.

Giáo viên ngoại ngữ: Vị trí không thể thay thế trong kỷ nguyên AI?

Sự trỗi dậy của các công cụ AI mạnh mẽ như ChatGPT đặt ra một câu hỏi lớn. Đây cũng chính là chủ đề nóng hổi được chương trình podcast/video 'Talking ELT' của OUP lựa chọn để mổ xẻ ngay trong tập đầu tiên, với sự tham gia thảo luận sôi nổi của các chuyên gia như Ben Knight (Trưởng phòng Nghiên cứu và Sư phạm, Oxford University Press - OUP) và Giáo sư Hayo Reinders (Đại học Anaheim) về việc: liệu AI có tiềm năng thay thế vai trò người giáo viên trong việc học ngoại ngữ? Dù không thể phủ nhận sự tiện lợi và khả năng hỗ trợ đáng kể của AI, việc xem xét kỹ lưỡng những giới hạn cố hữu cho thấy câu trả lời không hề đơn giản.

Một trong những rào cản lớn nhất, như cả Ben Knight và Giáo sư Hayo Reinders đã nhấn mạnh trong buổi trao đổi, nằm ở chính bản chất phi nhân tính của AI – sự thiếu vắng tương tác người thật. AI, dù ngày càng tinh vi trong việc mô phỏng đối thoại, vẫn không thể tái tạo được sự ấm áp, đồng cảm, và khả năng xây dựng mối quan hệ sâu sắc giữa người với người, những yếu tố vốn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và duy trì động lực học tập.

Các chuyên gia này cho rằng, chính vì AI có thể xử lý các tác vụ cơ học, vai trò của giáo viên trong việc tạo kết nối cá nhân, truyền cảm hứng và hỗ trợ tinh thần lại càng trở nên không thể thiếu, tạo thành giá trị cốt lõi mà máy móc khó lòng sao chép.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Dall.e

Hạn chế này tiếp tục lộ rõ khi AI đối mặt với thách thức trong việc nắm bắt và vận dụng các sắc thái văn hóa cũng như sự tinh tế của ngữ cảnh giao tiếp.

Một nghiên cứu năm 2023 của Tiến sĩ Zuhair Dawood Zaghlool và Tiến sĩ Mohamad Ahmad Saleem Khasawneh, đăng trên tạp chí Migration Letters với sự tham gia của 350 chuyên gia và người học, cho thấy 61.43% đồng ý rằng sự thiếu nhận thức ngữ cảnh là một hạn chế lớn của AI. Các tác giả chỉ ra rằng, không giống như người thầy có thể giải thích các sắc thái văn hóa, thành ngữ, hay điều chỉnh văn phong linh hoạt theo tình huống, AI, do bản chất dựa trên dữ liệu, thường lúng túng trước những yêu cầu giao tiếp đòi hỏi sự nhạy cảm và hiểu biết sâu sắc về bối cảnh xã hội.

Vậy, đứng trước sự phát triển không ngừng của AI, vai trò của người dạy ngoại ngữ sẽ biến đổi ra sao? Thay vì viễn cảnh bị thay thế hoàn toàn, Ben Knight và Hayo Reinders ('Talking ELT', OUP) đưa ra một góc nhìn lạc quan hơn về sự chuyển dịch vai trò trong trung hạn, khoảng từ một đến năm năm tới.

Video Podcast “Trí tuệ nhân tạo: Tác động đến việc giảng dạy ngôn ngữ (Talking ELT S1 E1)” . Nguồn: Youtube Teaching English with Oxford.

Họ cho rằng AI, vốn đã phát triển từ những năm 1950 và đang ở "điểm uốn" với sự gia tăng khả năng tiếp cận, có thể trở thành công cụ đắc lực. Nó có thể giúp giáo viên giảm tải các công việc lặp lại, dành nhiều thời gian hơn cho việc giám tuyển (curation) nội dung học phù hợp, cá nhân hóa lộ trình cho từng học viên dựa trên dữ liệu AI cung cấp, và tập trung vào việc phát triển kỹ năng giao tiếp hiệu quả, có sức thuyết phục – những yếu tố mà AI khó bắt chước. Đồng thời, giáo viên sẽ có thêm vai trò quan trọng là hướng dẫn học viên sử dụng các công cụ AI một cách hiệu quả và có chính kiến.

Rõ ràng, hành trình làm chủ một ngôn ngữ không đơn thuần là việc tiếp thu kiến thức và rèn luyện kỹ năng, mà còn là quá trình khám phá văn hóa và xây dựng những kết nối ý nghĩa giữa con người. Trong hành trình đó, AI có thể là một người bạn đồng hành đắc lực, nhưng vai trò dẫn dắt, truyền cảm hứng và nuôi dưỡng của người giáo viên vẫn giữ một vị trí trung tâm, không thể thay thế.

Đọc thêm