Định giá tài sản trong vụ hàng trăm xe đang tạm giữ bị thiêu rụi như thế nào?

(PLO) - Ngày 8/4 vừa qua, một vụ cháy lớn xảy ra tại bãi giữ xe vi phạm của công an thuộc địa phận KP.2, P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đã thiêu rụi hàng trăm xe máy vi phạm. Sau vụ hỏa hoạn, một câu hỏi đặt ra đó là ai sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường và số tài sản trên sẽ được định giá như thế nào?
 

 

Hình ảnh bãi xe vi phạm cháy trơ khung
Hình ảnh bãi xe vi phạm cháy trơ khung

“Bà hỏa” viếng thăm 

Công an TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ hỏa hoạn khiến hàng trăm xe máy tại bãi giữ xe vi phạm của Công an TP.Biên Hòa bị cháy rụi, trơ khung.

Thông tin ban đầu, khoảng 2h sáng cùng ngày, kho xe số 1 (bãi giữ xe vi phạm của Công an TP.Biên Hòa) bất ngờ bốc cháy. Ngọn lửa nhanh chóng lây lan và bùng lên dữ dội kèm theo những tiếng nổ khiến người dân hốt hoảng.

Tại hiện trường, một phần bãi xe rộng khoảng 1.000 m2 với cả trăm xe máy bị thiêu rụi, mái che bị cháy đen. Một mảng tường sát đường hẻm bên cạnh bãi xe bị đổ. Rất may mắn vụ hỏa hoạn không có thương vong.

Nhận được tin báo, lực lượng PCCC tỉnh Đồng Nai đã huy động nhiều xe chuyên dụng và chiến sĩ đến hiện trường để dập lửa. Sau nhiều giờ tích cực chữa cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC Đồng Nai đã cứu được hơn 1.000 chiếc xe các loại để trong kho xe trên. Thống kê thiệt hại ban đầu có khoảng 320 xe các loại bị cháy rụi hoàn toàn.

Ngay sau đó, các lực lượng chức năng đã có mặt tiến hành công tác khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ việc. Theo thống kê thiệt hại ban đầu có khoảng 320 xe các loại bị cháy rụi hoàn toàn.

Ai là người phải bồi thường?

Trước sự việc hàng trăm chiếc xe máy vi phạm bị thiêu rụi, một câu hỏi được đặt ra ai sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ xe vi phạm? Theo đó, hầu hết các chuyên gia pháp lý khi nói về trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này đều cho rằng, theo quy định tại điều 9 nghị định 15/2013/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo quản tang vật phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính thì trách nhiệm trong quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu được quy định như sau:

“Người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu. Trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Người trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện”.

Bên cạnh đó, về mặt dân sự thực chất là một dạng cầm giữ tài sản để đảm bảo bên kia (chủ xe vi phạm) thực hiện nghĩa vụ (nộp phạt, đảm bảo các chế tài khác theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ). Cụ thể, theo điều 349 Bộ luật dân sự năm 2015, nghĩa vụ của bên cầm giữ là “bảo quản tài sản cầm giữ, không được thay đổi tình trạng của tài sản cầm giữ, bồi thường thiệt hại nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm giữ”.

Nếu căn cứ vào đó thì trong trường hợp này, cơ quan quản lý bãi xe phải chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ xe. Trường hợp cơ quan công an ký hợp đồng ủy quyền việc trông giữ xe với chủ bãi giữ xe hoặc tổ chức, cá nhân nào khác thì người đó, tổ chức đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, cũng có trường hợp loại trừ, nếu là nguyên nhân bất khả kháng, khi đó cơ quan công an, chủ bãi giữ xe có thể không phải bồi thường.

Theo quy định nếu bãi giữ xe có đầy đủ giấy tờ hợp lệ về trông giữ xe, đủ tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy được cơ quan có chức năng về phòng cháy chữa cháy kiểm tra, ghi nhận các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy của bãi giữ xe. Việc đám cháy xảy ra do thời tiết, giông sét... có thể coi là thiên tai hoặc sự kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, để xác định nguyên nhân bất khả kháng thì cần phải chờ kết quả từ phía cơ quan điều tra.

