Để điện ảnh Việt hội nhập, vươn xa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến đã đặt ra vấn đề xây dựng nền điện ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế cũng như khuyến khích phát triển thị trường điện ảnh trong nước; xem xét các quy định về điện ảnh trong bối cảnh khoa học, công nghệ đang phát triển mạnh mẽ và tác động trực tiếp, làm thay đổi thị hiếu người xem.
Phim “Ròm” được khen về kỹ thuật quay phim và ngôn ngữ điện ảnh nhưng bị chê về kịch bản.
Phim “Ròm” được khen về kỹ thuật quay phim và ngôn ngữ điện ảnh nhưng bị chê về kịch bản.

Nhiều vấn đề “nóng” được mổ xẻ

Thị trường điện ảnh Việt Nam đang phát triển bùng nổ khi doanh thu phòng vé trong những năm vừa qua tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ và là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng điện ảnh cao nhất thế giới. Tuy nhiên, song hành với đó thì thực tế cho thấy lĩnh vực điện ảnh nhà nước đang không thích nghi được với môi trường công nghiệp mới với tình hình thua lỗ, cổ phần hóa, tê liệt, đóng cửa...

Tại các hội thảo, hội nghị, tọa đàm 2 miền Bắc-Nam, các đại biểu đã chỉ ra một thực tế, hiện nay doanh thu chủ yếu của điện ảnh Việt Nam chủ yếu là phim nhập khẩu chứ không phải các sản phẩm phim sản xuất trong nước; thể loại phim tài liệu, phim hoạt hình không có thị trường… Khu vực điện ảnh nhà nước đang tê liệt; điện ảnh tư nhân mới được nhà nước cho mở cửa phát triển từ năm 2000 trở đi, vốn chưa nhiều, tiềm lực chưa đủ mạnh.

Trong khi đó, các tập đoàn lớn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam với số vốn lớn, bề dày kinh nghiệm và đang có nhiều biểu hiện chèn ép các doanh nghiệp Việt Nam để thống lĩnh thị trường điện ảnh Việt Nam. Lĩnh vực điện ảnh thường xuyên xảy ra các vụ kiện kéo dài... Do vậy, Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần có cơ chế điều chỉnh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phim Việt Nam thực sự phát triển.

Các phim Việt Nam mang yếu tố kinh dị, tâm linh đều phải cắt xén ít nhiều sau khi đi qua vòng kiểm duyệt. Trong ảnh: cảnh trong phim “Thất sơn tâm linh”.Các phim Việt Nam mang yếu tố kinh dị, tâm linh đều phải cắt xén ít nhiều sau khi đi qua vòng kiểm duyệt. Trong ảnh: cảnh trong phim “Thất sơn tâm linh”.

Nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hà Nội Trần Thanh Hiệp góp ý, các bộ phim chủ yếu của nước ta hiện nay chủ yếu là phim giải trí, dễ làm, các nhà làm phim không bao giờ muốn động chạm đế các vấn đề gai góc, vì họ sợ phạm luật. Do vậy, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) nên có 1 sự đổi mới cơ bản, để các nhà sản xuất phim cảm thấy thông thoáng, thoải mái sáng tạo. Cụ thể, nên để đơn vị sản xuất phim tự thẩm định và phân loại phim, cơ quan nhà nước chỉ làm nhiệm vụ thanh tra, hậu kiểm. Bên cạnh đó, khi quy định các điều cấm cần phải đi kèm chế tài, tránh quy định chung chung.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Quỳnh Liên đề cập, hiện nay việc phát hành phim trên các nền tảng mạng xã hội đang phát triển rộng, thu hút đông đảo lượng người theo dõi như Facebook, Youtube… Tuy nhiên trong dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) chưa đề cập và có các quy định điều chỉnh. Do vậy, dự án Luật cần bổ sung và quy định một cách rõ ràng.

Theo các chuyên gia điện ảnh, ngoài vấn đề được coi là “nóng” nhất như phổ biến phim trên mạng, các hoạt động cung cấp dịch vụ và sản xuất phim có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn do chưa thống nhất, đồng bộ với nhiều quy định khác, giấy phép còn chồng chéo, quy trình còn nhiều bước, gây mất thời gian cho doanh nghiệp, các nhà sản xuất…

Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan chia sẻ, dự thảo Luật Ðiện ảnh (sửa đổi) cần đáp ứng yêu cầu điều chỉnh hoạt động điện ảnh trong thời đại công nghệ số, hướng tới phát triển công nghiệp điện ảnh thành ngành mũi nhọn trong xây dựng công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

Cụ thể, dự thảo Luật cần bổ sung nội dung phim hợp tác sản xuất với nước ngoài, thị trường điện ảnh, làm rõ hơn việc phân cấp thẩm quyền cấp phép phim, thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh sao cho khả thi hơn...

