Điện từ bã mía: Thắp sáng hàng chục vạn hộ gia đình

(PLO) - Tiềm năng kỹ thuật sản lượng điện của ngành mía đường Việt Nam ước tính vào khoảng 2.346.017 MWh, tương đương với lượng điện tiêu thụ hàng năm của 450.000 hộ gia đình tại Việt Nam. Nhưng tiềm năng này chưa được khai thác.
Nếu tái cơ cấu ngành mía đường hiệu quả, đến năm 2030, điện năng sản xuất từ bã mía có thể đạt 4,7 triệu MWh

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Các cơ hội đầu tư vào Dự án đồng phát năng lượng từ ngành mía đường Việt Nam” vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Nhiều lợi ích

Theo Quy hoạch phát triển điện VII điều chỉnh của Thủ tướng Chính phủ, năng lượng sinh khối sẽ chiếm 1% vào năm 2020, 2% năm 2030 vào tổng lượng điện sản xuất. Bã mía là nguyên liệu quan trọng để sản xuất điện sinh khối (cùng với rơm rạ, trấu, gỗ…).

Theo bà Sonia Lioret - Trưởng Dự án Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng (cơ quan Hợp tác Đức tại Việt Nam, GIZ), ngành công nghiệp mía đường Việt Nam hiện nay có vai trò quan trọng; từ lâu, phụ phẩm ngành này đã được sử dụng để sản xuất nhiệt và điện. Tuy nhiên, cách làm này chưa được tổ chức chuyên nghiệp và có quy mô.

Gần 100 MW điện từ bã mía đã hòa lưới

Hiện nay, ở Việt Nam, tổng công suất điện lắp đặt của các dự án năng lượng dùng bã mía tại 11 nhà máy đường đạt mức 351,6 MW, trong đó tính đến đầu năm 2017 có 99,9MW đang được nối lưới. Tiềm năng kỹ thuật về sản lượng điện của ngành mía đường ước tính vào khoảng 2.346.017 MWh, tương đương với lượng điện tiêu thụ hàng năm của 450.000 hộ gia đình tại Việt Nam. 

Ngành mía đường Việt Nam hiện đang ở giai đoạn giao thời, môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh, trong bối cảnh các rào cản về thuế quan trong khu vực ASEAN đang được giảm trừ. Do đó, để cạnh tranh và phát triển, một số nhà máy đường tự chủ động năng lượng bằng cách xây những nhà máy điện từ bã mía. Việc này vừa tiết kiệm được chi phí mua điện bên ngoài lại tận dụng được phụ phẩm do chính các nhà máy sinh ra. 

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đầu tư vào các dự án nhiệt điện đồng phát sử dụng bã mía là đầu tư nhiều mục đích: năng lượng, khí hậu, nông nghiệp và tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam”, bà Sonia Lioret cho biết.

Theo ông Phạm Ngọc Doanh - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, ngành này của Việt Nam đến nay có 41 nhà máy đường, công suất thiết kế khoảng 150 ngàn tấn/ngày, có thể sản xuất khoảng 2 triệu tấn đường, phân bổ đều ở các vùng sinh thái: Bắc - Bắc Trung bộ (11) miền Trung Tây Nguyên (14), Đông Nam bộ (6), Đồng bằng sông Cửu Long (8). Niên vụ  2016/2017 có 38 nhà máy đường sản xuất được hơn 13 triệu tấn mía, ép được gần 13 triệu tấn đường. Với nhiều nhà máy như vậy, lượng bã mía được sinh ra là rất lớn. Đây là nguyên liệu quan trọng có thể sản xuất điện năng.

Theo ông Doanh, nếu có giải pháp đồng bộ thực hiện tái cơ cấu hiệu quả thì đến năm 2030 sản lượng mía cả nước có thể sản xuất được 40 triệu tấn mía, khoảng 4,5 triệu tấn đường. Khi đó điện năng sản xuất từ bã mía có thể đạt 4,7 triệu MWh, tương ứng công suất phát điện 1.600 MW và lượng điện thương phẩm đưa lên lưới điện quốc gia có thể đạt 50 - 60%, đạt trên 2,8 triệu MWh, tương đương công suất đấu nối vào lưới điện quốc gia là 900MW. 

