Tôi liên hệ đến Văn phòng đại diện (điện thoại: 08.318.22.777) tìm hiểu về quyền lợi tham gia bảo hiểm thì được nhân viên cho biết, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Tài chính, thực hiện ký quỹ vào ngân sách Nhà nước trước khi hoạt động. Trong trường hợp Công ty phá sản, mất khả năng thanh toán hoặc bỏ trốn thì Nhà nước sẽ đứng ra chi trả quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Tôi muốn hỏi, nhân viên của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam tư vấn như vậy có đúng không?
Về vấn đề này, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA (Việt Nam) được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động tại Việt Nam từ năm 1999. Công ty có trụ sở chính tại tầng 15-16 Tòa nhà Royal Centre, 235 Nguyễn Văn Cừ, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, tại ngày 31/12/2015, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA (Việt Nam) có vốn điều lệ là 1,264,3 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 8.306 tỷ đồng.
Quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm:
Các doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tuân thủ quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, các văn bản hướng dẫn thi hành và pháp luật có liên quan trong suốt quá trình hoạt động như sau:
- Doanh nghiệp bảo hiểm phải luôn duy trì khả năng thanh toán theo quy định tại Điều 77 Luật Kinh doanh bảo hiểm, đảm bảo vốn điều lệ đã góp không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định tại Điều 94, phải sử dụng một phần vốn điều lệ để ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam theo quy định tại Điều 95 Luật Kinh doanh bảo hiểm, phải trích lập dự phòng nghiệp vụ theo quy định tại Điều 96 Luật Kinh doanh bảo hiểm.
- Đối với khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm kịp thời khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo quy định tại Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm.
- Doanh nghiệp bảo hiểm phải trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm phá sản hoặc mất khả năng thanh toán theo quy định tại Điều 97 Luật Kinh doanh bảo hiểm và Khoản 11, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Hạn mức chi trả tối đa của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm là 90% mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, nhưng không quá 200 triệu đồng/người được bảo hiểm/hợp đồng, tùy từng trường hợp cụ thể theo quy định tại Điều 107 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Như vậy, với quy định của pháp luật hiện nay thì Doanh nghiệp bảo hiểm phải trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm phá sản hoặc mất khả năng thanh toán theo quy định.