Đình chỉ vụ án có phải trả tiền nộp vào Cơ quan điều tra?

Lo lắng cho chồng bị khởi tố liên quan về hành vi trốn thuế, người vợ đã nộp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an 2 tỷ đồng. Đến nay, vụ án bị đình chỉ nhưng 2 tỷ đồng không được trả lại.

Lo lắng cho chồng bị khởi tố liên quan về hành vi trốn thuế, người vợ đã nộp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an 2 tỷ đồng. Đến nay, vụ án bị đình chỉ nhưng 2 tỷ đồng không được trả lại.

Vụ án kéo dài

Theo đơn của ông Hồ Văn Thuận - Giám đốc Xí nghiệp tư nhân Hoa Sơn ở TP Plêiku (Gia Lai), thì từ năm 1999 – 2000, Xí nghiệp Hoa Sơn mua các loại hàng nông thủy sản của các đại lý và đầu nậu, lập bảng kê 04 để khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Đầu năm 2001, các đoàn thanh kiểm tra của Bộ Công an vào kiểm tra rồi bàn giao cho Công an tỉnh Gia Lai tiếp tục điều tra làm rõ. Ngày 4/3/2003, Công an tỉnh Gia Lai có văn bản báo cáo và trả lời các cấp việc mua bán của doanh nghiệp này không có sai phạm.

Tuy nhiên, ngày 25/10/2004, ông Thuận bị khởi tố và bắt tạm giam vì cho rằng liên quan đến hành vi gian dối trong khấu trừ thuế. Do lo lắng cho chồng, ngày 15 và 18/3/2005, bà Ngô Thị Thu Hoa (vợ ông Thuận) nộp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan CSĐT Bộ Công an 2 tỷ đồng.

Vụ án được Cơ quan CSĐT Bộ Công an điều tra, Viện VKSNDTC nhiều lần truy tố nhưng bị Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại. Đến ngày 29/1/2011, VKSNDTC mới có Quyết định số 01 đình chỉ vụ án, với nội dung: Từ tháng 10 đến tháng 12/2000, ông Nguyễn Đình Lợi – Giám đốc, Phạm Ngọc Chương, Phạm Quang Khiêm, Phạm Văn Lin – cán bộ Cty xuất nhập khẩu vật tư đường biển; Hồ Văn Thuận, Ngô Thị Điều, Nguyễn Văn Hành thuộc Xí nghiệp Hoa Sơn có hành vi gian dối trong lập hồ sơ xuất khẩu nông hải sản bán cho Cty TNHH Đạt Thành (Trung Quốc), xin hoàn thuế giá trị gia tăng và được Cục Thuế Hà Nội hoàn thuế hơn 4,3 tỷ đồng, được khấu trừ tiền thuế giá trị gia tăng hàng đầu vào hơn 118 triệu đồng.

Vụ án xảy ra đã lâu, đến nay chính sách thuế của Nhà nước đã thay đổi nhiều. Cũng với lý do chính sách thuế của Nhà nước đã thay đổi nhiều, cùng ngày 29/1/2011, VKSNDTC ra Quyết định số 06 đình chỉ điều tra bị can đối với Hồ Văn Thuận.

Lờ đi khoản tiền “tạm nộp” của vợ bị can

Đáng nói là theo Quyết định đình chỉ vụ án, VKSNDTC cho rằng trong quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT đã thu giữ của Xí nghiệp Hoa Sơn 2 tỷ đồng, số tiền này đề nghị Cơ quan CSĐT chuyển đến Cục Thuế Hà Nội, yêu cầu Cục Thuế Hà Nội tiếp tục theo dõi thu hồi khoản tiền thuế đã hoàn và khấu trừ cho Cty đường biển giải quyết theo quy định của pháp luật.

Như vậy, sau một thời gian dài không đưa ra xét xử, VKSNDTC đã ra hai quyết định để xác định địa vị pháp lý cho ông Thuận. Mặc dù trước khi vụ án được khởi tố, Công an tỉnh Gia Lai đã có văn bản báo cáo việc mua bán của doanh nghiệp này không có sai phạm và thực tế đến nay vụ án đã bị đình chỉ, nhưng chúng tôi không bàn đến chuyện đúng sai mà chỉ xin nói đến câu chuyện đòi tiền của Doanh nghiệp Hoa Sơn đã nộp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan CSĐT Bộ Công an.

Theo bà Ngô Thị Thu Hoa, khi vụ án bị đình chỉ, vợ chồng bà làm đơn gửi VKSNDTC và Bộ Công an xin lại số tiền đó. Nhưng ngày 6/7/2011, Cục Cảnh sát Kinh tế (PC46) có văn bản viện dẫn Quyết định đình chỉ vụ án số 01 của VKSNDTC để trả lời, trong đó cho rằng VKSNDTC yêu cầu chuyển 2 tỷ đồng mà bà Hoa đã nộp khắc phục hậu quả vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan CSĐT đến Cục Thuế Hà Nội để xử lý theo pháp luật.

