Điều tra xử lý án ma túy: Ba ngành vẫn khổ vì một thông tư

(PLO) - Hôm qua (10/9), Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã cho ý kiến vào Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao về công tác của ngành tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII.
Phiên họp của Ủy ban Tư pháp Quốc hội
Phiên họp của Ủy ban Tư pháp Quốc hội
Chưa xác định rõ nguyên nhân án dây dưa
Báo cáo cho biết, năm 2015 (từ 1/10/2014 đến 31/7/2015) TAND các cấp đã giải quyết 295.321 vụ án các loại trong tổng số 384.431 vụ án đã thụ lý (đạt tỷ lệ 76,8%); số vụ án còn lại hầu hết là thụ lý và còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. 
Việc xét xử các vụ án hình sự về cơ bản bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; đã khắc phục cơ bản việc trả hồ sơ điều tra bổ sung không có căn cứ. 100% kháng nghị của Chánh án TANDTC đều được Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm chấp nhận…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của TAND còn một số hạn chế nhất định như: Tỷ lệ giải quyết các loại vụ án nhìn chung chưa cao; còn 2 trường hợp kết án oan người không có tội; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa cao; vẫn còn xảy ra trường hợp cán bộ, công chức Tòa án vi phạm phẩm chất đạo đức, kỷ luật công vụ, thậm chí vi phạm pháp luật.
Đánh giá Báo cáo trên, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đề nghị TANDTC phân tích rõ nguyên nhân về tình hình so với cùng kỳ, tỷ lệ xét xử sơ thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hình sự tăng nhưng tỷ lệ xét xử phúc thẩm lại giảm. 
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra Báo cáo chưa phân tích, đánh giá cụ thể được nguyên nhân án dây dưa hàng chục năm, tồn từ năm này qua năm khác, cũng như ngành Tòa án chưa quan tâm, tổng kết để thực hiện thống nhất vấn đề xác định trách nhiệm dân sự của bị cáo bồi thường cho người bị hại có tài sản gửi tại ngân hàng sau những vụ án kinh tế liên quan đến ngân hàng đã được đưa ra xét xử…
Làm án ma túy khó đủ đường
Liên quan đến hoạt động của TAND, giám định hàm lượng chất ma túy một lần nữa trở thành đề tài “nóng” khi Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật cho biết, qua khảo sát của nhóm nghiên cứu thời gian qua, dư luận xã hội và ý kiến của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đều cho rằng Công văn số 234/TANDTC-HS hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT là “chưa phản ánh đầy đủ nội dung, yêu cầu của Thông tư này, nên đã gây trở ngại cho hoạt động điều tra, truy tố”. 
Thực tế đi giám sát tại các địa phương, Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nhận được phản ánh, với một cơ sở duy nhất giám định hàm lượng chất ma túy ở Hà Nội, công tác giám định và xét xử các vụ án ma túy của các địa phương gặp nhiều khó khăn, bị ảnh hưởng không nhỏ do những rủi ro, phức tạp, nguy hiểm khi mang tang vật đi giám định hàm lượng chất ma túy. 
Ở các địa phương, do chưa đủ điều kiện về con người, phương tiện kỹ thuật, mẫu ma túy chuẩn để so sánh giám định… nên kết quả giám định thường chậm và kéo theo chậm thời gian đưa vụ án ra xét xử.
Nhưng ngay ở địa bàn Hà Nội, một năm án ma túy chiếm 25-28% án cả nước thì lại gặp khó khăn là “khi mở rộng điều tra vụ án ma túy nhưng tang vật đã tiêu hủy, không có gì để giám định” - Giám đốc Công an TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết.
Vấn đề này đã được đề cập rất nhiều lần, ngay cả tại diễn đàn Quốc hội và đại diện ngành Tòa án cũng đã giải thích Công văn 234/TANDTC – HS chỉ là hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT chứ không đặt ra qui định mới. 
Tuy nhiên, trước những bất cập mà Công văn này gây ra cho hoạt động của cả 3 cơ quan tiến hành tố tụng khi xử lý các vụ án ma túy thì “TANDTC đang tích cực phối hợp với các cơ quan tư pháp sửa đổi, bổ sung Thông tư số 17, bảo đảm cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy có hiệu quả, chính xác, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu đấu tranh với loại tội phạm này trong tình hình hiện nay” – Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Thuân cho biết. 
Trong 10 tháng qua, thực hiện giám định hàm lượng ma túy trong tang vật nghi là chất ma túy hoặc tiền chất ma túy theo quy định của Thông tư liên tịch số 17, TAND các cấp đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung hơn 2,2 nghìn vụ án ma túy với 2.900 bị cáo, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2014. Đến nay, đã thụ lý lại hơn 2 nghìn vụ với hơn 2,7 nghìn bị cáo.

Đọc thêm