Điều tra vụ lao động mất tích và sai phạm tại Vivaxan

Bộ LĐTBXH và cơ quan công an đã tiếp nhận thông tin về hoạt động XKLĐ của công ty Vạn Xuân Hà Tĩnh (Vivaxan) chi nhánh Hà Nội liên quan tới vụ lao động mất tích tại Ả rập Xê út và đưa lao động đi Hàn Quốc không báo cáo cơ quan chức năng.

[links()]Bộ LĐTBXH và cơ quan công an đã tiếp nhận thông tin về hoạt động XKLĐ của công ty Vạn Xuân Hà Tĩnh (Vivaxan) chi nhánh Hà Nội liên quan tới vụ lao động mất tích tại Ả rập Xê út và đưa lao động đi Hàn Quốc không báo cáo cơ quan chức năng.

Trao đổi với PLVN Online, ông Đào Công Hải – Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN khẳng định sẽ xử lý nghiêm minh, những vi phạm hành chính sẽ xử lý theo Luật XKLĐ còn những vi phạm có dấu hiệu hình sự Cục sẽ chuyển cơ quan công an xử lý tiếp.

Ông Đào Công Hải
Ông Đào Công Hải

Sau khi báo PLVN thông tin chúng tôi chỉ đạo xử lý ngay, yêu cầu công ty báo cáo và chuyển danh sách 5 đối tượng có hộ chiếu, visa sang Ban quản lý lao động tại Hàn Quốc  để kiểm tra và gửi cho A72 để xác minh xem số lao động này đã xuất cảnh chưa. Danh sách lao động xuất cảnh mà báo chí cung cấp chúng tôi sẽ tiếp tục gửi cho cơ quan công an kiểm tra”, ông Hải nói.

Vậy với những thông tin ban đầu Cục thu thập được, ông đánh giá như thế nào về những sai phạm của công ty Vivaxan?

Về Vivaxan có thể nói hiện nay chi nhánh tại Hà Nội có rất nhiều vụ việc nằm ngoài tầm kiểm soát của quy định pháp luật về XKLĐ. Chúng tôi đã chỉ đạo công ty Vivaxan phải có báo cáo lên Cục về các thông tin mà báo chí nêu.

Sau khi nhận được báo cáo, Cục sẽ thẩm định thông tin và kiểm tra qua cơ quan đại sứ quán, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và thông tin báo chí để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với báo chí để xử lý nghiêm mình vụ việc này.

Cụ thể về việc Vivaxan đưa lao động đi Hàn Quốc và có liên đới tới việc một lao động mất tích, đến nay Cục đã có thông tin gì báo cáo từ Vivaxan trả lời về vấn đề này hay chưa?

Hiện nay hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc có 3 kênh tiếp nhận lao động từ Việt Nam theo 3 chương trình là EPS, thẻ vàng ( E7) và làm việc trong lĩnh vực thủy hải sản, đánh bắt cá gần bờ. EPS dứt khoát là DN không được làm, Hiệp hội thủy sản thì có 7 DN được tham gia không có công ty Vivaxan.

Chương trình thẻ vàng thì không quy định danh sách nhưng quy định nếu có đối tác thì DN phải trình HĐ lên Cục để xem xét tính an toàn và khả thi. Vivaxan mới gửi lên đăng ký 100 lao động đi đầu bếp và Cục đồng ý cho tuyển 20 người để chủ sử dụng xem xét và sau đó báo cáo Cục và đăng ký hợp đồng, đồng ý cho đi hay không Cục mới trả lời. Nếu Vivaxan đưa lao động đi mà chưa có sự đồng ý của Cục là sai phạm.

Về lao động mất tích công ty khẳng định với Cục sẽ sớm có báo cáo và Cục đang chờ công ty báo cáo để kiểm tra xử lý, nếu cần thiết sẽ đề nghị cơ quan đại diện ngoại giao của ta ở Ả rập Xê út giúp đỡ tìm kiếm lao động.


