Đồng chủ trì Hội nghị là Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội, luật sư Đào Ngọc Chuyền; 2 Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội luật sư Nguyễn Văn Hà và luật sư Nguyễn Xuân San. Tham dự Hội nghị có đại diện Cục Phổ biến giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp, đại diện Sở Tư pháp TP Hà Nội và hơn 100 luật sư thành viên.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội, luật sư Đào Ngọc Chuyền cho biết, có rất nhiều vấn đề cần hòa giải trong cuộc sống, trong đó, hòa giải ở cơ sở tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cộng đồng dân cư.
Theo luật sư Đào Ngọc Chuyền, Hội nghị là một sự kiện quan trọng nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; tạo động lực thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và ngày càng hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn mới; góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
|
Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội, luật sư Đào Ngọc Chuyền phát biểu khai mạc. |
Tại Hội nghị, luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, luật sư không phải là hòa giải viên, tuy nhiên, luật sư sẽ hỗ trợ về pháp lý, hỗ trợ, tập huấn các kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.
Tập huấn kỹ năng cho các luật sư tham gia Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở”, luật sư Nguyễn Văn Hà cho biết, nguyên tắc hòa giải là tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ ở. Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hôi, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và người cao tuổi.
Khi hòa giải phải khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên… Tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng.
|
Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội, Luật sư Nguyễn Văn Hà. |
Theo luật sư Nguyễn Văn Hà, để có thể làm tốt công việc của mình, hòa giải viên cần có kỹ năng giao tiếp, lắng nghe. Việc thực hiện tốt kỹ năng lắng nghe sẽ giúp hòa giải viên xây dựng lòng tin của các bên đối với mình, khuyến khích các bên chia sẻ trung thực, cởi mở, đầy đủ về suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của mình.
Bên cạnh đó, hòa giải viên cần có kỹ năng yêu cầu các bên cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc; kỹ năng xem xét, xác minh vụ việc; kỹ năng tìm mâu thuẫn, nguyên nhân; kỹ năng tra cứu văn bản quy phạm pháp luật, tìm giải pháp. Bởi để đảm bảo thành công của một cuộc hòa giải, hòa giải viên phải tìm ra được giải pháp tư vấn hợp tình, hợp lý cho các bên…
Việc tập huấn kỹ năng cho các luật sư tham gia hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở theo Đề án là một trong những nhiệm vụ chính trị pháp lý mà Đoàn Luật sư TP Hà Nội chủ động, tích cực triển khai thực hiện theo mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật “Luật sư Thủ đô với công tác hòa giải ở cơ sở” mà Đoàn đã triển khai trong nhiều năm qua.
“Luật sư của Đoàn Luật sư TP Hà Nội tham gia hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở góp phần vào việc nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân, góp phần vào việc giữ vững sự ổn định, đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đất nước”, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội Nguyễn Văn Hà cho biết./.