Doanh nghiệp chỉ mong tính đủ "chi phí thật" trong giá xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nếu không được tính đủ thì doanh nghiệp đầu mối sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, tiếp đến sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung từ đó ảnh hưởng đến tiêu dùng và sản xuất kinh doanh. Do đó, Bộ sẽ kiến nghị lên Chính phủ để điều chỉnh được sớm nhất các phương án điều hành giá xăng dầu bởi doanh nghiệp cũng chỉ mong muốn được tính các “chi phí thật”.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chủ trì cuộc họp thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 12/10
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chủ trì cuộc họp thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 12/10

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương vừa diễn ra chiều nay - 12/10, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - cho hay, thời gian từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới rất phức tạp, nguồn cung không ổn định, biến động giá lớn.

Cùng lúc nguồn cung sản xuất xăng dầu trong nước gặp vấn đề nên Bộ Công Thương đã phân giao cho các doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xăng dầu sản lượng nhập khẩu cụ thể. Do các DN đầu mối lo ngại thiếu nguồn cung nên đã tăng mạnh nhập khẩu trong quý II - là thời điểm giá xăng dầu thế giới tăng mạnh nhất.

“Thế nhưng, không ngờ sang đến quý III/2022, giá xăng dầu trên thị trường thế giới lại giảm mạnh nên nhiều DN đầu mối nhập khẩu thua lỗ lớn”, ông Đông nói. Do thua lỗ từ các khâu nên nhiều DN đã giảm mạnh chiết khẩu để hạn chế việc các đơn vị phân phối nhập hàng bán lẻ. Ngoài ra, sản lượng nhập khẩu trong quý III/2022 cũng bị giảm do 7 DN đầu mối bị tước giấy phép kinh doanh tạm thời trong 1,5 tháng.

Cũng theo Vụ trưởng Đông, do kinh doanh thua lỗ, tín dụng bị thắt chặt nên DN đầu mối không đủ tài chính nhập hàng, chủ yếu duy trì nguồn cung cấp cho hệ thống của đầu mối. Bên cạnh đó, có một số DN cũng chưa được thông quan để đưa xăng dầu về kho do chưa kết nối điện tử nên nguồn cung xăng dầu ra thị trường càng bị ảnh hưởng.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 12/10

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 12/10

Nói về việc DN kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ từ khi chưa bán hàng, ông Đông cho biết, do chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng cao nhưng chưa được tính đủ trong giá do nhà nước điều hành.

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Bộ Công Thương đã kiên trì kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế và cộng đủ các phụ phí vào giá cơ sở. Và kỳ điều hành ngày 11/10 vừa qua chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy sản xuất về cảng đã được cộng vào trong giá điều hành.

Tuy nhiên, để đảm bảo hệ thống cung ứng xăng dầu sớm ổn định trở lại, sáng nay, Bộ Công Thương cũng đã chủ trì họp cùng Bộ Tài chính và các DN đầu mối kinh doanh - sản xuất xăng dầu.

Thông báo về kết quả cuộc họp này, ông Đông cho biết, 2 Bộ đã thống nhất sẽ tiếp tục rà soát chi phí trong cơ cấu tính giá để phản ánh tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề nghị 2 nhà máy lọc dầu trong nước có biện pháp hỗ trợ giao hàng nhanh với các đầu mối đã ký hợp đồng.

Đáng chú ý, ông Đông thông tin, để đảm bảo đủ nguồn trong quý IV/2022, Liên Bộ sẽ phối hợp để sửa đổi quy định trong điều hành kinh doanh xăng dầu nhằm thích ứng với biến động rất lớn hiện nay như sửa đổi công thức tính giá và hướng điều hành giá.

“Chúng tôi đã tính đến phương án giá điều hành sẽ như một giá tham chiếu, qua đó tăng quyền hơn cho các đầu mối hoặc rà soát thời điểm điều hành, thời gian điều hành, thời gian điều chỉnh chi phí cho linh hoạt, thực tế, bám sát giá thế giới”, lời ông Đông nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, nếu không được tính đủ thì DN đầu mối sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, tiếp đến là sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung từ đó ảnh hưởng đến tiêu dùng và sản xuất kinh doanh. Do đó, Bộ sẽ kiến nghị lên Chính phủ để có thể điều chỉnh được sớm nhất các phương án điều hành giá xăng dầu bởi DN cũng chỉ mong muốn được tính các “chi phí thật”.

Đọc thêm