Tấp nập “khách VIP” ghé thăm
Gần đây nhất, tỷ phú Dilip Shanghvi - một trong những người giàu nhất Ấn Độ, nhà sáng lập của Sun Pharma, đã cho 4.500 nhân viên đến Việt Nam du lịch. Vào ngày 27/8, những nhóm du khách đầu thuộc thuộc Tập đoàn dược phẩm Sun Pharmaceutical Industries Limited (Ấn Độ) đến Hà Nội, bắt đầu hành trình tham quan các địa điểm nổi tiếng. Theo kế hoạch, đoàn du ở Việt Nam tới 7/9. Lịch trình của đoàn đã được lên kế hoạch trước từ 2 - 3 tháng. Đoàn chia làm 6 đến 7 nhóm, đến Việt Nam nhiều đợt. Đoàn sẽ nghỉ ngơi và lưu trú tại các khách sạn 4 - 5 sao, có những yêu cầu riêng về đồ ăn phù hợp với tín ngưỡng, tôn giáo.
Trước đó, đầu năm nay, một cặp đôi tỷ phú Ấn Độ đã tổ chức đám cưới ở Việt Nam thu hút nhiều du khách hạng sang trên toàn thế giới ghé thăm. Để đám cưới được diễn ra thuận lợi, cặp đôi giới “siêu giàu” đã bao trọn khu nghỉ dưỡng hơn 250 phòng ở Sheraton Grand Đà Nẵng trong 3 ngày 19 - 21/1. Giám đốc điều hành khu nghỉ dưỡng cho biết, riêng chi phí do cặp đôi tỷ phú bỏ ra cho 3 ngày này đã lên 500.000 USD bao gồm: tiền phòng, ăn uống, âm thanh, ánh sáng, trang trí và một số khoản khác. Chưa kể những ngày trước đó và sau đám cưới khách tiếp tục ở lại.
Những sự kiện trên đánh dấu bước tiến mới của ngành du lịch trong việc khai thác thị trường tỉ dân này. Ấn Độ đang là 1 trong 7 thị trường cung cấp nguồn khách quốc tế lớn nhất cho du lịch Việt Nam.
Ngoài đoàn khách hạng sang đến từ Ấn Độ, Việt Nam còn đón nhiều du khách giới “tinh hoa” đến từ các quốc gia khác nhau. Như vào tháng 3 năm nay, tỷ phú Bill Gates đã cùng bạn gái đến Việt Nam nghỉ dưỡng. Vị tỷ phú hàng đầu thế giới dành khoảng 5 ngày ở Đà Nẵng và Hội An, lưu trú tại một khu nghỉ dưỡng 5 sao hạng nhất ở Sơn Trà. Đây là một sự kiện cho thấy sức hấp dẫn ngày càng tăng cao của du lịch Việt Nam.
Khai phá thị trường mới cho ngành Du lịch
Thực tế, tệp du khách du lịch cao cấp đang đem lại lợi nhuận rất lớn cho các quốc gia. Đây là những khách sẵn sàng chi trả cho những dịch vụ đắt đỏ, lưu trú dài ngày và bảo đảm an ninh, môi trường cho những địa điểm họ ghé thăm. Vì vậy, đây là xu hướng được ngành du lịch của nhiều quốc gia hướng đến.
Việt Nam có lợi thế về phong cảnh thiên nhiên hấp dẫn, bản sắc văn hóa bản địa độc đáo. Tuy nhiên, để “giữ chân” khách du lịch hạng sang, cần phải nâng tầm dịch vụ, đáp ứng được các nhu cầu phức tạp của họ. Đơn cử, đoàn 4.500 du khách của tỷ phú Ấn Độ đến Việt Nam du lịch lần này có mức chi tiêu cao và cũng đặt ra yêu cầu cao.
Theo chia sẻ của nhiều khu lưu trú, công ty du lịch - lữ hành, tệp khách hạng sang thường có những yêu cầu rất khắt khe. Họ có thể bao trọn những khu nghỉ dưỡng đắt đỏ. Nhưng đi kèm với đó là các điều khoản chặt chẽ về an ninh, bảo mật, đồ ăn thức uống...
Đơn cử, Palm Garden resort, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Hội An, đã nhận được nhiều hợp đồng tổ chức đám cưới cho những người giàu trên thế giới. Tại đây, các sự kiện do giới “tinh hoa” tổ chức không chỉ đòi hỏi những không gian đủ riêng tư mà tất cả nhân viên phục vụ sự kiện đều phải cung cấp lý lịch, nơi ở gia đình cho họ. Khách sạn, khu lưu trú cũng phải chứng minh các phương án dự phòng khi xảy ra tình huống không mong muốn như cháy nổ, thời tiết bất lợi...
Ngoài các nhu cầu cao về dịch vụ, phân khúc khách hàng hạng sang đòi hỏi trải nghiệm những sản phẩm du lịch độc đáo. Vì thế, mỗi địa điểm du lịch cần liên tục nâng cấp, đổi mới để đáp ứng nhu cầu của các khách du lịch “hạng nhất” này. Điều này cho thấy, ở Việt Nam, nơi nào được phân khúc khách du lịch hạng sang ghé thăm, nơi đó đáp ứng được những dịch vụ tiêu chuẩn khắt khe và là một cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh du lịch, giới thiệu chính mình trong mắt giới tinh hoa.
Bên cạnh việc nâng tầm dịch vụ, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để ngành Du lịch Việt Nam “mở rộng cửa” đón du khách hạng sang. Đơn cử như chính sách visa dành cho khách VIP. Tại một số quốc gia phát triển mạnh mẽ về du lịch như Thái Lan, Malaysia các khách hạng sang đều có ưu ái riêng.