Doanh nghiệp có bắt buộc phải thưởng Tết?

(PLVN) - Quy định pháp luật hiện nay không yêu cầu người sử dụng lao động phải thưởng Tết. Tuy nhiên, nếu thực hiện thì doanh nghiệp phải công khai các quy định về thưởng Tết tới người lao động.

Luật sư Trịnh Thúy Huyền – Giám đốc Công ty Luật Apra cho biết, hiện nay, chưa có quy định nào bắt buộc doanh nghiệp (DN) phải thưởng Tết cho người lao động trong tất cả các trường hợp, dù là Tết Dương lịch hay Tết Nguyên đán. Theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà DN thưởng cho người lao động (NLĐ) dựa trên kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ. Trên thực tế, thay vì thưởng tiền cho NLĐ, nhiều DN thưởng bằng các hình thức như đi du lịch, vé tàu hỏa về quê; hoặc các đồ vật có giá trị như gia dụng, xe máy, ô tô.

Do đó, DN có thể chủ động lựa chọn thưởng hoặc không thưởng Tết cho NLĐ. DN chỉ tiến hành thưởng Tết khi họ và NLĐ có thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo quy định nội bộ của DN về thưởng Tết. Mặc dù các quy định về thưởng Tết do DN đặt ra nhưng theo Luật sư Huyền, NLĐ không cần quá lo lắng về việc DN tùy tiện thưởng cho nhân viên bởi khi xây dựng các quy định này, DN phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện của nhân viên tại cơ sở.

Đồng thời, DN phải công khai các quy định về thưởng tại nơi làm việc. Trường hợp DN công khai hứa thưởng Tết cho NLĐ thì phải thực hiện thưởng theo quy định tại Điều 570 Bộ luật Dân sự năm 2015. Nếu không công khai quy chế thưởng, DN sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.

Khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLDTBXH, mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác, trong đó có các khoản thưởng. Theo đó, tiền thưởng Tết của NLĐ hay nhiều DN gọi là “Lương tháng 13” sẽ không được sử dụng làm cơ sở để tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do đó, NLĐ sẽ được hưởng toàn bộ tiền thưởng Tết đó mà không cần phải trừ đóng bảo hiểm xã hội.

Đối với DN, khoản 2 Điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC nêu rõ các khoản chi không được khấu trừ khi quyết toán thuế thu nhập DN. Do đó, để được đưa vào các khoản chi giảm trừ hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế của DN, cần nêu rõ các điều kiện thưởng Tết và mức thưởng Tết tại một trong những tài liệu sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Các quy định tài chính của Công ty, Tập đoàn; Quy định thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc quyết định theo quy chế tài chính của Công ty, Tập đoàn.

Được biết, nhằm chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán 2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Kế hoạch 146/KH-TLĐ về chăm lo thăm hỏi NLĐ. Theo đó, với 2 nhóm đối tượng sau sẽ nhận được mức chăm lo thăm hỏi là 300.000 đồng/người: Người lao động có đóng BHXH tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn; Cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn; Tổng số nguồn kinh phí dự kiến: 8.000.000 (người) x 300.000đ/người = 2.400 tỷ đồng.

Đọc thêm