Định hướng thế mạnh đặc trưng của du lịch Việt Nam

(PLVN) -  Du lịch nông thôn được định hướng là một trong các thế mạnh đặc trưng của du lịch Việt Nam. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển bền vững loại hình này vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.
Cần tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho du lịch nông thôn. (Ảnh minh hoạ)

Nhiều vướng mắc tồn tại

Theo thống kê của ngành Du lịch, cả nước có khoảng 400 điểm du lịch nông thôn ở 37 tỉnh, thành phố và hơn 2.000 làng nghề truyền thống có tiềm năng phát triển về du lịch. Trong đó phần lớn đang được khai thác theo mô hình du lịch cộng đồng. Riêng Thủ đô Hà Nội có 18 huyện, thị xã ngoại thành có tiềm năng phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trong đó, một số địa phương có kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp bài bản giúp đảm bảo thu nhập nông dân ổn định và cao hơn. Ví dụ các làng nổi tiếng về du lịch như xã Hồng Vân (huyện Thường Tín); Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), Bát Tràng, Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm)...; xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, xã Tản Hồng, huyện Ba Vì đã kết hợp hiệu quả phát triển các mô hình nông sản sạch với du lịch.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, phần lớn các mô hình du lịch nông thôn mới chỉ phát triển tự phát nên chưa hấp dẫn du khách, sản phẩm, dịch vụ đơn điệu, thiếu tính sáng tạo. Nguồn đầu tư và cơ sở hạ tầng cho các điểm du lịch nông thôn về khía cạnh nghỉ dưỡng, ăn uống còn hạn chế. Nhiều bản làng không chú trọng đến yếu tố môi trường, giữ gìn cảnh quan, để lại ấn tượng xấu với du khách, chỉ tham quan một lần, không muốn quay trở lại.

Nguồn nhân lực cũng chỉ có tính mùa vụ, không ổn định. Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành Du lịch, ước tính mỗi tỉnh có khoảng 500 - 1.000 lao động tham gia vào lĩnh vực du lịch, trong đó lao động du lịch nông thôn chỉ chiếm khoảng 5 - 15%, chủ yếu là lao động gián tiếp. Do đó, tại một số thời điểm cao điểm du lịch, một số điểm tập trung khách quá đông dẫn tới tình trạng quá tải, chất lượng dịch vụ giảm sút.

Về chính sách, hiện nay mới chỉ có một số địa phương xây dựng cơ chế, chính sách riêng cho phát triển du lịch nông thôn, trong đó có Hà Nội. Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 04/3/2022, giai đoạn 2022 - 2025 về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội được đánh giá là một trong những giải pháp căn cơ, tạo động lực để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới hiệu quả bền vững.

Còn tại các địa phương chưa xây dựng cơ chế, chính sách riêng cho phát triển du lịch nông thôn, thực tế cho thấy, dù có nhiều mô hình du lịch cộng đồng, nhưng chủ yếu là tự phát vì chưa tiếp cận được chính sách đầu tư, vay vốn, chính sách đất đai... Chủ yếu các hộ dân làm du lịch tự phát có quy mô nhỏ, chưa chuyên nghiệp, chưa hình thành điểm đến du lịch hấp dẫn...

Chính bởi những bất cập, du lịch nông thôn tại nhiều địa phương nói chung vẫn còn hạn chế, chưa phát triển với tiềm năng và lợi thế của vùng miền. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại nhằm thúc đẩy liên kết, xây dựng, phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả, bền vững.

Hướng tới phát triển bền vững

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025 đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 2 số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021, trong đó một trong những mục tiêu quan trọng là phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.

Bởi du lịch nông thôn đóng vai trò lớn trong việc thực hiện mục tiêu nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025” theo Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022. Chương trình phát triển du lịch nông thôn đề ra các mục tiêu rõ ràng: Đến năm 2025, phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương.

Theo đó, ít nhất 50% số dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. 100% số điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% số điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù; ít nhất 70% số chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% số lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch. Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc...

Có thể thấy, đây là cơ sở vững chắc để các địa phương phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với chuyển đổi số.

Cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ là sự tham gia đồng bộ của các cơ quan chính quyền địa phương cùng khối doanh nghiệp, cộng đồng người dân, du khách... Như vậy mới có thể hình thành xu hướng các tour, tuyến du lịch nông thôn an toàn, thân thiện, bền vững gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường, tăng thêm giá trị cho cộng đồng.