Định hướng quản lý xu hướng sử dụng kịch bản Việt hóa

(PLVN) - Đây là ý kiến được đại biểu Quốc hội đưa ra tại phiên thảo luận trực tuyến của QH về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) chiều 28/10.
Đại biểu Tô Văn Tám phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Tô Văn Tám phát biểu tại phiên họp.

Tại phiên họp, các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; khắc phục những bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành; bảo đảm phù hợp với các luật hiện hành của Việt Nam và cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên đồng thời đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động điện ảnh.

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, điện ảnh là một loại hình phương tiện trực quan sinh động có ý nghĩa trong định hướng giá trị, định hướng tư tưởng, quảng bá đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

“Phát triển điện ảnh là một nội dung trong lãnh đạo văn hóa của Đảng. Việc thể chế hóa đường lối của Đảng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho nền điện ảnh nước nhà phát triển là hết sức cần thiết. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh nhằm đáp ứng yêu cầu đó”, đại biểu nói.

Đánh giá cao tờ trình, báo cáo thẩm tra và các nội dung sửa đổi, đại biểu Tô Văn Tám góp ý về chính sách phát triển điện ảnh.

Theo đại biểu, dự thảo xây dựng 3 chính sách phát triển điện ảnh. “Điện ảnh không chỉ là một ngành nghệ thuật mà còn là một ngành công nghiệp bởi vậy chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, bao trùm”, đại biểu nói.

Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, đại biểu cho rằng cần tập trung xã hội hóa các hoạt động điện ảnh để các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia tích cực vào hoạt động điện ảnh.

Tại khoản 3, Điều 5 dự thảo Luật có quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh thuộc lĩnh vực Nhà nước đầu tư và Nhà nước hỗ trợ bằng ngân sách Nhà nước, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể về chính sách khuyến khích này, có cơ chế để tổ chức, cá nhân tham gia, trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia… để chính sách dễ thực hiện khi được đi vào cuộc sống.

Về các quy định về hành vi bị cấm, đại biểu chỉ ra rằng, trong các hành vi theo quy định của dự thảo Luật có những hành vi còn mang tính định tính, chưa lượng hóa được cụ thể dẫn tới khó khi xử lý,

“Ví dụ hành vi xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân, những hành vi này đến mức nào mới bị xử lý? Mặt khác, việc xử lý các hành vi này còn liên quan đến yêu cầu xử lý của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan. Bên cạnh đó, nếu có phim không vi phạm các nội dung trên nhưng bộ phim đó lại cổ súy cho lối sống ích kỷ, vô cảm, vô trách nhiệm… thì sẽ thế nào? Để nghị bổ sung vào dự thảo những quy định này”, đại biểu đề nghị.

Đề cập đến việc sử dụng kịch bản nước ngoài đã được Việt hóa vài năm gần đây, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, đây là việc bình thường trong giao lưu văn hóa và đáng trân trọng.

Tuy nhiên, dù kịch bản đã được Việt hóa nhưng gốc của nó vẫn là văn hóa của nước sở tại. Do đó, cần quan tâm để định hướng quản lý xu hướng này trong hoạt động điện ảnh nhằm đáp ứng yêu cầu hài hòa giữa giao lưu, trao đổi văn hóa, yêu cầu của khán giả với yêu cầu đậm đà bản sắc dân tộc trong hoạt động sản xuất điện ảnh.

Băn khoăn quy định về sở hữu trí tuệ bản quyền tác giả tác phẩm điện ảnh, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (đoàn Kiên Giang) nhận định, hiện nay, vấn đề bản quyền tác giả về phần mềm, nội dung kỹ thuật số là một trong những vấn đề còn tồn tại trong phân định chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ trong cơ cấu tổ chức Chính phủ khoá XV.

Bên cạnh đó, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, sửa đổi, bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ được Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua cùng thời điểm với dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Vì vậy, để các quy định về sở hữu trí tuệ bản quyền tác giả của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật nói chung, cũng như với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ trong quá trình soạn thảo dự án Luật, bảo đảm tính thống nhất.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần xác định cụ thể các đối tượng được hưởng quyền sở hữu trí tuệ của tác giả, quyền liên quan, đặc biệt như ca sỹ hát nhạc phim, đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật, đạo diễn âm thanh, ánh sáng thì có quyền gì trong tác phẩm điện ảnh.

“Để tránh xung đột quyền thì dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần quy định nhóm đối tượng thứ nhất là nhóm hưởng quyền tác giả có quyền tài sản, nhân thân như biên kịch, đạo diễn, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, diễn viên chuyên ngành, ca sĩ và những người thực hiện các công việc khác có thể sáng tạo của phim.

Thứ hai là nhóm đối tượng hưởng quyền liên quan như nhà xuất bản, ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng được hưởng quyền gì? Hiện nay, theo quy định tại tại Điều 21, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, thì chỉ tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính mới có quyền tài sản với tác phẩm điện ảnh.

Đề nghị, Cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định quyền được hưởng thêm thù lao khi tác phẩm thương mại hóa trở thành “bom tấn”, có doanh thu lớn, bảo đảm quyền lợi của những người có liên quan khác với tác phẩm điện ảnh”, đại biểu nói.

Đọc thêm