“Đỏ mắt” tìm nhân lực kế thừa ngành cải lương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một trong những nguyên do “gây khó” cho việc gìn giữ và phát huy nghệ thuật cải lương là thách thức về lực lượng nhân sự kế thừa. Nhiều giải pháp đã được đưa ra trong thời gian qua nhằm giải quyết nan đề này.
Chuông vàng vọng cổ - một trong những cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ cho nghệ thuật cải lương. Nguồn: BTC cuộc thi.
Chuông vàng vọng cổ - một trong những cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ cho nghệ thuật cải lương. Nguồn: BTC cuộc thi.

Thiếu vắng tài năng trẻ

Sân khấu cải lương phía Nam đã trải qua một thời kì hoàng kim rực rỡ, cho đến nay, nghệ thuật cải lương vẫn còn nhiều sức sống tại mảnh đất Nam Bộ. Tuy nhiên, mối lo ngày càng mai một cũng là có thật khi thực tế cho thấy những nghệ sĩ cải lương tài năng ngày một ít đi.

Chúng ta từng có một thế hệ vàng các nghệ sĩ cải lương mà tên tuổi đã đi vào lịch sử nghệ thuật, như nghệ sĩ Thanh Nga, Thanh Sang, Thành Được, Út Bạch Lan, Tấn Tài, Lệ Thủy, Minh Vương, Diệp Lang, Hoài Thanh, Diệu Hiền, Thanh Tú, Bảo Quốc, Hoàng Giang, Hùng Minh, Hùng Cường, Bạch Tuyết, Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Minh Phụng, Ngọc Giàu, Minh Cảnh, Thanh Tòng... Tiếp nối thế hệ vàng, cải lương Việt Nam lại có những gương mặt xuất sắc, được khán giả mến mộ nồng nhiệt như Vũ Linh, Thoại Mỹ, Kim Tử Long, Tài Linh, Thanh Thanh Tâm, Thoại Miêu, Ngọc Huyền, Kim Tiểu Long, Thanh Ngân, Thanh Hằng...

Tiếp đến, những học trò của các nghệ sĩ thế hệ trước đã lần lượt thành danh, đó là Vũ Luân, Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân… Gần đây nhất, cải lương miền Nam có các nghệ sĩ trẻ tài năng như Võ Minh Lâm, Bình Tinh, Nguyễn Minh Trường, Nguyễn Văn Khởi, Kim Luận, Ngọc Đợi, Thu Vân, Huyền Trang, Võ Thành Phê, Huyền Trâm, Tô Tấn Loan, Phương Cẩm Ngọc…

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là càng về sau số lượng nghệ sĩ cải lương ngày càng ít đi. Khó so sánh về chất lượng hay độ tỏa sáng trên sân khấu vì mỗi thời điểm mỗi khác. Ở những thế hệ “hoàng kim”, sân khấu vẫn sáng đèn liên tục, cải lương là bộ môn nghệ thuật phổ biến, được đại chúng yêu thích nên nghệ sĩ cũng có nhiều cơ hội để trau dồi nghề nghiệp, tiếp cận khán giả, được khán giả yêu thương nhiều hơn.

Chỉ tính về số lượng cũng có thế thấy, càng về sau, lực lượng kế cận của ngành cải lương ngày càng giảm sút. Điều này không chỉ diễn ra ở những thị trường lớn như TP HCM mà ở hầu hết những địa phương có nghệ thuật cải lương phát triển ở Nam Bộ như Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu...

