Điều chưa biết sau vụ nhà báo tìm công lý cho người chết oan

Sự việc sẽ rơi vào vòng im lặng rồi "chìm xuồng" nếu không có sự may mắn từ cuộc điều tra về đường dây buôn bán người lao động của Xa lộ Pháp luật (XLPL). Sự việc khởi đầu từ một cuộc điện thoại kêu cứu qua đường dây nóng.

[links()]Giờ đây cái tên Sơn Bồ Rót đã xuất hiện trên rất nhiều tờ báo, nhưng cách đây hơn tháng, ngày 26/5/2013, sau khi Rót chết khi bơi qua hồ Cần Nôm để thoát khỏi trại cưa, không ai biết về Rót, kể cả Công an huyện Dầu Tiếng. Khi bước vào xưởng gỗ của ông Phong, mọi người đều bị thu giữ giấy tờ tùy thân. Rót được gọi là Sơ Ri.

Nhà báo không chỉ là cái máy ghi chép

Sự việc sẽ rơi vào vòng im lặng rồi chìm xuồng nếu không có sự may mắn từ cuộc điều tra về đường dây buôn bán người lao động của Xa lộ Pháp luật (XLPL). Sự việc khởi đầu từ một cuộc điện thoại kêu cứu qua đường dây nóng.

Gia cảnh thương tâm của nạn nhân Sơn Bồ Rót

Từ những thông tin này, nhóm phóng viên XLPL đã thâm nhập giả làm người lao động, chấp nhận bị bắt, đưa đi từ TP.HCM lên Lâm Đồng, phải đóng tiền chuộc mạng để được trả tự do.

Cũng từ đó, phóng viên lần đến huyện Đức Trọng, điểm nóng của đường dây này, để tìm hiểu sự việc và yêu cầu công an huyện vào cuộc giải thoát cho 10 lao động khác bị giam giữ.

Chiều 31/5, phóng viên bí mật gặp vợ chồng anh Sơn Cầm Bộ, người dân tộc Khmer, đang làm công nhân “ép xác” cho một công ty tại đây có tên Lâm Đài, nhưng hơn một tháng mà không được phát lương.

Qua nói chuyện, Bộ kể có một người bạn tên Sơn Bồ Rót làm công nhân ở huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) tình cảnh còn thê thảm hơn mình nhiều. Một hôm, đã lâu không liên lạc nên Bộ bấm gọi điện thoại cho Rót. Bất ngờ một giọng bắt máy hết sức xa lạ, báo tin chủ số điện thoại Bộ gọi đã chết rồi.

Bộ hỏi lại: “Tại sao chết? Bạn nào chết được? Giỡn hả?”. Người bên kia đáp là công an huyện, khẳng định bạn của Bộ đã chết cách đó 3 ngày mà không biết người nhà ở đâu để thông báo.

Bộ liền gọi điện về nhà nhờ người chạy tới báo tin cho gia đình bạn đến nhận xác về chôn cất.

Mười lăm phút sau đó, nhóm phóng viên thường trú tại TP.HCM tức tốc lên đường tìm về một địa danh lần đầu nghe tên: Hồ Cần Nôm ở Bình Dương. Thông tin thu được khủng khiếp hơn nhiều: Có dấu hiệu cho thấy ông chủ tên Trần Tấn Phong cản trở việc cứu Rót lúc người này sắp chết chìm giữa hồ khi bỏ trốn.

Hàng chục cán bộ, phóng viên, nhân viên của XLPL đồng thời cùng lúc chia làm 3 ngả. Một nhóm lên Tây Nguyên phối hợp cùng cơ quan chức năng giải cứu những lao động bị giam giữ trong đường dây buôn người, một nhóm về Bình Dương điều tra sự việc cái chết bất thường khi nạn nhân “vượt ngục”. Một nhóm lặn lội xuống tận Cà Mau thu thập chứng cứ từ nhân chứng là bạn của Rót đã tận mắt thấy cảnh bạn mình chết tức tưởi.

