Bị chấm dứt hợp đồng vay trước thời hạn do vi phạm cam kết, một doanh nghiệp tư nhân đã dùng chiêu tố cáo đối tác để tìm cách phủ nhận trách nhiệm đối với khoản tiền vay đã được giải ngân.
Cho vay để được… kiện
Ngày 19/10/2009, Tổng Công ty Tài chính Dầu khí Việt Nam, Chi nhánh Vũng Tàu (PVFC Vũng Tàu) ký hợp đồng tín dụng số 28/2009 cho DNTN TM - DV Anh Đào (Doanh nghiệp Anh Đào) vay 16 tỷ đồng trong vòng 60 tháng để xây dựng nhà hàng Anh Đào với một số tài sản đảm bảo cho khoản vay.
Đã xuất đủ tiền cho khách hàng vay, nay PVFC phải khốn khổ trong việc đòi lại tiền. Ảnh minh họa |
Doanh nghiệp Anh Đào ký hợp đồng xây dựng nhà hàng với Cty CP xây dựng Khải Nhi, đồng thời đề nghị bên cấp tín dụng tạm ứng cho Cty Khải Nhi gần 4 tỷ đồng. Ngày 12/01/2010, PVFC Vũng Tàu giải ngân cho Doanh nghiệp Anh Đào theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp này.
Nhưng trong quá trình xây dựng nhà hàng, Doanh nghiệp Anh Đào và Cty Khải Nhi đã có mẫu thuẫn, dẫn đến việc Cty Khải Nhi phải dứt Hợp đồng xây dựng với Doanh nghiệp Anh Đào. Lý do chấm dứt hợp đồng được Cty Khải Nhi giải thích là có rất nhiều rủi ro khi thi công công trình mà chủ đầu tư không đảm bảo đúng và đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của Cty này.
Việc nhà thầu hủy hợp đồng dẫn đến tiến độ dự án nhà hàng Anh Đào bị chậm tới 12 tháng, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ đúng hạn đối với khoản tiền vay nên PVFC Vũng Tàu nhiều lần liên hệ với Doanh nghiệp Anh Đào yêu cầu khắc phục tình trạng trên. Nhưng Doanh nghiệp Anh Đào không đến làm việc mà ngày 27/12/2010, Doanh nghiệp Anh Đào gửi công văn xin gia hạn ngày hết hạn rút vốn.
Đại diện của PVFC Vũng Tàu cũng đã làm việc trực tiếp với bà Phạm Thị Anh Đào, chủ Doanh nghiệp Anh Đào và có văn bản yêu cầu doanh nghiệp này thực hiện đầy đủ các điều kiện của việc gia hạn, như: giải quyết dứt điểm tranh chấp với nhà thầu, thực hiện các thủ tục gia hạn giấy chứng nhận đầu tư, bổ sung các tài sản đảm bảo... nhưng Doanh nghiệp Anh Đào cố tình không thực hiện, vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận. Do đó, FVFC Vũng Tàu quyết định thu hồi nợ trước hạn. Tuy nhiên, Doanh nghiệp Anh Đào cũng lờ tịt việc trả nợ.
Vì lý do này, PVFC Vũng Tàu đã khởi kiện Doanh nghiệp Anh Đào để đòi cả gốc và lãi số tiền đã tạm ứng cho nhà thầu là Cty Khải Nhi. Ngày 15/9/2011, TAND tỉnh Ninh Thuận xét xử và buộc bà Phạm Thị Anh Đào phải trả cho Tổng Cty tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (PVFC) cả gốc và lãi là gần 5,4 tỷ đồng.
Tố cáo để phủi trách nhiệm
Trong quá trình tòa án giải quyết vụ kiện, PVFC đã gửi đơn tố cáo đối tác đã cấp tín dụng cho doanh nghiệp này và chối bỏ trách nhiệm trả khoản tiền mà chính doanh nghiệp này đã đề nghị PVFC Vũng Tàu giải ngân cho Cty Khải Nhi. Vụ việc được Công an tỉnh Ninh Thuận vào cuộc và kết luận là tố cáo của Doanh nghiệp Anh Đào không có cơ sở chứng minh, không có dấu hiệu tội phạm hình sự.
Tố cáo không được, Doanh nghiệp Anh Đào quay sang tố cáo ông Nguyễn Phúc Hải và bà Trần Thị Thu Thủy, cán bộ của PVFC Vũng Tàu, nhưng cũng được CQĐT kết luận là không có cơ sở xác định các cán bộ này có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi như tố cáo.
Chưa hết, Doanh nghiệp Anh Đào còn khiếu nại việc tính lãi suất của PVFC Vũng Tàu theo kiểu “lãi mẹ đẻ lãi con”, không được thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, dẫn đến thiệt hại quyền lợi của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, PVFC cho rằng để đảm bảo cho Doanh nghiệp Anh Đào được tiếp tục thực hiện hợp đồng, hai doanh nghiệp đã thỏa thuận việc chuyển hết số lãi từng tháng (trong thời gian ân hạn kể từ thời điểm PVFC giải ngân) thành gốc. Thỏa thuận này được Doanh nghiệp Anh Đào chấp thuận, cụ thể hóa qua các khế ước nhận nợ.
Hơn nữa theo quy định của pháp luật, không có quy định nào cấm các bên khi giao kết hợp đồng không được phép thỏa thuận việc tính lãi nhập gốc. Nếu không đồng ý tính lãi nhập gốc, vậy tại sao Doanh nghiệp Anh Đào không phản đối ngay mà lại ký, đóng dấu vào các khế ước nhận nợ. Theo Luật sư Nguyễn Văn Tú, khi các bên thỏa thuận và thực hiện các giao dịch dân sự, thương mại mà pháp luật không cấm thì sẽ phát sinh nghĩa vụ và ràng buộc trách nhiệm đối với các bên ký kết. Như vậy, nếu hai bên đã thỏa thuận “nhập lãi thành gốc” để tính lãi thì bên vay có nghĩa vụ phải thực hiện thỏa thuận này.
Các tài liệu trong hồ sơ vay tiền cũng thể hiện, chính Doanh nghiệp Anh Đào đã yêu cầu PVFC Vũng Tàu tạm ứng 30% giá trị hợp đồng xây dựng số 05/HĐTC/2009 ngày 17/11/2009 giữa Doanh nghiệp Anh Đào và Cty Khải Nhi số tiền là 3.917.167.650 đồng vào tài khoản của Khải Nhi. Do đó, trách nhiệm của doanh nghiệp này đối với khoản vay là không thể chối cãi.
Luật sư Nguyễn Hữu Cường, Phó Chủ nhiệm ĐLS tỉnh Lạng Sơn Theo quy định của pháp luật thì Doanh nghiệp Anh Đào cũng không thể phủ nhận trách nhiệm trả nợ khi chính doanh nghiệp này chỉ định đơn vị được nhận tiền vay, đơn vị thụ hưởng. Việc PVFC Vũng Tàu chuyển tiền cho Cty Khải Nhi là một phần trong thỏa thuận của hợp đồng tín dụng. Do đó, nghĩa vụ trả tiền không thuộc về Cty Khải Nhi mà thuộc về Doanh nghiệp Anh Đào. Việc Doanh nghiệp Anh Đào tố cáo đối tác thực tế là tìm cách phủ nhận trách nhiệm trả nợ nhưng với những thỏa thuận đã rõ ràng như vậy thì cách làm này chỉ làm cho uy tín của doanh nghiệp có đơn tố cáo bị đánh giá thấp hơn. |
Nhóm PV