Dịu dàng cà phê ngõ ngách

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Xu hướng cà phê trong những con ngõ xưa cũ ở Hà thành đang rất phát triển bởi không gian cũng như cảm giác yên bình, nhẹ nhàng mà nó đem lại.
Joie Coffee - Góc sân và khoảng trời.
Joie Coffee - Góc sân và khoảng trời.

Những tiệm cà phê gây nhớ

Tại một con ngõ sâu của phố Thái Thịnh, Hà Nội có một quán cà phê mang đậm màu sắc thời bao cấp được lấy cảm hứng từ bộ phim “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn Trần Anh Hùng với rất nhiều cây xanh trải khắp không gian 3 tầng. Kiến trúc của quán là căn nhà cổ với bức tường gạch vàng quen thuộc nhuốm màu thời gian với món tôn cũ kĩ. Không gian vô cùng thoáng mát với nhiều ô cửa sổ cũng như khoảng ban công rộng. Giống như slogan của quán “Vào Thư Báo thấy bao thứ” thì khi bước chân vào quán Thư Báo, ta sẽ phải thốt lên ngạc nhiên khi thấy quán được trang trí bởi những đồ vật có từ thời bao cấp như: bức thư cũ, đèn bàn, cassette… đem lại cảm giác hoài niệm, mộc mạc nhưng rất cuốn hút. Giá đồ uống ở đây cũng dao động từ 30 đến 60 ngàn đồng.

Quán cà phê 30.

Quán cà phê 30.

Nằm đối diện hồ Quan Nhân, quán cà phê 30 nổi bật lên một khoảng không gian xưa cũ nhưng tràn ngập màu sắc với đặc trưng là những chiếc đèn lồng nhỏ được đặt khéo léo rải rác cả 3 tầng của căn nhà. Quán mang hơi hướng thời bao cấp nhưng không bị “già” mà vẫn rất sáng sủa, sạch sẽ và thoáng mát. Đây là một điểm đến độc đáo cho những người muốn tận hưởng không gian hoài niệm về lịch sử với trải nghiệm thú vị và phong cách. Tầng một của quán có khoảng sân rộng phía trước hướng mắt thẳng ra mặt hồ, còn phần sân sau lại như “xấu hổ” nép mình nhỏ gọn với cây bưởi sai trĩu quả như nỗi lòng kẻ thầm thương trộm nhớ như chẳng thể nói ra với hồ Quan Nhân. Tầng 2 và tầng 3 được trang trí tỉ mỉ hơn với những vật dụng quen thuộc nhuốm màu thời gian, rất Hà Nội xưa với chiếc máy khâu cũ của bà, phích nước pha trà của ông, tấm áp phích vẽ tay… Hai tầng đều có góc ban công với cây hoa giấy tựa vào, rực rỡ cả một góc trời khiến ta tạm quên đi mất sự náo nhiệt, hối hả của Thủ đô mà chìm dần vào sự thoải mái, dễ chịu.

Góc sân và khoảng trời

Khác với hai quán cà phê trên, Joie Coffee ở khu tập thể C3, Hoàng Ngọc Phách có lợi thế là ở trong một con ngõ khá thông thoáng, rộng rãi thậm chí để được cả ô tô. Là một quán trong ngõ nên Joie vẫn giữ được sự yên tĩnh, nhẹ nhàng, “chiu chiu” vốn có.

Giống như cái tên thì Joie có một góc sân xanh mát và khoảng trời yên bình, đây là điểm nổi bật giúp thu hút khách hàng lui tới bởi không phải quán cà phê nào ở Hà Nội cũng có thể tạo ra. Đây là điểm đến lý tưởng cho những người yêu không gian mở, gần gũi với thiên nhiên cùng một ly cà phê thơm ngon trong sự nhẹ nhàng, yên bình. Khi bước vào quán, bạn sẽ được chào đón bởi một khu vườn xanh mát được bố trí tinh tế được trải xung quanh là sỏi trắng.

Joie Coffee được thiết kế mộc mạc chủ yếu là đồ gỗ cùng đèn vàng tạo nên một không gian ấm cúng. Bàn ghế được bố trí một cách thoải mái, có khoảng cách nhất định có cả những chiếc bàn thấp để uống cà phê và trò chuyện thông thường, cũng có cả bàn ghế cao thuận tiện cho việc học tập, làm việc. Những món đồ dùng để trang trí thì rất xinh xắn, vừa đủ với các không gian ấm áp, gọn gàng.

Tại Joie Coffee thì còn bán cả đồ thủ công do chính quán làm như giỏ mây, ghế gỗ… vô cùng bắt mắt, khéo léo mang lại cảm giác gần gũi, thân thuộc đồng thời tạo nên một sự tò mò đối với khách như nét đặc trưng riêng cho quán.

Rù Rì Coffee.

Rù Rì Coffee.