Ngoài ra, trường hợp có người nào đó vô tình hay cố ý gây cháy thì phải xác định người đó là ai để cơ quan công an, chủ bãi giữ xe (sau khi bồi thường cho chủ xe) yêu cầu người này có trách nhiệm liên đới bồi thường lại cho cơ quan công an, chủ bãi xe.

Trước sự việc hàng trăm chiếc xe máy vi phạm bị thiêu rụi, các chuyên gia pháp lý cũng bày tỏ quan điểm, cơ quan chức năng cần điều tra xác định nguyên nhân để làm cơ sở cho việc quyết định khởi tố vụ án hoặc giải quyết vụ việc. Theo đó, Trường hợp có người nào đó vô tình hay cố ý gây cháy thì phải xác định người đó là ai để cơ quan công an, chủ bãi giữ xe (sau khi bồi thường cho chủ xe) yêu cầu người này có trách nhiệm liên đới bồi thường lại cho cơ quan công an, chủ bãi xe.

Bởi vậy, trước sự việc hàng trăm xe bị thiêu rụi, luật sư nói rằng cơ quan chức năng cần điều tra xác định nguyên nhân để làm cơ sở cho việc quyết định khởi tố vụ án hoặc giải quyết vụ việc. Theo đó, nếu có người gây ra thiệt hại trên thì người đó phải có trách nhiệm bồi thường hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi hủy hoại tài sản.

Ngoài ra, việc bồi thường cũng phải dựa trên kết quả điều tra, xác minh. Theo đó, sẽ có phương thức thương lượng giữa chủ sở hữu phương tiện và người giữ phương tiện về vấn đề bồi thường. Khi đó, nếu hai bên không thương lượng được thì khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường, yêu cầu tòa án định giá để có cơ sở giải quyết việc bồi thường theo quy định pháp luật hiện hành.

Định giá tài sản như thế nào?

Khi trách nhiệm bồi thường được nhắc đến sau vụ hỏa hoạn này thì một vấn đề được đặt ra nữa đó là cơ quan chức năng sẽ định giá những tài sản bị thiêu rụi như thế nào, để từ đó có thể đảm bảo quyền lợi cho chủ xe vi phạm.

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Về nguyên tắc trong thẩm định giá, trường hợp tài sản định giá không còn thì việc xác định giá căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc hoặc tham khảo giá của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật để xác định. Tài sản cùng loại, tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật được xác định theo quy định của pháp luật.

Trong vụ việc này, việc thẩm định giá trị số xe bị cháy là cần thiết vì để làm cơ sở thỏa thuận bồi thường với chủ xe, yêu cầu người liên quan phải bồi thường (người gây ra vụ cháy, người quản lý,…) cho cơ quan công an, thậm chí là tính giá trị để nộp tiền vào ngân sách (trong trường hợp xe không ai đến nhận), làm việc với cơ quan bảo hiểm (nếu có). 

Do đó, cơ quan công an cần chủ động với chủ xe để cùng lựa chọn mời một tổ chức thẩm định tiến hành định giá chiếc xe của họ bị cháy, trên cơ sở đó cơ quan công an bồi thường cho chủ xe, giảm bớt thiệt hại cho họ.

Nếu chủ xe không đồng ý với mức giá thẩm định thì chủ xe có quyền khởi kiện ra Tòa trong vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trong đó có quyền yêu cầu cả tiền phát sinh (nếu có) trong thời gian từ khi ngày đáng ra nhận xe đến ngày mời nhận tiền bồi thường. Ngay cả khi Tòa giải quyết, các đương sự vẫn có quyền thỏa thuận chỉ định một tổ chức thẩm định giá. 

Trong trường hợp không thỏa thuận được thì sẽ do Tòa án thành lập Hội đồng định giá (thành phần bao gồm: đại diện cơ quan tài chính cùng cấp, các cơ quan chuyên môn khác) và ra Quyết định định giá tài sản.

Hoạt động của Hội đồng định giá sẽ được tiến hành theo thủ tục của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BTC ngày 28/4/2014 hướng dẫn về về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.

Đọc thêm