Điều tra viên thay chứng cứ để "khoác tội" cho bị can?

Những chứng cứ chứng minh Vũ Đức Anh không có ý thức chiếm đoạt xe ô tô bị bỏ qua và thay vào đó là lời khai thiếu căn cứ của anh Nguyễn Văn Phiên. Anh Phiên khai rằng “Đức Anh tự lái xe đi, sau đó mang “cắm” lấy tiền” và lời khai này trở thành chứng cứ buộc tội...

Nhiều chứng cứ mâu thuẫn không được cơ quan điều tra làm rõ nhưng TAND quận Kiến An vẫn buộc tội bị can dẫn đến cấp phúc thẩm phải hủy án để điều tra lại.

Lừa đảo?

Ngày 23/11/2009, Vũ Đức Anh (sinh năm 1980) đến Cty CP thương mại Thành Công có trụ sở tại quận Kiến An, TP.Hải Phòng để thuê xe ô tô. Tuy nhiên, do Vũ Đức Anh không có bằng lái xe nên công ty không cho thuê. Vì vậy, Vũ Đức Anh đã nhờ anh Nguyễn Văn Phiên sử dụng bằng lái xe của anh Phiên và sổ hộ khẩu gia đình ông Vũ Khắc Phê (bố Đức Anh) để thuê xe giúp Đức Anh trong thời gian một ngày.

Sau khi thuê được xe, Vũ Đức Anh đã nhờ một người bạn là anh Đào Duy Thành lái xe đi Vĩnh Phúc. Vũ Đức Anh cũng nhắn tin cho anh Phiên với nội dung sẽ mang trả xe thuê vào ngày 24/11. Tuy nhiên, tại Vĩnh Phúc, do chơi trò “đề đóm” với một người bạn và thua bạc nên Vũ Đức Anh đã bị anh Vũ Mạnh Thắng, trú tại TP. Vĩnh Yên bắt viết giấy “cầm xe” để đảm bảo trả nợ. Do không mang xe về trả đúng hạn, Vũ Đức Anh đã gọi điện nhờ bạn là chị Đào Thị Vân đưa cho anh Nguyễn Văn Phiên 1 triệu đồng để trả tiền thuê xe do bị kéo dài thời hạn một ngày.

Sau khi bị giữ xe, Vũ Đức Anh đã gọi điện cho mẹ bà Nguyễn Thị Kim Oanh thông báo sự việc và nhờ bà Oanh báo cho Công an quận Kiến Anh biết sự việc để giúp thu hồi lại chiếc xe đang bị giữ tại TP.Vĩnh Yên. Bà Oanh đã báo tin cho Công an Quận Kiến An và cơ quan này đã thu hồi chiếc xe của Cty Thành Công bị anh Vũ Mạnh Thắng cầm giữ.

Sau khi thu hồi chiếc xe này, Vũ Đức Anh đã bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 21/4/2011, TAND quận Kiến An đã xét xử vụ án và tuyên phạt Vũ Đức Anh 8 năm tù giam.

Hồ sơ vụ án bị làm sai lệch, bị cáo bị hàm oan?

Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 10/11/2011, TAND TP.Hải Phòng đã làm rõ nhiều bất thường trong hồ sơ vụ án và thấy việc buộc tội đối với Vũ Đức Anh là sai. Theo nhận định của HĐXX phúc thẩm, lời khai của bị cáo và các nhân chứng mâu thuẫn với nhau nhưng CQĐT không cho đối chất để làm rõ sự việc.

Anh Đào Duy Thành là nhân chứng quan trọng đã khẳng định có việc Đức Anh đánh đề và bị giữ xe. Lời khai này phù hợp với những gì Đức Anh trình bày cũng như nhiều tình tiết khách quan khác của vụ án. Song, những chứng cứ quan trọng này lại không được sử dụng.

Tòa cấp phúc thẩm cũng nhận định, CQĐT chưa làm rõ khả năng trả nợ của Đức Anh; chưa có chứng cứ vững chắc về việc Đức Anh bỏ trốn cũng như chưa làm rõ được ‎ ý thức chiếm đoạt tài sản của bị cáo. Với những vấn đề mấu chốt của vụ án chưa được chứng minh như tòa án cấp phúc thẩm phân tích thì việc buộc tội Đức Anh là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là không có cơ sở.