Theo chia sẻ của nhiều nghệ sĩ cải lương, thách thức trong vấn đề nhân sự kế thừa trong lĩnh vực này có rất nhiều, trong đó phải kể đến yếu tố giảm dần sự quan tâm từ thế hệ trẻ. Cải lương đòi hỏi sự đầu tư cao về thời gian, công sức và lòng đam mê. Tuy nhiên, trong thời đại hiện đại, sự thay đổi trong thị trường nghệ thuật khiến cải lương lùi dần khỏi vị trí hàng đầu, mối quan tâm của giới trẻ đang thiên về những lĩnh vực giải trí hiện đại và thời thượng. Sự xa rời của người trẻ đối với nghệ thuật cải lương dẫn đến các nghệ sĩ cải lương phải “đỏ mắt” khi tìm kiếm những tài năng có thể nối nghiệp mình.

Một trong những yếu tố quan trọng khác dẫn đến sự thiếu vắng thế hệ tài năng kế thừa của sân khấu cải lương là những “lỗ hổng” trong đào tạo chuyên môn của ngành này. Sự thiếu vắng các cơ sở đào tạo ngành cải lương cũng như một số rào cản từ quy định, dẫn đến thiếu chương trình đào tạo chuyên nghiệp cho diễn viên cải lương trong những năm qua.

Tín hiệu vui

Mới đây, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM đã thông báo chính thức tuyển sinh cao đẳng chính quy ngành diễn viên sân khấu kịch hát (diễn viên cải lương). Đây là một tin vui cho công tác đào tạo nhân sự ngành cải lương phía Nam bởi do vướng nhiều quy định, suốt 4 năm qua, Trường đã không thể đào tạo hệ cao đẳng chính quy ngành diễn viên cải lương. Đây là một ngành học đào tạo chuyên sâu về nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu, chương trình học tập trung vào việc phát triển kỹ năng diễn xuất, diễn đạt và biểu diễn trên sân khấu, bao gồm cả diễn kịch và hát với thời gian đào tạo là 3 năm.

Được biết, thí sinh trúng tuyển vào ngành diễn viên sân khấu kịch hát được giảm 70% học phí cùng nhiều chương trình hỗ trợ, trợ cấp học bổng trong suốt khóa học. Thông tin này khiến hầu hết các nghệ sĩ cải lương và những người yêu mến nghệ thuật cải lương vui mừng, mong mỏi ngành học với nhiều ưu đãi sẽ nhận được sự quan tâm, tham gia của các bạn trẻ, từ đó góp phần đào tạo ra những nghệ sĩ tài năng kế thừa cho sân khấu phía Nam.

Cạnh đó, suốt những năm qua, các nghệ sĩ cải lương thuộc thế hệ gạo cội và các thế hệ sau tài năng như Bạch Tuyết, Thanh Thanh Tâm, Bình Tinh, Thanh Sơn... đã nỗ lực truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ bằng cách tạo ra những nhóm, câu lạc bộ cải lương cho giới trẻ. Hiện nay, có 4 nhóm xã hội hóa đào tạo diễn viên cải lương tuồng cổ gồm: Minh Tơ - Thanh Sơn, Huỳnh Long - Bình Tinh, Đồng ấu Bạch Long và Chí Linh - Vân Hà. Các nhóm tuồng cổ này đang rất nỗ lực trong đào tạo diễn viên cải lương trẻ, trong đó có nhóm của Thanh Sơn và Bạch Long đào tạo diễn viên cải lương từ lứa tuổi nhi đồng.

Ngoài ra, một số cuộc thi, giải thưởng về cải lương như giải Trần Hữu Trang, Chuông vàng vọng cổ... cũng góp phần tỏa lan vẻ đẹp của nghệ thuật cải lương, tìm ra những tài năng tiềm ẩn, giúp họ trở thành các nghệ sĩ kế thừa, tỏa sáng trên sân khấu cải lương.

Hơn 100 năm tồn tại và phát triển, nghệ thuật cải lương đã trải qua những bước thăng trầm. Tín hiệu vui cũng nhiều, mà mối lo cũng vẫn còn đó. Nhưng tin rằng, với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực, nhiệt huyết của các nghệ sĩ, cải lương sẽ tiếp tục được “truyền lửa” từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đọc thêm