Đoàn công tác đặc biệt ở vùng biên Quảng Trị

(PLO) - Tỉnh Quảng Trị có đường biên giới tiếp giáp với 2 tỉnh Savannakhet và Salavan của nước Cộng hòa DCND Lào. Tình trạng “người lậu biên ải” di cư tự do xảy ra trong nhiều năm qua. Có những người sống 20 năm ở bản A Dơi Mới (còn gọi là “Bản Xâm Cư”, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa) vẫn trong cảnh không được công nhận quốc tịch, không có hộ khẩu, không chứng minh nhân dân, vợ chồng ở với nhau không có giá thú, con cái sinh ra không được làm giấy khai sinh… Thế nhưng, không lâu nữa họ sẽ trở thành công dân Việt Nam, không còn là người “sống chui” nữa.
Đoàn công tác Bộ Tư pháp hướng dẫn người dân làm thủ tục.
Đoàn công tác Bộ Tư pháp hướng dẫn người dân làm thủ tục.

Gần 2.000 trường hợp di cư chưa có quốc tịch

Quốc tịch là một trong những quyền cơ bản và đầu tiên của một cá nhân khi ra đời, thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên vẫn tồn tại những cá nhân rơi vào tình trạng không có quốc tịch.

Về mặt pháp lý, những người không có quốc tịch thì không được cấp chứng minh nhân dân, hộ khẩu, hộ chiếu, giấy tờ đăng ký tài sản, không được Nhà nước đứng ra bảo hộ khi cần thiết và họ luôn bị thiệt thòi vì không được bảo đảm các quyền công dân.

Tình trạng hàng trăm hộ dân di cư tự do từ Lào sang Việt Nam (và tương tự người dân từ Việt Nam sang Lào) từ nhiều năm qua là ví dụ. Để giải quyết tình trạng này, nhằm bảo đảm các quyền của người di cư tự do, từ năm 2013 Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã ký kết Thỏa thuận về giải quyết vấn đề quốc tịch, hộ tịch và giấy tờ tùy thân khác cho người dân của nước này cư trú tại các tỉnh biên giới của nước kia.

Triển khai Thỏa thuận nêu trên, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trong hai ngày 25-26/9/2018, Đoàn công tác Bộ Tư pháp (Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (HT-QT-CT)) và Bộ Công an (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội C06) đã về xã A Dơi huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị để trực tiếp hướng dẫn người di cư tự do hoàn tất hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam.

Tại đây, gần 20 cán bộ của Cục HT-QT-CT, Sở Tư pháp Quảng Trị, UBND huyện Hướng Hóa và UBND xã A Dơi đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân điền vào Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam, tờ khai lý lịch, chụp ảnh, lấy dấu vân tay... để hoàn tất hồ sơ.

Những người được hỗ trợ làm hồ sơ đều bày tỏ niềm vui mừng, cảm động trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành của Việt Nam. Đồng thời họ hứa sẽ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ công dân sau khi được nhập quốc tịch Việt Nam.

Cục HT-QT-CT cho biết, sau khi Cục hướng dẫn làm điểm lần này, số còn lại Sở Tư Pháp Quảng Trị sẽ có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nốt. Sau khi hoàn tất hồ sơ, Sở Tư pháp sẽ trình lãnh đạo UBND tỉnh, báo cáo Bộ Tư pháp. Bộ Trưởng Bộ Tư pháp sẽ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký tờ trình lên Chủ tịch nước xem xét quyết định cho nhập quốc tịch trong thời gian sớm nhất.

Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh (Cục trưởng Cục HT-QT-CT) cho biết, công tác giải quyết các vấn đề pháp lý cũng như vấn đề quốc tịch, đăng ký và cấp giấy tờ hộ tịch cho người di cư tự do từ Lào sang Việt Nam đã được tập huấn, chuẩn bị từ nhiều năm qua. Nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, sau 3 năm triển khai không đạt tiến độ theo kế hoạch và lộ trình hai bên đã thống nhất. Vì vậy, Chính phủ hai nước đã thống nhất gia hạn thời gian thực hiện thỏa thuận thêm 3 năm, sẽ hết hiệu lực vào ngày 14/11/2019.

“Với sự chỉ đạo rất quyết liệt của tổ công tác liên hợp, đặc biệt sự lãnh đạo của Bộ Ngoại giao cũng như Bộ Tư pháp, cả 10 tỉnh biên giới có người di cư với Lào đã và đang triển khai thỏa thuận. Hiện một số tỉnh đã hoàn thành hồ sơ và gửi Bộ Tư pháp giải quyết tiếp. Theo danh sách Trưởng đoàn đại biểu biên giới phê duyệt, ở 10 tỉnh biên giới với Lào có 1.804 trường hợp.

Quảng Trị có nhiều người di cư nhất với 855 trường hợp di cư tự do và kết hôn không giá thú. Riêng tại xã A Dơi, huyện Hướng Hóa đã có tới 281 trường hợp”, Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh thông tin và cho biết, nếu giải quyết xong ở Quảng Trị coi như cơ bản hoàn thành kế hoạch. Dự kiến với tiến độ hiện nay, đến cuối năm 2019 tất cả những người di cư tự do Lào được phép cư trú tại Việt Nam sẽ có quốc tịch Việt Nam.