Ông Lê Mạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Ðài Truyền hình Việt Nam thì đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia phát hành, phổ biến phim trên mạng...

Ðạo diễn Phan Ðăng Di bày tỏ, trong Ðiều 11 của dự thảo quy định về hợp tác sản xuất phim với tổ chức, cá nhân nước ngoài, nếu giữ nguyên những quy định về trình tự cấp phép các dự án hợp tác thì rất có thể chúng ta đang “đóng cửa” thay vì “trải thảm” cho hoạt động hợp tác đầu tư vào điện ảnh. Theo đạo diễn này, khoảng 15 năm qua, vì nhiều thủ tục “nhiêu khê” cho nên không ít phim nước ngoài dự định quay ở Việt Nam đã phải chuyển hướng sang các nước lân cận như Thái Lan, Indonesia, Philippines...

Nhà sản xuất Mai Thu Huyền đề nghị hỗ trợ phim Việt Nam về suất chiếu. Cụ thể, nếu ra rạp cùng lúc với các phim bom tấn của thế giới phim Việt Nam sẽ gặp khó khăn vô cùng. Trên thực tế, có những phim trong nước chưa ra rạp đã cầm chắc lỗ nặng vì bị hạn chế suất chiếu, thời điểm rơi vào sáng sớm hoặc đêm muộn.

Phim “Tiệc trăng máu” là phim làm lại thành công ở thị trường Việt hơn so với kịch bản gốc.

Phim “Tiệc trăng máu” là phim làm lại thành công ở thị trường Việt hơn so với kịch bản gốc.

Tạo hành lang pháp lý phát triển công nghiệp điện ảnh

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 52 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 25 điều, quy định mới 27 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành. Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) phù hợp với 4 chính sách đề xuất trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua bao gồm: tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.

Dự thảo Luật quy định 2 phương án đối với hình thức sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước: giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu.

Chính phủ lựa chọn phương án 1, khi đưa ra lấy ý kiến, đa số ý kiến Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội lựa chọn phương án 2 và cho rằng, thực hiện hình thức đấu thầu nhằm tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân và phù hợp với Luật Đấu thầu.

Có ý kiến đề nghị không thực hiện hình thức đấu thầu đối với sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, có mức đầu tư thấp, yêu cầu gấp về thời gian.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đưa ra 2 phương án quản lý hình thức phổ biến phim trên không gian mạng: Hậu kiểm; tiền kiểm. Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, phương án hậu kiểm được cho là phù hợp với thực tế hiện nay khi nước ta chưa có đủ điều kiện, năng lực đáp ứng yêu cầu tiền kiểm số lượng phim quá lớn được phổ biến trên không gian mạng.

Vấn đề đặt ra, việc hậu kiểm cũng tạo nguy cơ để lọt các phim vi phạm pháp luật, không phù hợp với văn hóa Việt Nam; tạo sự thiếu công bằng với việc tiền kiểm phim phổ biến trong hệ thống rạp và phim phổ biến trên truyền hình.

Phương án tiền kiểm sẽ ngăn chặn phim có nội dung xấu, độc hại trước khi công chiếu rộng rãi, tuy nhiên, hiện nay cơ quan quản lý nhà nước chưa đủ điều kiện, năng lực đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát số lượng rất lớn phim được phổ biến trên không gian mạng.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề xuất phương án 3: kết hợp hậu kiểm và tiền kiểm hợp lý, trong đó hậu kiểm là chủ yếu, tiền kiểm đối với phim có ảnh hưởng xấu đến chính trị, tư tưởng, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và phải phù hợp với điều kiện, khả năng quản lý của cơ quan nhà nước.

Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: “Phải nhìn nhận điện ảnh không chỉ dưới góc độ tác phẩm văn học nghệ thuật mà còn là sản phẩm dịch vụ có tính văn hóa cao, như một ngành kinh tế, một ngành công nghiệp. Đã là ngành công nghiệp rồi thì phải phát triển trên nền tảng các quy luật kinh tế. Chúng ta phải có chính sách phát triển điện ảnh như một ngành kinh tế”.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng điện ảnh cần được tiếp cận ở cả nền tảng truyền thống, vừa ở nền tảng số. Trên cơ sở đó, vấn đề mấu chốt cần xem xét để sửa đổi Luật Điện ảnh là điều chỉnh các hoạt động điện ảnh trong môi trường công nghệ số để khuyến khích điện ảnh phát triển nhanh và tạo hành lang pháp lý để phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam.

Đối với sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với phương án giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu và cho rằng cần quy định cụ thể trường hợp nào cần phải đấu thầu.

Đọc thêm