Điều trị sốt xuất huyết: Cảnh báo những sai lầm cơ bản

(PLO) - Sốt xuất huyết (SXH) nếu chẩn đoán đúng và được điều trị đúng phác đồ sẽ khỏi bệnh và không để lại di chứng. Tuy nhiên vẫn còn khá nhiều quan niệm sai lầm khi điều trị bệnh. 
Điều trị sốt xuất huyết: Cảnh báo những sai lầm  cơ bản

Tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ghi nhận nhiều ca bệnh nặng nhập viện, trong đó có những ca bệnh trong tình trạng suy thận và tổn thương gan do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ những sai lầm trong điều trị bệnh tại nhà.

Đó là tự ý sử dụng thuốc hạ sốt và hạ sốt dồn dập. Do bệnh nhân SXH thường sốt cao, nên người nhà luôn tìm cách giảm sốt cấp tốc, nhất là đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên dùng thuốc giảm sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ 4-5 lần/ngày, 5-6 giờ/lần. Nếu sử dụng thuốc hạ sốt quá liều liên tục sẽ dẫn đến tổn thương gan, kể cả thuốc hạ sốt nhét hậu môn đối với trẻ em. Để giảm sốt, người nhà nên cho bệnh nhân mặc đồ mỏng, nằm nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước ấm. Đặc biệt, người mắc SXH tuyệt đối không dùng thuốc aspirin và ibuprofen, vì 2 loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng. 

Ngoài ra, đa phần mọi người đều nghĩ khi sốt thì cần truyền dịch, song theo các bác sĩ nếu truyền dịch, không thích hợp chẳng những bệnh không thuyên giảm mà còn xuất hiện những biến chứng nặng do thừa dịch. Các biến chứng có thể xảy ra do truyền dịch tùy tiện như: Phù phổi cấp, suy tim do quá tải tuần hoàn. Đặc biệt, với những bệnh nhân đang có các triệu chứng sốc, phù nề nhiều hoặc có bệnh lý về thận tuyệt đối không bù dịch bằng đường truyền. Để tránh những sai lầm trên, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân trong những ngày đầu mắc bệnh, chỉ cần uống thuốc hạ sốt, bù nước qua đường uống, hoặc uống oresol bù dịch hay truyền nếu có chỉ định của bác sĩ.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế khuyến cáo, trong bối cảnh dịch SXH đang bùng phát hiện nay, nếu người dân trong vùng có dịch bị sốt mà tự ý điều trị ở nhà lâu không khỏi sẽ rất dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm. Biến chứng thường gặp như tràn dịch màng phổi, bụng to, cổ trướng, xuất huyết bất thường do rối loạn đông máu, thậm chí là tử vong. Nếu người bệnh được chẩn đoán SXH thì cần được làm các xét nghiệm công thức máu, tiểu cầu hàng ngày để bác sĩ có thể đánh giá mức độ bệnh và có hướng điều trị, tránh tình trạng người bệnh phải vào viện quá muộn, gây những biến chứng đáng tiếc. Ngoài ra, đến nay chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh người mắc SXH kiêng tắm, kiêng ăn sẽ khỏi bệnh như một số người truyền miệng, chia sẻ. Vì vậy, người bệnh nên vệ sinh sạch sẽ, bổ sung đủ chất dinh dưỡng, ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước bù dịch...

Bệnh SXH không có kháng thể miễn dịch đối với những người đã mắc bệnh. Mỗi người có thể sẽ mắc SXH 4 lần trong cả đời người vì hiện nay có 4 tuýp virus SXH. Tất cả các đối tượng đều có thể bị SXH. SXH không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh, mà chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Do đó, việc phun hóa chất để diệt muỗi trưởng thành và diệt bọ gậy, loăng quăng là việc làm có thể đẩy lùi SXH một cách triệt để. 

Đọc thêm