Niềm vui “Chúng tôi sắp có quốc tịch Việt Nam rồi”

Cần nhắc lại rằng, sau Hiệp định biên giới năm 1979 được ký kết giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào, nhiều hộ dân người Vân Kiều - Pa Kô vốn trước đây sống cùng nhau dọc tuyến biên giới của hai nước đã có sự xáo trộn về cuộc sống: Một số sống ở phần đất được chuyển cho phía Lào; một số thì sống ở phần đất được chuyển cho Việt Nam.

Dù là về phía nào thì cuộc sống của những người này cũng gặp muôn vàn khó khăn. Bởi trong một thời gian dài họ không được cấp phát bất cứ giấy tờ nào từ phía cơ quan có thẩm quyền của cả hai nước.

A Dơi Mới là một bản biên giới thuộc xã A Dơi, là nơi tập trung của gần 300 người di cư tự do từ Lào. Họ sống tập trung ở một góc quả đồi, gọi là “xóm xâm cư”, chủ yếu trồng sắn, làm rẫy. Từ nhiều năm nay, đã có không ít các đoàn đại biểu của các cơ quan từ Trung ương đến tỉnh, huyện... về thăm bản. Nhưng lần nào cũng vậy, khi các đoàn khách rút đi, những tiếng thở dài, mong ngóng lại nổi lên. Bởi họ đã chờ đợi, trông mong lâu lắm rồi vẫn chưa được cấp giấy tờ, quốc tịch…

Vì thế lần này, khi nghe tin có Đoàn công tác của Bộ Tư pháp, Bộ Công an về trực tiếp hướng dẫn điền tờ khai, hồ sơ để hoàn tất thủ tục xin nhập quốc tịch, người dân vui lắm, tập trung rất đông tại trụ sở Ủy ban xã. Ai nấy cảm thấy sung sướng, hồ hởi, nét mặt rạng ngời.

Muôn vàn thiệt thòi

Còn Anh Hồ Văn A Dố (40 tuổi) kể, anh là người di cư tự do, yêu rồi cưới vợ ở Lào. Hai vợ chồng đã chuyển về sống tại A Dơi hơn 10 năm, có với nhau 6 người con. “Cả nhà tôi đều chưa có quốc tịch nên “khổ” lắm, đau ốm đi viện không được cấp thuốc vì không làm được bảo hiểm. Nhà chỉ có 4 sào sắn, làm không đủ ăn, tôi muốn vay tiền để thả mấy con bò nhưng không có ngân hàng nào cho vay cả. Hôm nay, Nhà nước quan tâm về UBND xã để làm hồ sơ nhập quốc tịch, khiến dân chúng tôi rất vui mừng, chắc sắp hết khổ rồi”.

Sau khi cung cấp thông tin cho Cục HT-QT-CT, anh Pả Pần (46 tuổi) tạm thỏa nỗi lòng bấy lâu nay. Pả Pần cho biết, 3 người con của mình đều học rất giỏi nhưng vì không có giấy khai sinh nên địa phương chỉ tạo điều kiện cho học hết lớp 9, còn đi học THPT thì trường không nhận: “Bố mất khi tôi 10 tuổi, ông là người có công với cách mạng, cả xã này đều biết nhưng vì chưa có quốc tịch nên không có quyền lợi. Tôi mong rằng, Nhà nước quan tâm cho chúng tôi nhập quốc tịch để cuộc sống bớt khổ. Tôi hứa sẽ tuân thủ mọi quy định pháp luật”, Pả Pần chia sẻ.

Có mặt tại xã A Dơi, ông Hoàng Kỳ (Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị) cho biết, tình trạng kết hôn không giá thú, di cư tự do gây khó khăn trong công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu của địa phương. Việc tạo điều kiện cho bà con được nhập quốc tịch Việt Nam, nhằm giúp họ ổn định đời sống, yên tâm phát triển kinh tế, cũng là góp phần ổn định an ninh - chính trị khu vực biên giới hai nước.

Theo ông Hồ Xa Cách (Chủ tịch UBND xã A Dơi), bà con không có quốc tịch khiến xã khó khăn trong quản lý hành chính, còn bà con thiệt thòi trong nhiều chế độ, như không thể vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất hay ổn định cuộc sống, không có thẻ bảo hiểm y tế, không được đi bầu cử... 

Cũng theo lời vị Chủ tịch xã A Dơi: “Hôm nay, thật sự tôi rất phấn khởi, trước mắt, thay mặt chính quyền địa phương cũng như người dân cám ơn quý lãnh đạo đã quan tâm, hướng dẫn thủ tục tận tình. Nếu dân nơi đây có quốc tịch, hộ khẩu, giấy khai sinh thì... tuy số lượng hộ nghèo sẽ tăng và nhiều việc phức tạp còn phải làm. Thế nhưng, đó là niềm vui mong mỏi mấy chục năm qua của bà con, nay mới thành hiện thực. Nên người cán bộ như tôi quá sung sướng, không một lời nào tả được”.

Đọc thêm