Nhóm phóng viên thường trú tại Cần Thơ tìm xuống gia đình nạn nhân là nặng lòng hơn cả. Họ kể lại đã sững người hồi lâu trước gia cảnh nạn nhân nghèo đến mức bàn thờ không có nổi tấm di ảnh, đám tang nạn nhân gia đình không có nổi một đồng, cả xóm xúm vào góp mỗi người từ vài ngàn đồng lẻ…

Báo chí không chỉ phản ánh đơn thuần, mà báo chí còn phải đấu tranh tiêu diệt cái ác, bảo vệ người yếu thế, bảo vệ công bằng pháp luật, hướng cuộc sống đến những giá trị nhân văn. Nhà báo không chỉ là những cái máy ghi chép, nhà báo cũng là một con người có trái tim.

Trước gia đình cùng khổ này, trước cái chết oan ức của người nghèo cùng khổ, XLPL quyết tâm không chỉ thông tin đơn thuần mà phải xắn tay vào cuộc, kêu gọi bạn đọc hỗ trợ về vật chấtm bảo trợ pháp lý cho gia đình, đấu tranh làm rõ nguyên nhân cái chết và trách nhiệm của những người liên quan. Ngày 12/6/2013, gia đình nạn nhân làm đơn gửi đến XLPL nhờ giúp đỡ.

Hành trình thu thập chứng cứ

Pháp luật lao động hoàn toàn không trói buộc phải làm cho đến hết hợp đồng, bởi quan hệ lao động là quan hệ thuận mua, vừa bán sức lao động, chủ và người làm công có quyền ngang nhau, nếu một bên vi phạm hợp đồng thì bên kia cứ việc kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại.

Đơn của gia đình nạn nhân gởi Xa lộ Pháp luật

Giam giữ để lao động phải “bỏ trốn” mất mạng thì rõ ràng mối quan hệ này “có vấn đề”. Chưa hết, lời của hai nhân chứng trực tiếp cho thấy có dấu hiệu Phong đã phạm tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Mẹ Rót đã già, chữ nghĩa không bao nhiêu, em trai Rót bị mù, nhà cửa neo đơn, trong cảnh hoạn nạn càng cần sự giúp đỡ hơn. Nhưng để tố cáo tội phạm, cần phải có chứng cứ, không thể nói suông.

XLPL đã tìm gặp bằng được hai nhân chứng trực tiếp là người bạn tên Phong và chị Đẹp để phỏng vấn, ghi âm, nhằm làm rõ mức độ vi phạm của nghi phạm.

Một đồng nghiệp báo bạn cũng góp công cung cấp đoạn băng ghi âm ông chủ xưởng cưa dụ dỗ, mua chuộc nhân chứng trực tiếp Phong khai gian…

Tất cả các tư liệu này đều được chuyển đến Văn phòng luật sư Người Nghèo (TP.HCM), nơi nhận bảo vệ miễn phí cho gia đình nạn nhân. Luật sư Lê Quang Vũ, người được phân công vụ này, hướng dẫn phải kiếm bằng được đoạn ghi âm gốc dụ dỗ, mua chuộc nhân chứng, vì đây sẽ là chứng cứ hết sức quan trọng của vụ án. Chiếc điện thoại của nhân chứng Phong dùng để ghi âm ngay lập tức được bàn giao.

Hồ sơ đã hoàn tất. Một ngày trước khi đối tượng chủ xưởng cưa bị bắt, XLPL đã nhận được đơn của mẹ nạn nhân, nội dung yêu cầu khởi tố chủ xưởng cưa về hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, nhờ chuyển đến Công an huyện Dầu Tiếng.

Tất cả các công đoạn chuẩn bị bảo vệ pháp lý cho gia đình nạn nhân và nhân chứng đều đã chu tất. XLPL cũng đã tính đến việc sẽ có biện pháp bảo đảm an toàn cho các nhân chứng khi cơ quan điều tra mời đến lấy lời khai.

Dù công an đã bắt giữ chủ xưởng cưa về tội giam giữ người trái pháp luật, nhưng hành trình đề nghị làm rõ tội danh không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng vẫn còn tiếp diễn.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm