DN xuất 100% mặt hàng sang Nhật kể chuyện “luật chơi” khắt khe

(PLO) - Ngày 24/8, ông Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội; ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế; cùng đoàn công tác của Quốc hội đã đến thăm và làm việc với một doanh nghiệp tiêu biểu của Hưng Yên là Công ty CP Nhựa Hưng Yên (số 115, Nguyễn Thiện Thuật, đường Minh Khai, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên).
 Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thăm một dây chuyền sản xuất của Công ty CP Nhựa Hưng Yên sáng 24/8
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thăm một dây chuyền sản xuất của Công ty CP Nhựa Hưng Yên sáng 24/8

“Sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng”

Đại diện Công ty, ông Vũ Đình An, Phó Chủ tịch HĐQT, cho biết công ty thành lập từ năm 1974, tiền thân là Nhà máy nhựa Thiếu Niên Tiền Phong sơ tán về Hưng Yên những năm 1964-1968. Năm 2005, thực hiện chủ trương đổi mới doanh nghiệp, công ty được cho phép chuyển đổi sang Công ty cổ phần, là đơn vị đầu tiên cả nước cổ phần nhưng 100% không sử dụng vốn nhà nước.

Từ 1 nhà máy với doanh số khoảng 80 tỷ chủ yếu bán nội địa, xuất khẩu không đáng kể, khoảng 100 lao động, nay đã có 10 đơn vị sản xuất với sản lượng xuất khẩu 60.000 tấn/năm, doanh số xuất khẩu xấp xỉ 100 triệu USD, trên 1200 lao động, thu nhập bình quân 13-15 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm công ty thưởng thêm 5 tháng lương nếu công nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bởi vậy có tới 95% công nhân đóng thuế thu nhập cá nhân, 10% công nhân đã có ô tô đi lại. Có lẽ đây là doanh nghiệp hiếm hoi trên cả nước đạt được những con số này.

Hiện Công ty xuất khẩu 100% vào thị trường Nhật Bản, với mặt hàng bao bì màng mỏng PE, PP các loại có in, không in, dạng cuộn, dạng túi phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, dân sinh. Mỗi năm công ty cùng các đơn vị thành viên nộp ngân sách hàng trăm tỷ đồng.

Về công tác bảo vệ môi trường, công ty thực hiện nghiêm túc việc chăm lo bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người lao động, hơn 1200 lao động hiện không có người mắc bệnh nghề nghiệp. Nguyên liệu hạt nhựa hoàn toàn nhập từ Singapore, Ảrập Xê út, Nhật Bản. Môi trường khí thải, nước thải, môi trường làm việc được Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam đánh giá định kỳ hàng quí, xác nhận đều nằm trong tiêu chuẩn cho phép.

“Bí kíp” thành công của công ty không chỉ tuân thủ pháp luật Việt Nam, chăm lo người lao động, bộ máy quản lý và quản trị tốt, mà còn là tuyệt đối tuân thủ “luật chơi” quốc tế. Theo đại diện công ty, thị trường Nhật Bản có sự cạnh tranh rất lớn từ các nước khác cũng như công ty trong nước. Nhật yêu cầu về sản phẩm rất nghiêm ngặt, dù một con ruồi hay một sợi tóc dính vào túi, toàn bộ lô hàng sẽ bị trả lại. Kinh nghiệm “nhớ đời” của công ty là năm 2015, do sơ suất nên để lọt một sản phẩm bị thủng. Không may tại nước ngoài, có người để chai thủy tinh vào chiếc túi đó, rơi xuống chân. Công ty chấp nhận đền bù cho khách hàng này 1 triệu Yên Nhật.

Để thị trường Nhật chấp nhận, công ty ngoài áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001-2008, còn phải đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn JIS Z 1702:1994 từ phía Nhật Bản, là tiêu chuẩn hệ thống sản xuất khép kín. Phía bạn hàng cũng buộc công ty tuân thủ tiêu chuẩn 5s “Sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng”, nhằm loại bỏ các lãng phí trong sản xuất, giảm thiểu các hoạt động không gia tăng giá trị, cung cấp môi trường làm việc với tinh thần cải tiến liên tục, cải thiện tình trạng an toàn và chất lượng. Một tiêu chuẩn khắt khe khác phải tuân thủ, là giao hàng đúng hẹn. Nếu trễ bị phạt và trả hàng lại, nhưng nêu đến sớm sẽ phải tốn tiền thuê kho bãi rất cao.

Không tiếng ồn, không khói bụi, không ô nhiễm

Ngoài những tiêu chuẩn trên, phía Nhật Bản còn yêu cầu phải đảm bảo môi trường. Nhắc đến các nhà máy, có người nghĩ đến tiếng ồn, khói bụi nghi ngút, nhưng quan điểm đó sẽ khác khi đến thăm cơ sở sản xuất tại đây. Đứng ngoài cơ sở sản xuất tại 91 Nguyễn Văn Linh, cứ ngỡ đây là khu nhà kho, vì không nghe tiếng ồn, không hề thấy khói thoát ra. Trong khuôn viên nhà xưởng và các khu vực lân cận cây cối xanh tươi um tùm.

Bên trong cơ sở sản xuất, tường và nền xưởng không hề bụi bặm. Tiêu chuẩn bảo hộ lao động ở đây cẩn thận như quy định phải đi qua máy hút để khử khuẩn khử bụi trước khi vào xưởng, buộc phải đội chụp tóc, có thể phải chụp tai với một số người đứng máy lớn, tuy nhiên không buộc đeo khẩu trang vì không có mùi hôi.

Về vấn đề này, đại diện công ty giải thích: “Công ty áp dụng công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới nên không hề có khói thải ra môi trường, không nước thải trong sản xuất. Nguyên liệu sản xuất đều nhập từ nước ngoài, không hề có nguyên liệu tái chế. Công ty cũng mở các lớp đào tạo, cử người đi học các lớp nghiệp vụ để cán bộ công nhân viên có kỹ năng xử lý và phối hợp với các bộ phận kỹ thuật, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường”.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận Nhựa Hưng Yên đã vượt qua khó khăn, thách thức của thời kỳ bao cấp để chuyển sang cơ chế thị trường và đạt doanh thu lớn. “Đặc biệt, 100% thị trường của công ty là Nhật Bản, một thị trường “khó tính”, qua đó có thể thấy chất lượng sản phẩm của Công ty”, ông Hiển nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội biểu dương Công ty đã đảm bảo tốt 3 lợi ích của cổ đông, người lao động, nhà nước; và mong Công ty tiếp tục phát huy truyền thống, như đúng tên công ty khởi nguồn là Nhựa Tiền Phong, nghĩa là “đi đầu”.

Thị trường là chiến trường, Công ty cần tiếp tục vươn lên, vượt qua thách thức, khó khăn để khẳng định mình. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu: Một, phải đảm bảo chất lượng, chất lượng là hàng đầu, phải giữ bằng được uy tín Công ty. Thứ hai là hiệu quả, phải đảm bảo lợi nhuận, đảm bảo tốt 3 lợi ích. Thứ ba, đã chiếm lĩnh được thị trường thì cần phải giữ cho được thị trường.

Công ty cho biết dự kiến tương lai sẽ liên kết hợp tác, nâng số lượng nhà máy sản xuất lên 20 nhà máy, nâng sản lượng đạt 110.000 tấn/năm, đưa doanh số xuất khẩu  đạt 190 triệu USD, nâng số lao động tại khu vực lên 2000 lao động, đưa mức thu nhập bình quân lao động đạt 1000USD/người/tháng.

Đọc thêm