Điều cần biết về liều bổ sung và liều nhắc lại vaccine phòng COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Dù vaccine có thể giảm khả năng chống lại việc nhiễm SARS-CoV-2 theo thời gian, nhưng vẫn ngăn ngừa bệnh nặng lâu dài. Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM dẫn tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, việc tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại vaccine phòng COVID-19 là cần thiết.
Điều cần biết về liều bổ sung và liều nhắc lại vaccine phòng COVID-19

WHO định nghĩa về 2 liều vaccine này:

Liều nhắc lại vaccine phòng COVID-19 là liều vaccine được sử dụng cho những người đã hoàn thành đủ số mũi tiêm cơ bản theo hướng dẫn của nhà sản xuất vaccine (có thể là một hoặc hai liều vắc xin COVID-19 tùy thuộc vào loại vắc xin). Mục tiêu của liều nhắc lại này là khôi phục hiệu quả của vắc xin mà từ đó được coi là không còn đủ hiệu quả bảo vệ nữa.

Liều bổ sung vaccine phòng COVID-19: Có thể cần thêm liều bổ sung của vắc-xin cho những người mà tỷ lệ đáp ứng miễn dịch được coi là không đủ sau khi đã tiêm đủ số mũi tiêm của liều cơ bản. Mục tiêu của liều bổ sung này là tối ưu hóa hoặc tăng cường đáp ứng miễn dịch để thiết lập mức hiệu quả bảo vệ đủ để chống lại COVID-19. Đặc biệt, đối với những người bị suy giảm miễn dịch hay người cao tuổi thường không đạt được phản ứng miễn dịch đủ để bảo vệ sau khi đã tiêm đủ số mũi vắc xin cơ bản.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Mỹ) cho biết trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 11/2021, một loạt các khuyến nghị đối với việc tiêm liều vaccine bổ sung cho những người bị suy giảm miễn dịch và một liều nhắc lại cho những người từ 18 tuổi trở lên đã được phê duyệt. Nguyên nhân do sự ra đời của biến thể B.1.617.2 (Delta) có khả năng lây nhiễm cao và sự tăng lên của các ca nhập viện và tử vong ở người từ 65 tuổi trở lên tại Hoa Kỳ. Do đó, việc tiêm liều bổ sung và nhắc lại này sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, khả năng chống lại bệnh, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong do COVID-19.

Ngày 13/8/2021, các chuyên gia của CDC Mỹ đã khuyến nghị về liều bổ sung rằng, những người nhận vaccine mRNA COVID-19 (Pfizer-BioNTech hoặc Moderna) cần được tiêm thêm một liều bổ sung tương đồng ≥ 28 ngày sau mũi thứ hai.

Từ tháng 9 đến tháng 11/2021, các chuyên gia cũng khuyến nghị về liều nhắc lại. Theo đó, các chuyên gia khuyến cáo rằng tất cả những người từ 18 tuổi trở lên cần tiêm một liều nhắc lại sau khoảng thời gian khuyến cáo tối thiểu kể từ khi hoàn thành liều tiêm chủng chính:

Một liều nhắc lại từ 6 tháng trở lên sau khi tiêm mũi 2 vaccine Pfizer-BioNTech hoặc Moderna;

Một liều nhắc lại từ 2 tháng trở lên sau khi tiêm 1 mũi vaccine Janssen;

Tất cả những người đủ điều kiện có thể tiêm một liều nhắc lại của một loại vaccine khác.

Việc đưa ra các khuyến cáo về liều bổ sung và nhắc lại có thể phụ thuộc vào nhiều tiêu chí, chẳng hạn như loại vaccine, lịch tiêm, tuổi và/hoặc tình trạng y tế của người nhận vaccine, nguy cơ phơi nhiễm và sự lưu hành của các biến thể. Ngoài lâm sàng và dịch tễ học, quyết định đề nghị một liều vắc xin bổ sung hay nhắc lại còn phụ thuộc vào các khía cạnh về chiến lược, chương trình quốc gia và nguồn cung cấp vắc xin trên toàn cầu. Trong đó, cần ưu tiên phòng chống bệnh nặng.

Ngày 1/12/2021, Bộ Y tế có công văn về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại. Qua đó khẳng định tầm quan trọng của việc tiêm đủ liều vaccine cơ bản và quy định các liều tiêm bổ sung và nhắc lại phù hợp với tình hình tại Việt Nam dựa trên cơ sở theo khuyến cáo của các chuyên gia và kinh nghiệm sử dụng vaccine của các nước trên thế giới.

Đọc thêm