Dỡ bỏ bế tắc trên con đường đến với công lý

(PLO) - Cuối tuần qua, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt “Tổ Tư vấn pháp luật và tâm lý hỗ trợ Hội LHPN Việt Nam trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em”. 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Tổ Tư vấn có 15 thành viên, là những người đang công tác trong các cơ quan tiến hành tố tụng, luật sư, chuyên gia giới... Ngay cái tên của tổ tư vấn đã thấy trọng trách khá nhiều của những thành viên trong việc giúp Đoàn Chủ tịch Hội về pháp luật và tâm lý nhằm xử lý các vụ việc vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em. 

Vì sao Hội LHPN Việt Nam phải thành lập tổ tư vấn này, câu trả lời đã đưa đến một thực tế rất đáng lo ngại hiện nay

Đó là, chỉ tính riêng xâm hại tình dục, theo số liệu từ Tổng Cục Cảnh sát giai đoạn 2014-2016 số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục là hơn 4.100 vụ, hơn 80% nạn nhân là trẻ gái, 278 em độ tuổi dưới 6, 1333 em độ tuổi từ 6-13, hơn 2500 em độ tuổi từ 13-16. Kinh hoàng hơn, các vụ trẻ bị giết hại trong những cơn cuồng giận của cha mẹ ngày càng tăng.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc có tới 70% trẻ em Việt Nam từng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Ở góc độ Tòa án, số án có tội phạm xâm hại sức khỏe, tính mạng, tình dục phụ nữ và trẻ em ngày càng nhiều. Nếu như các vụ xâm hại trước đây xảy ra phổ biến ở vùng nông thôn, dân trí thấp thì ngày nay lại xảy ra nhiều ở thành phố với người phạm tội là trí thức, được học hành đàng hoàng. 

Con số đáng buồn là vậy nhưng thực tế giải quyết còn đáng buồn hơn nữa khi liên tục vấp phải sự né tránh từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Dư âm vụ án Nguyễn Khắc Thủy dâm ô với trẻ em gây phẫn nộ dư luận mấy ngày nay là một minh chứng rõ ràng nhất trong vấn đề giải quyết triệt để các vụ việc liên quan đến việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

Tổng Biên tập báo Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thục Hạnh đã phải bức xúc thốt lên: “Không khó để thấy những người cha, người mẹ từ xa tìm đến tòa soạn mong được giúp đỡ, đã có nhiều bài báo nhưng tác động thực thì chưa được bao nhiêu. Có những nạn nhân phải rời bỏ quê nhà vì không chịu nổi những lời dị nghị, có nạn nhân trở nên câm lặng trước nỗi đau quá lớn của đời người. Nhiều lúc chúng tôi thấy bất lực vì sự loanh quanh, né tránh từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Sợ mất thành tích, mất uy tín, ngại va chạm và cả sự vô cảm của nhiều cấp chính quyền, hội phụ nữ, các đơn vị thực thi pháp luật khiến con đường đến với công lý trở nên bế tắc”.

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam TS. Bùi Thị Hòa trong 2 năm gần đây,  các cấp Hội đã phát hiện, tiếp nhận, tham gia giải quyết và hỗ trợ nhiều vụ việc liên quan đến xâm hại quyền lợi của trẻ em và phụ nữ và nhận thức của cộng đồng về vai trò của Hội đã thay đổi, nhiều phụ nữ đã đến với tổ chức Hội để mạnh dạn đưa ra những vấn đề pháp lý họ đang gặp phải và đề nghị Hội bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ giúp đỡ.

Tuy nhiên, cũng theo TS. Bùi Thị Hòa việc lên tiếng và hỗ trợ, bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em gái trong các trường hợp gặp rủi ro về mặt pháp lý đôi lúc chưa kịp thời, chưa giải quyết được những bức xúc trong dư luận; công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong xử lý vụ việc liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em còn nhỏ lẻ theo vụ việc, chưa xuyên suốt và chưa có chiều sâu...

Nói về sự ra đời của Tổ Tư vấn, bà Lương Ngọc Trâm - Thẩm phán TANDTC, thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Tổ trưởng tổ Tư vấn cho  biết, trong quá trình công tác và quá trình tham gia các hội thảo quốc tế, các cơ quan tiến hành tố tụng đã nhiều lần kiến nghị phải có một tổ tư vấn hoặc một quy chế thống nhất để bảo vệ quyền phụ nữ, trẻ em trong các vụ phức tạp mà dư luận quan tâm. Hội LHPNVN là nơi tiên phong đề xuất thành lập tổ tư vấn để các vụ việc xâm hại quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em được giải quyết một cách chính thống, đúng pháp luật.

Đọc thêm