Diệu Thảo được công chúng biết đến nhiều với vai trò là diễn viên, MC dễ thương của truyền hình, nhưng ít người biết rằng cô là một nghệ sĩ biểu diễn đàn tỳ bà điêu luyện, một giảng viên về âm nhạc dân tộc.
Tại sao em lại chọn cây đàn tỳ bà để gắn bó, nó phải chăng là duyên nghiệp, kỷ niệm hay sự ngẫu hứng, bắt buộc?
- Có lẽ đàn tỳ bà đã chọn em. Ngày em còn bé, ba mẹ định cho em học một số môn để rèn luyện sức khoẻ, năng khiếu và có môi trường tập thể như học võ, học vẽ, học cắm hoa, học thêu thùa, may vá, đan lát, nữ công gia chánh... Nhưng cái duyên đến lúc nào em cũng chẳng biết nữa. Năm đó đúng vào đợt tuyển sinh, cô Mai Phương (nay là NSND Mai Phương), giảng viên đàn tỳ bà nhìn thấy em bé tẹo, chăm chỉ vào trường hàng tuần liền ngỏ ý nói với mẹ em: “Hay là cho con bé thi vào chuyên nghiệp đi, đàn tỳ bà năm nay có một chỉ tiêu”. Và chỉ sau một tuần tập luyện, em đã chính thức bén duyên với cây đàn tỳ bà.
Những ngày đầu đi học, em cũng chưa hẳn đã thực sự hiểu, thực sự yêu cây đàn này. Nhưng rồi tháng ngày qua đi, sự gắn bó, sự thăng trầm, niềm vui, nỗi buồn gắn liền với cây đàn đã tạo cho em có một cái nhìn đặc biệt hơn về cây đàn tỳ bà. Và đến giờ em đã gắn bó với cây đàn như một phần không thể thiếu trong cuộc đời mình.
Người ta biết đến em với quá nhiều vai trò, diễn viên, mc, sản xuất chương trình âm nhạc dân tộc... nhưng công chúng biết đến em ở vai trò mc và diễn viên nhiều hơn là một nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Có phải âm nhạc dân tộc chưa thu hút được công chúng?
- Quả thật đàn tỳ bà không phải ai cũng biết đến, cũng yêu thích. Đôi khi em tự nhủ rằng khán giả biết đến em với vai trò diễn viên, MC đó cũng là một may mắn để mà hy vọng rằng, họ quan tâm đến mình thì họ sẽ dành một chút thời gian quan tâm đến đam mê của em đó là cây đàn tỳ bà, từ đó khán giả có thể nhận thấy cái hay, cái đẹp cũng như những lợi thế của cây đàn để mà yêu thương nó (một chút thôi cũng được).
Thành lập nhóm nhạc về âm nhạc dân tộc, đó có phải tham vọng của Thảo là mang âm nhạc Việt đi khắp nơi trên thế giới?
- Nhóm nhạc dân tộc Thăng Long đã lưu diễn nhiều nơi trên thế giới. Điều may mắn là nhóm được bạn bè quốc tế rất quan tâm, ủng hộ và yêu thích. Đó có lẽ là điều may mắn và cũng là nguồn động lực để các thành viên trong nhóm tiếp tục nỗ lực và duy trì hoạt động. Các thành viên trong nhóm luôn cố gắng hết mình để âm nhạc Việt Nam được biết đến, được khán giá quốc tế yêu mến và quan tâm.
Có những chuyến đi phải di chuyển liên tục từ nước này sang nước khác, vừa xuống đến sân bay là lên xe ra thẳng sân khấu, diễn xong đến đêm nghỉ và sáng sớm hôm sau lại lên đường bay sang nước khác. (Thậm chí phải ngồi tại sân bay trong lúc chờ đợi để trang điểm, khi đến điểm diễn là lên sân khấu luôn). Và nhóm cứ miệt mài như thế, tuy mệt mỏi nhưng luôn vui và hạnh phúc khi được khán giả đón nhận.
Tại sao tiếng đàn tỳ bà lại làm em mê mẩn vậy? Vì ngoài chơi đàn em còn sáng tác cho nhạc cụ này?
- Em không hẳn là mê mẩn đàn tỳ bà đâu. Em yêu thương cây đàn này thì đúng hơn. Cây đàn như người bạn tri kỷ với em những lúc buồn, vui, cho em những phút giây thăng hoa trên sân khấu, cho em một người bạn lặng thầm luôn ở bên mình. Còn thương cây đàn tỳ bà vì nó trải qua quá nhiều thăng trầm dù rằng nó rất đẹp, tiếng đàn rất hay, nhưng đã phải trải qua rất nhiều sóng gió cây đàn mới tồn tại đến ngày nay.
Như anh thấy, đàn tỳ bà đã đi vào thơ ca, vào văn học, là điểm nhấn trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tiếng đàn được mô tả “Trong như tiếng hạc bay qua, đục như nước suối mới sa nửa vời”. Để nói về đàn tỳ bà thì có quá nhiều cái hay, cái đẹp mà chỉ mấy câu vỏn vẹn không thể kể hết. Em đã yêu thương cây đàn nên sẽ nuôi dưỡng tình yêu này bằng tất cả những gì mình có thể, vì vậy việc sáng tác cũng chỉ là một trong những việc em làm cho cây đàn này mà thôi.
Chắc chắn người yêu của em cũng phải là người tri âm với em về âm nhạc?
- Tình yêu là một phần của cuộc sống. Thật may mắn nếu ai đó tìm được bạn tri âm, người nghệ sỹ tìm tri kỷ đồng điệu về tâm hồn và tình yêu âm nhạc. Em sống với tâm niệm rằng mình luôn yêu thương, yêu trẻ nhỏ, yêu cây đàn, yêu người thân, yêu ngay cả những thứ xung quanh mình, và luôn học cách để yêu thương. Một tâm hồn bao dung, cao thượng, nhân hậu chắc có lẽ sẽ là tri kỷ của em…
Xin cảm ơn em về cuộc trò chuyện này!