Khốn khổ vì bị vu oan “hiểm họa ung thư”

(PLO) - Một doanh nghiệp ở Hưng Yên vừa gửi đơn kêu cứu tới Báo PLVN và các cơ quan chức năng vì một clip nặc danh gửi tới tất cả đối tác quốc tế, vu oan cho công ty là “thủ phạm” gây ung thư hàng loạt.
Thông tin vu oan nặc danh còn gây tâm lý bức xúc cho hàng ngàn công nhân nhà máy
Thông tin vu oan nặc danh còn gây tâm lý bức xúc cho hàng ngàn công nhân nhà máy

“Cú sốc” clip nặc danh

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, đại diện truyền thông Cty CP Nhựa Hưng Yên (số 115 Nguyễn Thiện Thuật, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, chuyên sản xuất túi nhựa, chủ yếu xuất sang thị trường Nhật Bản) cho biết, vừa qua công ty đã gặp “cú sốc” vì bị tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến uy tín công ty, gây hoang mang cho tất cả các đối tác.

Sự việc bắt đầu vào tháng 8/2017, khi đối tác lâu năm là một tập đoàn lớn của Nhật Bản bất ngờ chuyển cho công ty đơn và clip nặc danh tố cáo địa chỉ sản xuất tại 91 Nguyễn Văn Linh “gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến ung thư cho hàng trăm người dân địa phương”. Đối tượng nặc danh còn tìm đúng địa chỉ email, số điện thoại Chủ tịch tập đoàn của phía Nhật Bản, xưng là luật sư, đề nghị ngừng mua bán với Nhựa Hưng Yên.

Điều này gây ngạc nhiên cho cả công ty lẫn đối tác, vì “tại sao người tố cáo không gửi trực tiếp tới Nhựa Hưng Yên mà gửi sang đối tác bên Nhật”? Đối với người Nhật, điều này còn khó hiểu vì “tại sao cùng là người Việt nhưng không “nói chuyện” với nhau mà lại gọi sang nước ngoài”. Cho rằng đây là chuyện bất thường, đối tác này đã thông báo lại cho công ty.

Thời gian ngắn sau đó, tất cả những đối tác còn lại của công ty ở trong và ngoài nước đều liên tiếp cho biết đã nhận được đơn thư và clip nặc danh như trên.

Phía tố cáo dường như có một “kịch bản” với từng bước cụ thể “đánh” vào tất cả những bên có liên quan đến công ty: Bước 1 là gửi đơn đến các đối tác mua – bán trong và ngoài nước; bước 2 là khách hàng của đối tác (tức có liên quan đến Nhựa Hưng Yên); bước 3 là những doanh nghiệp không liên quan, nhưng cùng ngành nhựa…

Sự thật về “30 người bị ung thư đã chết”

Phản bác clip nặc danh vu oan, bà Tâm cho biết, công ty hoàn toàn dùng nguyên liệu nguyên sinh 100%, nhập khẩu về, có chứng nhận của tổ chức quốc tế. Công ty chỉ xả nước thải sinh hoạt chứ không có nước thải công nghiệp và không có bụi, khói do mực in. Không chỉ đạt tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng ISO, công ty còn đạt những tiêu chuẩn vô cùng khắt khe như tiêu chuẩn công nghiệp JIS, 5S của Nhật Bản. Công ty đều đặn có báo cáo quan trắc môi trường định kỳ 3 tháng một lần, do Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn Lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam) thực hiện, thông số đều trong giới hạn và dưới giới hạn cho phép.

Đặc biệt, hàng năm công ty đều thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ cho cán bộ, công nhân viên. Từ khi công ty thành lập đến nay chưa có ai mắc các bệnh liên quan đến nghề nghiệp. “Như vậy làm sao có thể nói gây bệnh cho người bên ngoài”, bà Tâm chia sẻ.

Trong clip tố cáo công ty gây ô nhiễm còn có bản thống kê “30 trường hợp nạn nhân bị ung thư đã chết tại phường An Tảo trong 21 năm (1996 – 2017) do công ty gây ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe”. Do phường An Tảo mới tách từ phường Hiến Nam năm 2004 nên phóng viên đã đến phường An Tảo và phường Hiến Nam để xác minh thông tin. 

Về số lượng người bị ung thư, địa phương cho biết chưa có thống kê nào cụ thể. Tuy nhiên, trong danh sách “nạn nhân” có những điểm có thể kết luận ngay là sai sự thật, như một số trường hợp chết từ năm 1996, 1997, nghĩa là khi công ty còn chưa hoạt động, nhưng cũng được đưa vào “danh sách nạn nhân” này. Một số trường hợp chết khi đã 70 – 80, thậm chí ngoài 90 tuổi, được chính người nhà đăng ký trong sổ khai tử là do “già ốm”. Nhiều trường hợp “nạn nhân” không có trong sổ đăng ký khai tử.  

Đại diện cơ quan y tế nói gì về tố cáo nặc danh trên? Một cán bộ Sở Y tế Hưng Yên nhận định: Nội dung tố cáo như vậy “rất chung chung”. “Ô nhiễm” như thế nào, cần có sự kiểm tra đo đạc có số liệu rõ ràng của cơ quan chức năng. Để xác định có hay không những “nạn nhân”, không chỉ cần kết quả giám định y khoa, mà còn cần sự vào cuộc của các nhà khoa học, cơ quan điều tra. 

Nỗi lo uy tín ngành nhựa Việt

Bà Tâm chia sẻ, điều xúc động với công ty là khi các đối tác nhận đơn thư và clip nặc danh đều tin tưởng vào uy tín của công ty và cho rằng phía gửi đơn có ý đồ bêu xấu, bôi nhọ. Các đối tác sau đó đều có mặt tại Việt Nam làm việc, cho rằng những tố cáo trên là sai sự thật nên sẵn sàng hợp tác tối đa để làm rõ như: Sẽ lưu ý ghi âm nếu có các cuộc gọi nặc danh sang để cung cấp cho công an, không giao tiếp với đối tượng tố cáo nặc danh qua điện thoại, email, tin nhắn.

Về hậu quả của những thông tin tố cáo nặc danh, bà Tâm cho biết hiện đơn hàng với các đối tác không bị ảnh hưởng, thậm chí có đối tác ủng hộ bằng cách tăng đơn hàng. Hậu quả lớn nhất là tâm lý của những doanh nghiệp chân chính lo ngại chuyện vừa phải lo làm ăn, vừa nơm nớp lo những câu chuyện “ném đá giấu tay”. “Clip vu oan đã làm ảnh hưởng đến uy tín công ty, hình ảnh con người và thương hiệu kinh doanh của Việt Nam trong mắt đối tác quốc tế”, bà Tâm chia sẻ.

Công ty đã làm đơn đề nghị cơ quan chức năng làm rõ động cơ, thủ phạm của clip nặc danh, trả lại sự minh bạch cho môi trường kinh doanh đầu tư và công ty.

Trước sự việc trên, ngày 18/8, UBND tỉnh Hưng Yên đã có Văn bản số 2200/UBND-KT2 gửi cơ quan chức năng và đối tác Nhựa Hưng Yên, khẳng định luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư hợp tác sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tạo niềm tin, tăng cường đầu tư hợp tác mở rộng sản xuất kinh doanh, không để ảnh hưởng môi trường đầu tư của tỉnh.

Bà Tâm cho hay: tại địa chỉ 91 Nguyễn Văn Linh hiện có bốn công ty độc lập đang cùng hoạt động gồm Cty CP Nhựa Phố Hiến, Nhựa Sơn Nam, Nhựa bao bì châu Á và Cty CP Nhựa bao bì Bắc Á. Nhựa Hưng Yên chỉ là cổ đông tại các công ty trên. Nhưng các đơn thư khiếu nại và clip nặc danh chỉ nói về Cty Nhựa Hưng Yên. “Như vậy quy kết trách nhiệm cho một cổ đông là chưa thỏa đáng”, bà Tâm nói.

Đọc thêm