Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tính đến ngày 23/5 toàn cầu đã ghi nhận 635 ca nhiễm MERS khiến 193 nạn nhân tử vong. Đến nay, MERS đã xuất hiện tại 19 quốc gia thuộc khu vực Trung Đông; châu Âu; Bắc Phi; châu Á; châu Mỹ. Trong đó, 75% ca bệnh gần đây là lây nhiễm thứ phát do có sự lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc. Tất cả các trường hợp mắc MERS đều có liên quan và xuất phát từ 6 nước tại bán đảo Arập.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nhận định: “MERS là bệnh có tỷ lệ tử vong cao trong nhóm bệnh truyền nhiễm, phần lớn các ca bệnh đều có viêm phổi cấp tính nặng, sốt, ho và khó thở. Dù chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh nhưng nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập vào nước ta thông qua các khách du lịch, người lao động, học tập tại các quốc gia có dịch khi nhập cảnh vào Việt Nam là rất cao. Khó khăn trong việc ứng phó với MERS là chưa có vắc-xin, chưa có thuốc đặc hiệu".
|
Máy đo thân nhiệt được triển khai tại sân bay Tân Sơn Nhất |
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch MERS xâm nhập, tại TPHCM Trung tâm kiểm dịch Y tế Quốc tế đã chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng phó khi phát hiện ca bệnh, tiến hành đo thân nhiệt từ xa đối với hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. Việc kiểm soát được đặc biệt chú trọng đối với hành khách đến từ các nước vùng bán đảo Arập và những nước có dịch MERS đang lưu hành. Sau hơn một tuần triển khai đo thân nhiệt, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào nghi ngờ mắc bệnh.
Cùng với hoạt động trên, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cho biết, đơn vị này đã lên kế hoạch chi tiết cho chiến dịch truyền thông giáo dục các biện pháp phòng dịch MERS và các dịch bệnh khác cho cộng đồng trên toàn thành phố.