Theo đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Hòe Nhai, số 19 phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, TP. Hà Nội, hạng mục: điều chỉnh nhà Giảng đường.
Tuy nhiên, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lưu ý: Nghiên cứu giảm chiều cao công trình hạng mục nhà Giảng đường để đảm bảo tương quan chung với các công trình xung quanh, đặc biệt là các công trình có sẵn trong khuôn viên chùa theo hướng: tầng 1 giảm chiều cao thông thủy từ 3,9m xuống 3,6m, tầng áp mái giảm chiều cao thông thủy từ 2,83m xuống 2,53m.
Đồng thời, sử dụng đề tài "sắc không" để trang trí trên các cửa sổ (không trang trí đề tài "chữ Thọ"). Không đắp kìm bờ nóc và không thiết kế "hổ phù" đắp trên hai đầu hồi công trình.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có ý kiến để UBND TP. Hà Nội biết và chỉ đạo cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ Dự án, công bố công khai nội dung điều chỉnh để tạo sự đồng thuận trước khi triển khai các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật.
Chùa Hòe Nhai hay còn gọi là chùa Hồng Phúc hiện nay ở số nhà 19 phố Hàng Than. Ngôi chùa vốn được xây dựng từ đầu thế kỷ XI, nhưng chùa Hòe Nhai đã bị chiến tranh tàn phá, mãi đến cuối thế kỷ XVII, có bà bào mẫu của vua Lê Hy Tông quê ở phường này đứng ra xây dựng lại, rồi mời Hòa thượng Thủy Nguyệt - Vị tổ thứ nhất của phái Tào động đến trụ trì.
Chùa Hòe Nhai tọa lạc trên một khu đất vuông vắn, ngoài cùng là Tam quan xây cột trụ không mái. Trước sân chùa có hai tháp kỷ niệm các nhà sư đã viên tịch và chếch về góc trái trước chùa có thấp Ấn Quang mới xây năm 1963 để tưởng niệm Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ở Sài Gòn nhằm tố cáo tội ác của Mỹ - Ngụy.
Mặt bằng kiến trúc của chùa hình chữ "công", phía trước là hai Bái đường liền mái với nhau, mỗi nhà có 5 gian; phía sau là nhà Tổ gồm 7 gian và kề ngay đó có ngôi nhà 13 gian, trước đây gọi là "Kinh viện" (Nhà để kinh sách).
Năm 2007, sau khi thu hồi được từ 13 hộ gia đình cán bộ thuộc đội 5 đường sắt sử dụng, toàn bộ nhà kinh viện chùa Hòe Nhai đã được tu bổ trên cơ sở bảo tồn, tôn tạo các hình thức kiến trúc đặc trưng hiện có của chùa như lát nền, xây bờ nóc, đắp hoa văn, xây tường và móng, các kết cấu gỗ được thay thế bằng gỗ lim với tổng kinh phí là 7 tỷ đồng; đến nay nhà kinh viện chùa Hòe Nhai đã được đưa vào sử dụng, góp phần phục vụ nhân dân địa phương, du khách thập phương thăm viếng. Ngoài ra, phía bên trái nhà Tổ còn có nhà kho và nhà bếp. (nguồn: badinh.hanoi.gov)