Sáng nay, 14.2, bà Hoàng Thị Bính- mẹ lao động Nguyễn Thị Toại- người bị cho rằng đã mất tích do 24 tháng qua không liên lạc với gia đình đã tới công ty Vivaxan Chi nhánh Hà Nội theo lời hẹn của công ty này. Tại đây, bà Trần Khánh Ninh-giám đốc chi nhánh cho biết bà đã hẹn được với người của công ty môi giới tại Ả rập- Xê út để nối máy cho bà Bính nói chuyện với con gái. Bà Ninh cũng một mực khẳng định công ty ký hợp đồng đưa lao động Toại đi Ả rập- Xê út là công ty CP Thương mại tổng hợp Bà Rịa- Vũng Tàu- chi nhánh Hà Nội. Tuy nhiên, theo kiểm tra của phóng viên PLVN tại Cục QLLĐNN thì Công ty CP Thương mại tổng hợp Bà Rịa- Vũng Tàu- đã có văn bản thông báo dừng hoạt động Chi nhánh Hà Nội từ tháng 5.2011. Cục QLLĐNN cho biết có 67 DN được giới thiệu với Saracom làm GVGĐ Ả rập – Xê út, trong đó không có công ty Vivaxan.

Thưa ông, các công ty XKLĐ như Vivaxan có được phép tư vấn và đưa lao động đi nước ngoài theo diện hợp đồng cá nhân không?

Luật XKLĐ cho phép 4 hình thức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong đó có diện hợp đồng cá nhân. 3 phương thức ban đầu tất cả hợp đồng đều phải đăng ký ở Cục QLLĐNN, luật đã quy định rồi. Hợp đồng cá nhân thì chỉ có anh em kỹ sư trở lên, trình độ cao, giao kết hợp đồng với và đăng ký tại Sở LĐ nơi người lao động cư trú.

DN có giấy phép chỉ được đưa lao động đi theo hợp đồng chứ không được đưa lao động đi bằng hợp đồng cá nhân. DN đã có giấy phép XKLĐ không thể lách luật ôm thêm cả hợp đồng cá nhân. Luật không cho phép dù công ty có khả năng làm được việc đó.

Chi nhánh Hà Nội của công ty Vivaxan do bà Trần Khánh Ninh làm giám đốc đã ra các thông báo tuyển dụng lao động mà dấu của công ty nhưng bà Ninh ký trực tiếp là đúng hay sai thưa ông?

Luật quy định DN XKLĐ được phép thành lập 3 chi nhánh nhưng chi nhánh không có quyền thực hiện giấy phép mà chỉ được thực hiện theo ủy quyền của công ty mẹ. Chi nhánh không được tuyển qua trung gian, thu tiền trực tiếp, văn bản hợp đồng phải do công ty mẹ đóng dấu và giám đốc công ty mẹ ký chứ giám đốc chi nhánh không có thẩm quyền.

Quan điểm của Cục đối với việc xử lý những sai phạm tại Vivaxan như thế nào, thưa ông?

Những kênh không có trong chương trình hợp tác giữa hai quốc gia mà làm ảnh hưởng đến chương trình chính là vi phạm, công ty Vivaxan đưa lao động sang HQ nếu thẻ vàng phải theo quy trình thẻ vàng, thủy hải sản theo thủy hải sản, EPS thì không được làm rồi. Vivaxan không được tham gia mà tham gia như vậy là Vivaxan sai. Vivaxan làm sai, thiếu quy trình đều là vi phạm.

Căn cứ quy định của pháp luật và các thông tin mà Cục thanh kiểm tra chúng tôi sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật theo quan điểm sai hành chính xử hành chính, hình sự chuyển cơ quan công an.

Xin cảm ơn ông!

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hòa khẳng định với phóng viên PLVN Online sẽ chỉ đạo Cục QLLĐNN thanh kiểm tra và xử lý nghiêm túc những sai phạm tại Vivaxan.

Thanh Lương (Thực hiện)

 

Đọc thêm