Hôm qua (22/9) TAND quận 1 (TP HCM) tuyên án vụ kiện chùa Ấn Độ giáo (số 66, Tôn Thất Thiệp) đòi hủy hợp đồng cho thuê khu đất tại số 122 đường Pasteur với Cty TNHH An Vượng.
Trước đó, như PLVN đã phản ánh, nhiều năm sau khi ký hợp đồng thuê, nhận gần đủ tiền thuê trong 10 năm nhưng không giao đất, nguyên đơn lại kiện đòi hủy hợp đồng với lý do theo khoản 2 Điều 117 Luật Đất đai 2003 (thời điểm ký hợp đồng là năm 2009 nên áp dụng Luật Đất đai 2003), “đất của cơ sở tôn giáo không được cho thuê”.
HĐXX chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của nguyên đơn, tuyên bố hợp đồng thuê đất vô hiệu, không chấp nhận phản tố của bị đơn về tiếp tục hợp đồng thuê đất, giao mặt bằng.
Tòa buộc bị đơn trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở cho nguyên đơn. Trường hợp bị đơn không trả thì nguyên đơn có quyền yêu cầu Sở TN&MT cấp lại.
Trước đó, trong vụ án này, có các chứng cứ cho thấy các ban ngành TW đều đã khẳng định khu đất trên được phép cho thuê, nguyên đơn biết rõ tình trạng pháp lý khu đất, biết rõ có cơ sở pháp luật để cho thuê khu đất...
Thứ nhất, trước khi cho An Vượng thuê, khu đất này đã từng được nguyên đơn cho thuê và được cơ quan chức năng xác nhận việc cho thuê là hợp pháp. Ngày 17/11/1998, UBND quận 1 có Văn bản 1452/CV-UB về thực hiện bản án dân sự của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM, theo đó khu đất được cho thuê để có kinh phí xây dựng chùa và chi phí thực hiện bản án phúc thẩm.
Thứ hai, trước khi ký hợp đồng cho thuê với An Vượng, ngày 8/12/2008, đại diện nguyên đơn là ông Mouttaya có Công văn 039/BQTCAG hỏi Vụ Chính sách & Pháp chế (Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ TN&MT). Ngày 16/12/2008, Tổng cục QLĐĐ có Công văn 332/BTNMT-CSPC trả lời, khu đất không thuộc đất tôn giáo dùng để thờ tự, mà là đất được sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp... mà không phải đất do Nhà nước giao không thu tiền sử dụng. Tổng cục xác nhận được phép cho thuê khu đất 122.
Tiếp theo, để đảm bảo tính pháp lý, ngày 17/12/2008, chính An Vượng cũng có văn bản hỏi Tổng cục QLĐĐ về vấn đề trên. Tổng cục QLĐĐ sau đó trả lời bằng Văn bản 370/TCQLĐĐ-CSPC ngày 22/12/2008: Khu đất 122 có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất theo Điều 50 Luật Đất đai 2003. Hai bên được phép thực hiện đăng ký cho thuê quyền sử dụng đất, công chứng hợp đồng thuê quyền sử dụng đất.
Thứ ba, sau khi ký hợp đồng và nộp hồ sơ vào Phòng Công chứng số 4, ngoài những văn bản như Bản án dân sự phúc thẩm, các công văn của Tổng cục QLĐĐ, quyết định cho thuê của UBND quận 1, xác nhận của Ban Tôn giáo – Dân tộc, Phòng công chứng số 4 đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ về công chứng hợp đồng trên. Cả Bộ và Sở Tư pháp đều khẳng định công chứng viên có thể công chứng hợp đồng thuê đất này.
Thứ tư, sau khi được UBND TP giao nhiệm vụ rà soát việc cho thuê đất tại số 122, ngày 19/8/2009, Sở Tư pháp có Văn bản số 2407/STP-BTTP gửi Sở TN&MT nêu rõ theo khoản 3 Điều 10 Nghị định 84/2007NĐ-CP, khu đất trên được phép cho thuê, và việc công chứng hợp đồng thuê là không trái luật. Ngày 19/1/2010, Sở TN&MT có Văn bản 440/TNMT-ĐKKTĐ gửi UBND TP HCM, khẳng định việc cho thuê là đúng.
Thứ năm, năm 2015, UBND TP HCM đã cấp sổ đỏ cho khu đất này với mục đích sử dụng ghi rõ: “Đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, hình thức thuê đất trả tiền hàng năm”.
Tuy nhiên, theo nhận định của TAND quận 1: “Các văn bản như trả lời của Tổng cục Quản lý đất đai, Bản án dân sự phúc thẩm, quyết định cho thuê của UBND quận 1, xác nhận của Ban Tôn giáo – Dân tộc không phải là giấy tờ thay thế giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, nên không thể được dùng để ký kết hợp đồng thuê và được công chứng”.
Ngay sau phiên tòa, đại diện bị đơn cho biết không đồng ý với những lập luận và phán quyết của bản án sơ thẩm và sẽ làm đơn kháng cáo đề nghị phúc thẩm vụ kiện.