Một sự trùng lặp khác là cả hai “nhân vật chính” của cuộc tiễn đưa này đều là thủ trưởng, đứng đầu một đơn vị trong hai ngành rất đáng trọng nhưng cũng đang rất nhiều tai tiếng là y tế và giáo dục. Ông Viện trưởng về hưu, tức rời chức vụ của mình thôi, còn công việc chắc hẳn sẽ còn nhiều lần gặp gỡ với đồng nghiệp và thuộc cấp, thậm chí bệnh nhân của mình.
Ông Hiệu trưởng chỉ là chuyển sang trường khác ở cùng tỉnh Ninh Bình cũng vậy, sẽ còn gặp lại giáo viên và học sinh của mình, đâu có phải cách xa gì.
Thế mà, bao nhiêu lưu luyến, rất nhiều nước mắt và các cách thể hiện tình cảm khác nhau cho thấy con người đó được mọi người chung quanh kính trọng và yêu mến đến nhường nào. Có được tình cảm ấy là kết quả của một quá trình làm việc tận tụy, tư cách đạo đức mẫu mực, đối nhân, xử thế đàng hoàng và đặc biệt là con người đó phải sống rất tình người trong cái cơ quan mà mình làm lãnh đạo.
Sự biểu lộ tình cảm của thuộc cấp đối với thủ trưởng của mình như vậy trở nên đặc biệt vì nó quá hiếm trong cái thời buổi rất thịnh hành thói “nịnh trên, nạt dưới” và sẵn sàng lật đổ ghế của nhau. Mặt khác, thấy rõ ràng là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo không thiếu những người mẫu mực, được mọi người tin yêu, có cả tài lẫn đức. Có người theo chủ nghĩa hoài nghi cho rằng đó chỉ là “diễn” nhưng nhiều người, trong đó có người viết bài này, tin đó là những giọt nước mắt chân thành, tình cảm thật sự trong sáng và tự nhiên, đặc biệt, xuất phát từ những bệnh nhân và các em học sinh.
Cũng trong thời điểm này, dư luận chú ý đến hai trường hợp cúi đầu của ông Bí thư thành phố Vũng Tàu xin lỗi trước dân và của học sinh trường Lê Hồng Phong (TP. Hồ Chí Minh) cúi chào trước ông bảo vệ. Không có gì đặc biệt, các nguyên thủ quốc gia cũng cúi đầu xin lỗi nhân dân nước họ khi xảy ra một sự cố đáng tiếc của nước họ là điều bình thường cơ mà! Học sinh khoanh tay cúi chào ông bảo vệ già cũng vậy, đây là một hành vi biểu hiện sự lễ phép bình thường.
Tuy nhiên, hành vi đó trở nên đặc biệt, được quan tâm vì nó ít khi xảy ra trong xã hội chúng ta. Rõ ràng, cái cúi đầu xin lỗi của nguyên thủ quốc gia là biểu hiện của một nước có bề dày văn hóa truyền thống đáng nể và cái khoanh tay chào hỏi lễ phép của học sinh cũng là một quá trình của giáo dục trong một nhà trường cụ thể.
Các hành vi ứng xử tuân theo đạo lý lẽ ra phải là cách ứng xử thông thường, phổ biến trong xã hội thì lại trở nên đặc biệt. Đó chính mới là điều đáng phải suy nghĩ và tìm cách thay đổi, tạo dựng môi trường để cái “tốt” như phát hiện của rơi thì tìm người đánh mất mà trả lại trở thành cái phổ biến, bình thường, ai cũng hành động như vậy trong xã hội chúng ta./.