Ngày 21/4/2011, VKSNDTC cũng có công văn trả lời Xí nghiệp Hoa Sơn rằng: Trước khi khởi tố vụ án, Cục Thuế TP Hà Nội đã có quyết định yêu cầu thu hồi khoản tiền này, Xí nghiệp Hoa Sơn đã nộp lại 2 tỷ đồng chờ xử lý của pháp luật…Khi đình chỉ vụ án Viện đã đề nghị cơ quan CSĐT chuyển số tiền trên đến “cơ quan có thẩm quyền” để giải quyết theo pháp luật.

Tuy nhiên, ông Thuận cho rằng: “Số tiền trên là do vợ tôi đi vay mượn để nộp, chứ không phải là tài sản của Xí nghiệp Hoa Sơn. VKSNDTC cho rằng “trước khi khởi tố vụ án, Cục Thuế TP Hà Nội đã có quyết định yêu cầu thu hồi khoản tiền này, Xí nghiệp Hoa Sơn đã nộp lại 2 tỷ đồng chờ xử lý của pháp luật”, là không đúng. Vì vợ tôi nộp tiền năm 2005 trong khi năm 2004 vụ án đã bị khởi tố”. Vì vậy, theo quy định của pháp luật thì số tiền trên phải được trả lại cho vợ tôi. 

Việc lấy số tiền mà vợ ông Thuận nộp vào CQĐT để cho rằng nhằm “khắc phục hậu quả” cho Xí nghiệp Hoa Sơn liệu có đúng pháp luật, chúng tôi đã trao đổi với Luật sư Ngô Trung Kiên về vấn đề này.

Thưa Luật sư, pháp luật quy định như thế nào về việc nộp tiền khắc phục hậu quả trong quá trình các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án?

- Theo pháp luật, đối với các vụ án mà hành vi phạm tội của bị can, bị cáo gây ra hậu quả về vật chất cho các tổ chức, cá nhân thì bị can, bị cáo phải khắc phục hậu quả do việc phạm tội gây ra. Đây là trách nhiệm dân sự của bị can, bị cáo trong vụ án hình sự. Việc bồi thường cho cá nhân, tổ chức với số tiền bồi thường là bao nhiêu sẽ do tòa án quyết định trong bản án.

Trong quá trình điều tra, bị can cũng có thể nộp một khoản tiền để khắc phục hậu quả và việc làm này được coi là một tình tiết giảm nhẹ. Nhưng số tiền này cũng chỉ là tạm giữ của bị can chờ quyết định cuối cùng của tòa án. Nếu bị can không phạm tội hoặc không phải chịu trách nhiệm dân sự (bồi thường) đối với thiệt hại thì phải trả lại số tiền này cho bị can.

Khi không có bản án của tòa án mà chỉ có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì bị can được miễn trách nhiệm thì số tiền mà bị can hoặc người nhà bị can đã nộp phải xử lý như thế nào, thưa ông?

- Đình chỉ vụ án và đình chỉ điều tra đối với bị can là việc CQĐT hoặc VKSND không hủy bỏ việc điều tra, truy tố đối với bị cáo do bị cáo không có tội hoặc có hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự. Việc đình chỉ vụ án đối với bị can là chấm dứt hoạt động buộc tội đối với bị can đó. CQĐT, VKSND chỉ có quyền xử lý tiền là tang vật của vụ án, có thể tịch thu xung công đối với tang vật là tiền.

CQĐT và VKSND không có chức năng giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Vì thế, việc xử lý số tiền mà bị can tạm nộp để phục vụ cho việc khắc phục hậu quả là phải trả lại cho bị can.

Việc CQĐT, VKSND lấy số tiền mà gia đình bị can tạm nộp để “bảo lãnh” cho bị can để khắc phục hậu quả thay cho tổ chức, cá nhân khác có đúng không, thưa ông?

- Như tôi đã nói ở trên, phần dân sự trong vụ án hình sự phải do tòa án quyết định, VKSND chỉ là cơ quan công tố, thay mặt nhà nước buộc tội và đưa ra yêu cầu về dân sự đối với bị can chứ không phải là cơ quan có quyền quyết định trách nhiệm dân sự của bị can.

Vì thế, VKSND không có quyền xử lý số tiền mà bị can hoặc gia đình bị can tạm nộp, kể cả việc xử lý số tiền đó là để “khắc phục hậu quả” cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào và cả bản thân bị can bị đình chỉ. Số tiền này phải trả lại cho người đã tạm nộp.                                                                                            

Xin cảm ơn ông!

Bình Minh (thực hiện)

An Bình

Đọc thêm