Ngày 1-2/12, TAND huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã xét xử vụ án “cố ý gây thương tích” đối với Ngọ Thành Tới. Điều dư luận quan tâm là với một vụ án có nhiều dấu hiệu không rõ ràng nhưng cơ quan tiến hành tố tụng vẫn “làm ngơ”.
Giám định không xác định được hung khí
Theo cáo trạng, khoảng 17h ngày 15/2/2010, Tới cùng Nguyễn Bá Hưng, Ngọ Văn Hùng (trú tại thôn Ngọ Xá, xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa), đi chơi Tết về đến khu vực sân kho thôn Ngọ Khổng (xã Châu Minh) có nhìn thấy Nguyễn Văn Tuấn và Ngô Xuân Học đều ở thôn Ngọ Khổng ngồi ở rìa đường.
Khi Hưng chở Hùng đi qua chỗ Tuấn thì hai bên lời qua tiếng lại, Hùng xuống xe cầm 1 chiếc côn gỗ vụt về phía Tuấn. Tuấn quay mặt tránh thì bị côn vụt vào người làm Tuấn bị choáng. Thấy xô xát, Tới đến nhặt viên gạch ở bên đường đi đến chỗ Tuấn ngồi, tay trái túm tóc Tuấn kéo ngược lên, tay phải cầm gạch đập thẳng vào hốc mắt phải của Tuấn. Bị một số người can ngăn, Tới bỏ về nhà bố mẹ vợ ở thôn Ngọ Khổng, còn Hưng chở Hùng về nhà.
Tuấn được đưa đi Bệnh viện huyện Hiệp Hòa sau đó chuyển lên Bệnh viện mắt TƯ điều trị từ 15/2 đến 22/2/2010. Tại Giấy chứng nhận thương tích số 26/SBA/2010 (ngày 24/2/2010) của Bệnh viện Mắt TƯ xác định thương tích của Tuấn: “Mắt phải sang chấn xuất huyết nội nhãn, theo dõi vỡ nhãn cầu”; Còn tại Giấy Chứng nhận thương tích số 156/SBA/2010 (ngày 5/8/2010) của Bệnh viện cấp cho Công an huyện Hiệp Hòa xác định: “Mắt phải sang chấn xuất huyết nội nhãn, vỡ nhãn cầu/khâu mi trên”.
Biên bản Giám định Pháp y số 600 (ngày 25/8/2010) Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh Bắc Giang kết luận: “Vết sẹo nằm ngang dưới đuôi lông mày phải trên mi mắt… trên cơ thể anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1992)… do vật tày có cạnh tác động tạo nên”. Đến ngày 10/2/2011, Phòng Giám định pháp y (Bệnh viên Đa khoa tỉnh Bắc Giang) có Công văn số 239 (trả lời Quyết định số 16/QĐ (ngày 28/2/2011) của Cơ quan CSĐT Công an huyện Hiệp Hòa trưng cầu giám định bổ sung, yêu cầu xác định cơ chế hình thành dấu vết trên mắt phải của Nguyễn Văn Tuấn do gạch hay côn gỗ hai khúc gây nên) kết luận: “thương tích trên mắt phải của Tuấn do vật cứng tác động trực tiếp vào mắt phải. Không xác định là do gạch hay côn gỗ gây nên”.
“Bó tay” khi tìm hung khí
Điều đáng nói là Biên bản khám nghiệm hiện trường thu giữ tang vật không có đại diện của VKSND. Bên cạnh đó, khi cơ quan CSĐT Công an huyện Hiệp Hòa yêu cầu giám định trên 2 mẩu gạch được niêm phong gửi giám định có dấu vết vân tay không?; Nếu có thì có phải dấu vết vấn tay của Tới không? Có dấu vết máu người không? Thuộc nhóm màu nào? Mẫu máu của Nguyễn Văn Tuấn được niêm phong gửi giám định thuộc nhóm máu nào? Kết luận Giám định số 900/KL-PC54 ngày 19/10/2011 của Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh Bắc Giang kết luận: “trên hai mẩu gạch niêm phong gửi giám định không phát hiện thấy dấu vết đường vân”.
Như vậy, theo kết luận giám định chưa thể xác định hay có thể thấy không hề có mối liên hệ nào giữa tang vật vụ án (hai mẩu gạch được cơ quan CSĐT CA huyện niêm phong gửi giám định), Ngọ Thành Tới và Nguyễn Văn Tuấn trong vụ việc được cho là “cố ý gây thương tích” như kết luận điều tra của Công an huyện và cáo trạng của VKSND huyện Hiệp Hòa.
Tuy vậy, Công an huyện vẫn ra kết luận và VKSND huyện Hiệp Hòa vẫn truy tố Tới về tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 3 Điều 104 BLHS do có hành vi cầm gạch đánh gây thương tích cho anh Tuấn khiến vụ án có nguy cơ bị “ép án” nếu TAND huyện không công tâm, xem xét toàn diện những chứng cứ liên quan.
Hung khí trong vụ án cố ý gây thương tích có vai trò như thế nào, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Văn Toàn, VPLS Khánh Hưng về vấn đề này. Thưa Luật sư, trong một vụ án cố ý gây thương tích, có nhất thiết phải tìm được hung khí thì mới xử lý người có hành vi gây thương tích hay không? Đối với một vụ án cố ý gây thương tích thì để có căn cứ xử lý hình sự người có hành vi phạm tội, thì thương tích là yếu tố quan trọng nhất. Phải xác định được thương tích của bị hại mới có căn cứ xử lý hình sự vì điều luật quy định, thương tích từ 11% trở lên mới đủ căn cứ xử lý hình sự. Đối với tội danh này, buộc phải chứng minh hung khí sử dụng để phạm tội cũng khi thương tích nhỏ hơn 11%. Vì, nếu sử dụng hung khí nguy hiểm mà gây thương tích dưới 11% thì cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, nhất thiết phải chứng minh hung khí trong trường hợp thương tích dưới 11%. Trong vụ án này, thương tích của bị hại khá nặng, theo ông việc chứng minh hung khí có quan trọng không? Rất quan trọng, vì việc chứng minh hung khí làm thay đổi khung hình phạt. Nếu bị cáo dùng tay không để gây thương tích thì chỉ bị truy tố ở khoản 2, nếu dùng viên gạch hoặc côn gỗ, những vật mà pháp luật xác định là “hung khí nguy hiểm” thì khung hình phạt phải tăng lên là khoản 3 điều 104, Bộ luật hình sự. Theo tôi, trong vụ án này, phải chứng minh được hung khí khi xác định khung hình phạt mà bị cáo bị truy tố, xét xử. Hiện nay, kết luận giám định mới xác định hung khí gây thương tích là “vật tày” nhưng vật tày thì chưa đủ căn cứ xác định là “hung khí nguy hiểm”. Do đó, tôi cho rằng, các cơ quan tố tụng cần rất thận trọng về tình tiết này, tránh việc phán đoán hung khí để rồi có thể xử nặng hơn so với khung hình phạt mà bị cáo bị đáng bị xử lý. Xin cảm ơn ông! Bình Minh (thực hiện) |
Huy Long