Hiện nay, để khuyến khích doanh nghiệp phát triển điện sinh khối, Chính phủ và Bộ Công Thương có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích. Cụ thể, Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/03/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam. Quyết định số 942/QĐ-BCT ngày 11/03/2016 của Bộ Công Thương ban hành biểu giá chi phí tính được áp dụng cho điện sinh khối và Thông tư số 44/2015/TT-BCT ngày 9/12/2015 của Bộ quy định về phát triển dự án, biểu giá chi phí tránh được và hợp đồng mua bán điện, mẫu áp dụng cho các dự án điện sinh khối. Đây là cơ sở hành lang pháp lý tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mía đường quan tâm đầu tư sử dụng bã mía sản xuất điện.

Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Theo dự đoán của Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, thời gian tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển các dự án điện từ bã mía. Tuy nhiên, hiện các các doanh nghiệp mía đường đang thiếu kỹ thuật, kinh nghiệm vận hành sản xuất điện. Ngoài ra, vốn để mở rộng, đầu tư các nhà máy điện từ bã mía cũng là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Theo lãnh đạo Hiệp hội Mía đường, nên có cơ chế riêng để các doanh nghiệp mía đường tiếp cận nguồn vốn tại ngân hàng khi đầu tư xây dựng nhà máy điện từ bã mía.

Theo đại diện GIZ, ngành mía đường Việt Nam đang chuẩn bị phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ, khi các nước ASEAN theo các thỏa thuận về thương mại trong khu vực sẽ giảm thuế nhập khẩu đường. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp mía đường đang tìm cách ứng dụng những công nghệ hiện đại trong quá trình sản xuất và tìm những nguồn doanh thu bổ sung, trong đó có nguồn thu từ bán điện thừa lên lưới điện quốc gia. Đây cũng là động lực để các doanh nghiệp chú ý phát triển điện từ bã mía.

Ông Adam Ward, Đại diện Quốc gia - Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2030 có 2% điện được cung cấp từ nguồn điện sinh khối. Điều này chỉ có thể đạt được khi có sự tham gia của khu vực tài chính tư nhân. 

Theo nghiên cứu của GIZ, hiện nay ở Việt Nam, tổng công suất điện lắp đặt của các dự án năng lượng dùng bã mía tại 11 nhà máy đường đạt mức 351,6 MW, trong đó tính đến đầu năm 2017 có 99,9MW đang được nối lưới. Tiềm năng kỹ thuật về sản lượng điện của ngành mía đường ước tính vào khoảng 2.346.017 MWh, tương đương với lượng điện tiêu thụ hàng năm của 450.000 hộ gia đình tại Việt Nam. 

Theo một số ý kiến, Việt Nam cần đẩy mạnh triển khai điện sinh khối. Hiện nay mỗi năm Việt Nam tăng hơn 11% nhu cầu sử dụng điện năng. Nhằm đáp ứng nhu cầu điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt thì bắt buộc công suất điện phải được tăng lên hàng năm.Trong khi hiện nay ở Việt Nam, tiềm năng thủy điện gần như đã khai thác cạn kiệt; nhiệt điện than dù ảnh hưởng đến môi trường nhưng vẫn phải được ưu tiên phát triển, nhưng than, dầu, khí là tài nguyên có hạn, khai thác ngày càng khó khăn. Năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió lớn và tính hiệu quả không cao. Trong bối cảnh đó, điện sinh khối được cho là giải pháp tốt để nâng cao sản lượng điện cho phát triển kinh tế và sinh hoạt. 

Đặc biệt, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên được ưu tiên phát triển. Đây là vùng có nhiều lợi thế về tài nguyên để phát triển điện sinh khối khi đây là khu vực trồng lúa lớn nhất cả nước, với diện tích chiếm 47% toàn quốc. Rơm rạ, trấu từ trồng lúa dồi dào để sản xuất điện. Ngoài ra, đây cũng được coi là vựa mía của cả nước, nơi có nhiều nhà máy mía đường công suất lớn đang hoạt động.

Doanh nghiệp có doanh thu bổ sung

Theo đại diện GIZ, ngành mía đường Việt Nam đang chuẩn bị phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ, khi các nước ASEAN theo các thỏa thuận về thương mại trong khu vực sẽ giảm thuế nhập khẩu đường. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp mía đường đang tìm cách ứng dụng những công nghệ hiện đại trong quá trình sản xuất và tìm những nguồn doanh thu bổ sung, trong đó có nguồn thu từ bán điện thừa lên lưới điện quốc gia. Đây cũng là động lực để các doanh nghiệp chú ý phát triển điện từ bã mía.

Đọc thêm