Không chỉ nội dung vụ án có dấu hiệu “hình sự hóa” quan hệ dân sự, quá trình điều tra vụ án, CQĐT, VKS cũng mắc nhiều lỗi tố tụng đặc biệt nghiêm trọng. Theo Luật sư Trần Hồng Lĩnh, người bào chữa cho bị cáo, trong quá trình điều tra, điều tra viên đã loại bỏ nhiều chứng cứ chứng minh bị cáo không có tội và thay bằng nhiều chứng cứ bất lợi cho bị cáo, đó là những nội dung liên quan đến việc Vũ Đức Anh nhờ bạn trả tiền thuê xe, thông báo cho gia đình biết việc bị giữ xe và nhờ công an can thiệp và những nội dung mà gia đình Vũ Đức Anh cùng Vũ Mạnh Thắng (người giữ xe) bàn bạc để gia đình Vũ Đức Anh lấy xe về trả cho Cty Thành Công.

Những chứng cứ chứng minh Vũ Đức Anh không có ý thức chiếm đoạt xe ô tô đã bị bỏ qua và thay vào đó là lời khai thiếu căn cứ của anh Nguyễn Văn Phiên. Nhân chứng này khai rằng “Đức Anh tự lái xe đi, sau đó mang “cắm” lấy tiền” và lời khai này trở thành chứng cứ buộc tội.

Những vi phạm tố tụng mà luật sư nêu ra cũng được TAND TP. Hải Phòng nhận định trong bản án phúc thẩm. Theo đó, CQĐT có nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng, như: trong lệnh bắt khẩn cấp ngày 8/12/2009 ghi rõ địa điểm bắt giữ là trụ sở Công an quận Kiến An, khi Đức Anh được gia đình đưa đến đến trình diện và Đức Anh không chống đối gì. Nhưng ngày 14/10/2010, những người tham gia bắt Đức Anh lại có văn bản trình bày là bắt giữ Đức Anh tại… quán cà phê và đối tượng đã chống đối quyết liệt bằng kéo. Như vậy, đã có sự “làm xấu” hình ảnh của bị can này vì mục đích gì?.

Tòa cấp phúc thẩm cũng chỉ ra sai phạm trong việc phân công điều tra viên, thu giữ vật chứng, việc xác minh lý lịch của Vũ Mạnh Thắng có dấu hiệu “làm giả” tên cảnh sát khu vực Nguyễn Minh và hiện trường vụ án cũng bị làm sai lệch... Tất cả những vi phạm trên làm ảnh hưởng đến sự khách quan của vụ án. Nên, ngoài việc “rút kinh nghiệm” thì vụ án này phải được điều tra lại. Vì thế, TAND TP Hải Phòng đã hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Một vụ án nhỏ nhưng đã gần 3 năm chưa giải quyết xong và nguy cơ oan sai đối với bị can là hiện hữu. Chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Văn Kiên, VPLS Ánh Sáng Công L‎ý để làm rõ hơn những điểm dễ gây oan sai trong vụ án này.

Thưa Luật sư, trong những vụ án xâm phạm quyền sở hữu tài sản thì nội dung nào của vụ án dễ gây oan sai đối với bị can, bị cáo?

- Các tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản có hai nhóm, đó là nhóm xâm phạm quyền sở hữu có tính chiếm đoạt và nhóm xâm phạm quyền sở hữu không có tính chiếm đoạt. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nằm trong nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu có tính chiếm đoạt.

Để chứng minh được tội phạm này, CQĐT phải chứng minh ‎ý thức và hành vi “chiếm đoạt” tài sản. Trong nhiều vụ án, CQĐT đã sai lầm trong việc chứng minh ‎ ý thức và hành vi chiếm đoạt dẫn đến khởi tố, truy tố sai. Đây là nội dung dễ gây oan sai nhất và hầu như các vụ án oan trước đây đều do sai lầm trong việc chứng minh nội dung này.

Trong vụ án này, theo ông, việc mang xe thuê để “cầm cố” đảm bảo nghĩa vụ trả nợ do thua bạc có phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản không”?

- Theo tôi, trước hết, cần phải làm rõ việc chủ sở hữu xe có mất quyền sở hữu đối với tài sản hay không. Nếu chủ sở hữu xe không bị mất quyền sở hữu xe thì không đặt ra vấn đề tội phạm xâm phạm quyền sở hữu.

Việc cầm cố xe trong tình thế bị thúc ép và Đức Anh đã tìm mọi cách để báo cho gia đình nhằm thu hồi xe trả cho chủ sở hữu, đứng về mặt chủ quan và khách quan đến không phải là hành vi xâm phạm quyền sở hữu có tính chiếm đoạt. Những thiệt hại vật chất do vi phạm hợp đồng thuê xe có thể chỉ phát sinh trách nhiệm dân sự. Thế nên, việc truy tố tội danh này cần phải xem xét lại một cách khách quan để tránh làm oan cho công dân.

Xin cảm ơn ông!

Bình Minh

Đọc thêm