Rù Rì Coffee (số 8B Đặng Tất) là một quán cà phê nằm trên tầng 2 của một khu nhà tập thể cũ, nằm giữa cuộc sống hằng ngày của người dân nơi đây khi trên là nhà dân và dưới cũng là nhà dân với khoảng sân nhỏ, thỉnh thoảng có thể nghe thấy tiếng những con người ở đây gọi với nhau, trò chuyện với nhau. Rù Rì Coffee với đặc trưng là những ô cửa sổ to giúp quan sát hết vẻ yên bình của khu nhà tập thể rất Hà Nội xưa này.

Rù Rì Coffee.

Rù Rì Coffee.

Chưa hết, Rù Rì còn đem lại cảm giác gần gũi, thoải mái trong những góc riêng như: trên chiếc sofa êm ấm, góc bàn cao để chạy deadline hay góc bàn “chơi vơi” đặt ngay góc kết nối giữa các tầng nhìn được trọn hết cả tòa nhà cổ. Những chiếc bàn nhỏ xinh được xếp ngay ngắn, đặt cách xa nhau tạo cảm giác thoải mái, không gây khó chịu như một số quán vì muốn có lượng khách lớn mà kê san sát các bàn với nhau.

Buổi tối, qua Rù Rì lại là một trải nghiệm khác so với cái cảm giác khi nắng sớm chiếu qua chiếc cửa sổ vào ban ngày. Vẫn là không gian ấm cúng nay được tô thêm bởi nhiều màu sắc hơn từ chiếu đèn nhỏ xinh như những dải cực quang chạy dài trên tường tưởng chừng như vô tận, bạn sẽ bất giác nhìn ngắm cái dòng chảy ấy mãi, mặc cho cảm xúc trôi theo.

Tuy là nằm trong ngõ nhưng Ant Cave (ngõ 31 Hoàng Cầu) lại mang đến một màu sắc hiện đại hơn, phá cách hơn, hợp thời hơn. Với thiết kế như tên - một chiếc hang với cửa vào độc đáo và hơi tối tăng thêm phần tò mò thu hút khách hàng đến trải nghiệm và tận hưởng. Quán được chia làm ba gian chính cùng nhiều lối đi với tông màu chủ yếu là trắng, đỏ được chia tách riêng tư le lói chút ánh sáng vàng ấm từ những chiếc đèn đặt riêng tại mỗi bàn. Với khoảng sân nhỏ trước mặt, những chiếc ghế dù cùng phần trang trí đơn giản đan xen vài chiếc cây xanh là không gian vô cùng thích hợp để tụ tập, tán gẫu cùng bạn bè.

Rù Rì Coffee.

Rù Rì Coffee.

Bước vào sâu trong “chiếc hang” chẳng hề tối tăm mà thậm chí ấm áp ấy là những góc, những món đồ trang trí mang đậm màu sắc retro: chiếc ghi-ta điện treo tường, đĩa CD, áp phích,… Ant Cave để dành riêng cho bạn, nơi sâu thẳm nhất và tĩnh lặng nhất trong hang để đúng như tiêu chí “nơi lui tới của những người chăm chỉ tự do là tự lo” đặt ra. Đây là không gian tuyệt vời để làm việc, ngồi tâm sự vài câu chuyện riêng tư,... hòa cùng với không khí đó là âm hưởng của nhạc jazz, citi pop…

Kết

“Cuộc sống trong các ngõ phố ở đây thật sôi động, phong phú và thật là hào phóng, nó hoàn toàn không bị khép kín như ở Nhật. Mọi người sinh ra cũng từ đây, lớn lên cũng từ đây - được ngõ phố nuôi dưỡng và sống trong sự bao dung, độ lượng như dòng sữa của người mẹ dành cho con. Tôi nghĩ nếu để họ xa rời ngõ phố họ sẽ mất đi cội nguồn cuộc sống và không biết sẽ đánh mất mình nơi phương trời nào? Không biết người Hà Nội có để ý đến những điều này không?”. (Trích “Ngõ phố Hà Nội - những khám phá” - Ito Tetsuji).

Quả đúng vậy, cuộc sống ở Thủ đô cứ thế trôi tưởng chừng không có gì mới mẻ nhưng thỉnh thoảng lại được thấy những sự chiêm nghiệm sâu sắc, cảm xúc của người nước ngoài dành cho Hà Nội với những góc nhìn mới, những so sánh liên tưởng thú vị: “Nhà và nhà cứ san sát nhau như cá hộp. Có lẽ vì vậy mà một khoảng hành lang trở thành tài sản chung của những người sống ở đó. Nếu ở Nhật Bản, người ta làm những việc hằng ngày như đánh răng, rửa mặt, nấu cơm, ăn cơm, nựng con, cho con bú ở trong nhà thì ở Việt Nam, các việc đó lại được đưa ra ngoài ngõ phố” (Trích “Ngõ phố Hà Nội - những khám phá” - Ito Tetsuji).

Và cũng thế những quán cà phê trong ngõ của Thủ đô chẳng cần đến quảng cáo, thậm chí họ cũng không cần một lượng khách quá đông nhưng vẫn thu hút được những những người yêu thích cà phê, yêu thích không gian ngõ ngách, yêu thích Hà Nội lui tới nhiều lần.