Điều chỉnh giá dịch vụ y tế từ 1/7: Có ảnh hưởng lớn tới người dân?

(PLVN) - Từ ngày 1/7/2019, bên cạnh việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, Bộ Y tế sẽ ban hành hướng dẫn việc xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các bệnh viện công. Với việc điều chỉnh giá này, rất nhiều người dân tỏ ra lo lắng vì viện phí sẽ tăng. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều người lo lắng

Sau khi có thông tin của Bộ Y tế về việc sẽ tăng hơn 1900 dịch vụ y tế, phần lớn người được hỏi đều tỏ ra băn khoăn, lo lắng trước việc tăng giá viện phí cũng như những dịch vụ liên quan. Chị Nguyễn Thị Lan Hương - nhân viên văn phòng (trú tại Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi chỉ là nhân viên tại một công ty tư nhân, lương ở mức vừa phải. Trong khi rất nhiều các khoản chi phí tăng liên tục như điện, nước, xăng dầu... rồi y tế cũng tăng nên tôi lo lắng khi đi khám bệnh và điều trị tại bệnh viện.

Theo tôi việc tăng giá dịch vụ y tế chắc chắn sẽ tăng thêm gánh nặng trong việc điều trị bệnh. Đặc biệt là đối với các gia đình có người thân mắc bệnh hiểm nghèo hay bệnh khó điều trị, đòi hỏi thường xuyên phải đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh thì nỗi lo càng lớn”.

Cùng tâm trạng, anh Hoàng Tiến Dương (thân nhân của một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay: “Gia đình tôi có mua bảo hiểm y tế đầy đủ nhưng để nhanh gọn nên thường lựa chọn gói khám dịch vụ. Con tôi lại hay đau ốm, thường xuyên phải đến bệnh viện điều trị nên với thông tin tăng phí dịch vụ y tế, tôi cũng rất lo lắng.

Nếu bắt buộc vẫn phải tăng phí y tế trong năm 2019 này, tôi nghĩ cần phải điều chỉnh và nâng cấp cả cơ sở vật chất, đặc biệt là đối với gói khám theo dịch vụ. Người dân sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi họ phải bỏ tiền ra nhiều hơn nhưng vẫn nhận lại được sự phục vụ cũng như trang thiết bị tốt hơn, tương đương viện phí mà họ phải trả. Đối với các gia đình thường xuyên đi khám chữa bệnh tại viện hoặc những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, theo tôi cần có một chính sách riêng cho họ”.

Điều chỉnh giá căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội

Nắm bắt được tâm lý lo ngại của người dân trong việc điều chỉnh phí dịch vụ y tế, cũng như trong hoàn cảnh giá điện, xăng trên thị trường tăng nhanh, đầu tháng 5/2019, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị các địa phương tạm dừng việc tăng giá dịch vụ y tế không thuộc phạm vi thanh toán của bảo hiểm. 

Theo Bộ Y tế, mặc dù chỉ còn 12% người dân chưa tham gia bảo hiểm y tế, nhưng do tình hình xăng dầu, điện đang tăng, nếu các địa phương tiếp tục tăng giá dịch vụ y tế, có thể làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của địa phương tăng cao. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị những địa phương chưa ban hành Nghị quyết tăng giá dịch vụ y tế thì tạm dừng, chờ thời điểm thích hợp. Bên cạnh đó, Bộ này cũng đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai các giải pháp đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ khi thực hiện tăng viện phí.

Đến đầu tháng 7/2019, thực hiện Nghị định số 72 năm 2018 của Chính phủ về điều chỉnh mức lương cơ sở lên 1.390.000 đồng (có hiệu lực từ 1/7), giá dịch vụ y tế theo đó được điều chỉnh tăng theo. Cụ thể, giá tối đa dịch vụ khám bệnh dao động từ 26.000 đồng đến dưới 40.000 đồng. Giá dịch vụ hội chẩn để xác định ca bệnh khó có mức tối đa là 200.000 đồng.

Theo ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), việc điều chỉnh giá sẽ căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng và điều kiện kinh tế - xã hội, nếu điều kiện khó khăn, chưa thuận lợi, Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Điều hành giá để xem xét, lùi thời gian thực hiện giá dịch vụ y tế tính đủ các yếu tố sẽ được thực hiện vào năm 2021 thay vì năm 2020.

Với việc điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 100.000 đồng thì giá dịch vụ y tế dự kiến được điều chỉnh trong năm 2019 hầu như không có sự thay đổi nhiều. Đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, các huyện đảo, xã đảo, người có công với cách mạng, thân nhân là cha - mẹ - vợ - chồng - con của người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội... khi đi khám chữa bệnh được bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí điều trị nên với các đối tượng này không bị ảnh hưởng bởi việc tăng viện phí.

Bên cạnh đó, trong tháng 7 tới, Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập. Bộ này cũng sẽ ban hành giá trần và các bệnh viện sẽ không được áp giá vượt trần nếu cơ sở khám chữa bệnh theo yêu cầu có sử dụng một phần cơ sở vật chất từ ngân sách đầu tư. Hoặc bệnh viện được quyền tự quy định giá nếu tự vay vốn đầu tư và chỉ sử dụng đất trong khuôn viên bệnh viện.

Bộ Y tế đánh giá việc triển khai mô hình dịch vụ theo yêu cầu sẽ khuyến khích cơ sở y tế đầu tư các khu khám bệnh theo yêu cầu, xây dựng, cải tạo nâng cấp một số buồng bệnh có điều kiện dịch vụ tốt hơn (phòng có 1-2 giường, có trang bị tivi, tủ lạnh, nhiều nơi cung cấp cả suất ăn tại giường) đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân, nhất là các đối tượng có khả năng chi trả.

Đối với người bệnh, mô hình này cũng giúp người dân, kể cả người nghèo, cận nghèo, trẻ em, đối tượng chính sách xã hội cũng hưởng lợi vì được sử dụng các dịch vụ theo yêu cầu, kể cả dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn và được bảo hiểm y tế thanh toán.

Đọc thêm